Hàng hóa dịch vụ đối mặt nguy cơ tăng giá trở lại

Thứ Sáu, 20/03/2015, 08:38
Thời điểm giá xăng dầu giảm kỷ lục, dù Bộ Tài chính và các tỉnh, thành đã liên tục áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt, nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải chỉ thực hiện giảm giá nhỏ giọt hoặc kê khai lại chi phí để đối phó.
Nhưng khi giá điện, xăng đồng loạt tăng cùng lúc, hàng hóa dịch vụ đã lập tức đối mặt ngay với nguy cơ tăng giá trở lại. Cú sốc tăng giá điện, xăng cùng lúc vừa qua cũng khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN càng thêm khó khăn.

Ông Hữu Trình, đại diện một nhóm DN dệt may ở KCN Tân Tạo, TP Hồ Chí Minh cho biết, giá điện tăng bình quân 7,5%, nhưng do DN chủ yếu sử dụng điện giờ cao điểm vào sản xuất, nên mức tăng sẽ còn cao hơn. Theo ông Trình, những DN đã sản xuất 3 ca, dù có muốn chuyển sang sản xuất vào ban đêm để được hưởng mức giá điện giờ thấp điểm cũng không còn đủ năng lực nhà xưởng, máy móc để đáp ứng.

Thực tế cho thấy, ngay cả với DN có mức tiêu thụ điện năng lớn, ở mức 1,5 – 2 tỷ đồng/tháng như nhóm DN của ông Trình, nếu chuyển sang sản xuất về ban đêm để được hưởng giá điện rẻ cũng không đủ bù đắp chi phí phải bỏ ra trả thêm tiền tăng ca; tiền phụ cấp đêm và tiền ăn ca đêm cho người lao động…

Nên giá điện tăng bao nhiêu, chắc chắn DN phải “chịu trận” bấy nhiêu và với mức tăng như vừa qua, chi phí tiền điện những DN có mức tiêu thụ nhiều như của ông Trình phải trả thêm hàng tháng là con số đáng kể. Đó là còn chưa tính chi phí tăng thêm do giá nguyên vật liệu, cước vận chuyển… tăng theo giá điện, xăng.

Theo đại diện một DN taxi tại TP Hồ Chí Minh, giá xăng tăng đột biến khiến DN phải lập tức điều chỉnh giá cước. Nhưng với hàng ngàn đầu xe, DN phải bố trí thợ kỹ thuật phối hợp với đơn vị đo lường chất lượng tranh thủ làm cả ban đêm cho kịp, bởi cứ để kéo dài ngày nào, hoạt động kinh doanh sẽ lỗ ngày đó.Một DN đã vậy, với hơn 12 ngàn đầu xe taxi của các DN khác trên địa bàn thành phố, việc đồng loạt điều chỉnh đồng hồ tính cước không thể diễn ra trong một vài ngày.

Để đối phó với tình trạng giá xăng tăng, giảm liên tục như vừa qua, nhiều DN taxi đã phải tính đến việc đầu tư mua sắm thêm đồng hồ tính cước dự phòng để hễ xăng dầu tăng giảm là có thể điều chỉnh được ngay, tránh thiệt thòi cho cả DN và người tiêu dùng.Nhưng như vậy, các DN kinh doanh taxi sẽ phải bỏ ra thêm số tiền không nhỏ. Đây cũng chính là lý do khiến nhiều DN taxi trì hoãn, chậm giảm giá trong những lần giá xăng giảm.

Với hoạt động vận tải hàng hóa XNK, ông Thái Văn Chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh khẳng định, mỗi lần giá dầu tăng, giảm 5% là các DN vận tải và chủ hàng sẽ điều chỉnh giá cước. Song những chủ xe không bị ràng buộc bởi điều kiện này, giá cước vận chuyển cũng đã bắt đầu nhích lên những ngày gần đây.

Còn theo phản ánh của tiểu thương ở các chợ đầu mối của TP Hồ Chí Minh, cước vận chuyển hàng nông sản, thực phẩm từ các địa phương về thành phố và hàng tiêu dùng sản xuất ở thành phố đi các tỉnh đang đua nhau tăng lên.

Chi phí này sẽ lập tức được tính trực tiếp vào giá bán lẻ hàng hóa và không ai khác, chính người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu.

Đ.Thắng
.
.
.