Hàng đắt tiền chưa hẳn đã xịn

Thứ Tư, 15/04/2009, 11:03
Anh Nguyễn Hữu Thăng mua chiếc kính mát hiệu Louis Vuitton tại building ở đường Đồng Khởi (quận 1, TP HCM) giá 600 USD. Trong quá trình sử dụng, thấy mắt kính có hiện tượng loang màu, chỗ đậm chỗ nhạt nên anh đã mang sản phẩm đến chỗ bán hàng, yêu cầu được đổi lại chiếc mắt kính khác như cam kết. Tuy nhiên, đại diện cửa hàng đã thẳng thừng từ chối đổi sản phẩm khác với lý do đây là lỗi của người sử dụng.

* Hà Nội: Liên quan tới vấn đề làng nghề sản xuất hàng giả, Ban chỉ đạo 127 TP Hà Nội cho biết, một trong những thủ đoạn của các đối tượng là "nội địa hóa" hàng giả nhập ngoại dưới phương thức nhập linh kiện, bán thành phẩm vào Việt Nam qua các làng nghề chế tác, gia công, sau đó gắn bao bì, nhãn mác mới thành các sản phẩm made in Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản.

Có thể "điểm mặt" hàng giả loại này như giày da các loại từ Hà Nam chuyển lên Bắc Ninh rồi đưa vào Hà Nội; kính mắt các loại từ Thái Bình lên Hà Nội bỗng trở thành hàng hiệu; quần áo thể thao gắn các nhãn hiệu nổi tiếng của nước ngoài có nguồn gốc từ TP Hồ Chí Minh; dụng cụ thể thao kiểu Mỹ, đồ cơ kim khí ngoại được chế từ… Thạch Thất…

Bột giặt OMO giả được thu giữ tại Thanh Oai.

Theo số liệu của Chi cục QLTT Hà Nội, trong 805 vụ hàng giả, hàng kém chất lượng được lực lượng này kiểm tra xử lý trên địa bàn Hà Nội năm 2008 thì gần 150 vụ được phát hiện tại các làng nghề, tăng nhiều so với những năm trước với mức độ, thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Trung tá Hà Thế Hùng - Đội trưởng Đội Chống hàng giả PC15 Công an Hà Nội cho biết, việc sản xuất hàng giả trong làng nghề thường được phân tán theo các hộ gia đình nên việc kiểm tra, xử lý rất khó khăn. Mặt khác, dân cư trong các làng nghề thường có quan hệ dòng tộc nên các vụ việc đa phần là do công tác trinh sát phát hiện rất hiếm khi, nếu như không muốn nói là không có việc người dân tại các làng nghề này tố giác tội phạm. Ngay cả khi bị lực lượng Công an thực hiện lệnh khám xét, nhiều đối tượng xấu đã tìm cách cản trở, tẩu tán tang vật.

Qua khảo sát của cơ quan chức năng, hiện trên địa bàn Hà Nội có 20 tụ điểm nghi vấn có hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả; bên cạnh đó còn có các điểm giáp ranh khó kiểm soát như 171 khu vực giáp ranh, 631 chợ, 73 bến xe ôtô, 7 ga tàu hỏa, 603 tụ điểm về hình sự… là nguồn chính của hàng giả mạo nhãn hiệu, xuất xứ đưa vào Hà Nội.

Một thủ đoạn mới của tội phạm hàng giả vừa được QLTT thành phố phát hiện là đối tượng thuê cửa hàng, tự gắn biển đại lý của một hãng mỹ phẩm nổi tiếng thế giới, sau đó mua hàng không rõ nguồn gốc về trưng bày và rao bán, sang nhượng cửa hàng và hàng hóa cho người khác.

Cũng theo QLTT Hà Nội, kiểm tra các cơ sở cung cấp mực in phát hiện việc mua mực bao về đổ vào các hộp mực in có nhãn hiệu nổi tiếng là khá phổ biến. Hầu hết việc thay mực in hiện nay được bổ sung từ nguồn mực bao không tên hiệu và xuất xứ này.

Bên cạnh hàng giả thì loại hàng kém chất lượng cũng đáng báo động bởi thiệt hại do loại hàng này gây ra cũng không kém so với hàng giả, phổ biến là thủ đoạn tẩy xóa, tăng date (hạn sử dụng), tập trung vào các mặt hàng thực phẩm, đồ uống giải khát. Đặc biệt thời gian gần đây, những vụ việc được phát hiện như sữa nhiễm melamine, sữa không đủ độ đạm, phân bón NPK không đủ hàm lượng theo quy định… gây tác hại nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, an ninh lương thực, sức khỏe người dân và môi sinh, môi trường…

* TP Hồ Chí Minh: Thời gian gần đây, văn phòng khiếu nại người tiêu dùng (Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh) và một số cơ quan bảo vệ pháp luật đã nhận được nhiều khiếu nại từ người tiêu dùng liên quan đến vấn nạn hàng dỏm, kém chất lượng. Trong đó, có cả sản phẩm ngoại nhập với các thương hiệu lớn với trị giá hàng ngàn USD.

Thực tế cũng cho thấy, trong khi giao dịch mua bán, chủ kinh doanh đã có những cam kết hẳn hoi với người tiêu dùng, nhưng khi sự cố xảy ra thì hầu hết họ đều lơ đi trách nhiệm của mình…

Anh Nguyễn Hữu Thăng (ngụ 63A Hoàng Hoa Thám, phường 13, quận Tân Bình) bức xúc, anh mua chiếc kính mát hiệu Louis Vuitton tại building ở đường Đồng Khởi (quận 1) có giá 600 USD. Trong quá trình sử dụng, thấy mắt kính có hiện tượng loang màu, chỗ đậm chỗ nhạt nên anh đã mang sản phẩm đến chỗ bán hàng, yêu cầu được đổi lại chiếc mắt kính khác như cam kết. Tuy nhiên, sau khi xem xong sản phẩm bị hư hỏng, đại diện cửa hàng đã thẳng thừng từ chối đổi sản phẩm khác với lý do đây là lỗi của người sử dụng.

Tương tự bà Phạm Thị Tư (ngụ 163 Nguyễn Văn Luông, phường 10, quận 6) mua chiếc kính tại một cửa hàng trên đường Điện Biên Phủ với giá hơn 3 triệu đồng. Sau khi mua về khoảng một tháng, bà Tư phát hiện gọng kính bị lỏng, chỉnh sửa nhiều lần nhưng vẫn không khắc phục được. Bà Tư đã mang chiếc kính đến cửa hàng đã mua để sửa chữa thì được nhân viên phòng kỹ thuật khẳng định: Không thể sửa được nữa. Bà Tư đã yêu cầu được đổi lại kính khác hoặc cửa hàng phải trả lại tiền nhưng không được đáp ứng.

QLTT đang lập biên bản, tạm giữ một vụ kinh doanh, trữ hàng giả.

Bức xúc trước những kiểu bán hàng trên, anh Nguyễn Hữu Thăng và bà Phạm Thị Tư đã "cầu cứu" đến văn phòng khiếu nại người tiêu dùng. Để làm rõ thực hư, văn phòng đã mời các chủ kinh doanh đến làm việc, các cửa hàng trên mới chủ động liên hệ với người mua hàng để giải quyết…

Ông Nguyễn Mộng Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh cho biết, hàng năm Hội tiếp nhận và giải quyết 200 - 250 vụ khiếu nại với qui mô giá trị hàng hóa, dịch vụ lên đến vài tỉ đồng và vài trăm ngàn đôla, mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng, giúp nhà kinh doanh điều chỉnh lại hoạt động của họ tốt hơn.

Theo ông Đỗ Hữu Quang - Cục phó Cục Quản lý thị trường Bộ Công Thương - hiện nay hàng giả không chỉ xuất hiện trong sản xuất, kinh doanh mà có cả những mặt hàng nhập khẩu. Phổ biến nhất là phụ tùng xe máy giả nhãn hiệu, giả kiểu dáng công nghiệp… làm cho người tiêu dùng nhầm tưởng là hàng do các công ty có uy tín trên thị trường sản xuất. Nguy hiểm hơn, đó là tình trạng sang chiết gas trái phép hay bột ngọt bị làm giả. Hàng loạt mặt hàng như điện tử, giày dép, quần áo giả nhãn hiệu cũng được sản xuất tại các doanh nghiệp trong KCX-KCN để xuất khẩu…

Trong năm 2009, vấn đề bảo vệ người tiêu dùng sẽ càng nổi cộm vì Việt Nam đã vào "sân chơi" chung của thế giới, thị trường bán lẻ trong nước cũng đã rộng cửa cho các đại gia nước ngoài sang hoạt động kinh doanh… Trong khi  đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội xác định lộ trình "ra đời" năm 2010 cũng có nghĩa là những quy định pháp lý trong lĩnh vực này vẫn tạm thời chưa có sự chuyển biến.

Vì vậy, việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác bảo vệ người tiêu dùng hiện là cần thiết. Ngoài ra, việc ban hành chế tài có sức răn đe đối với tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm đến lợi ích người tiêu dùng, kể cả việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe người sử dụng cũng đang được dư luận quan tâm…

Hương Vũ - Thúy Hà
.
.
.