Hàng chục DN Thái Bình gây ô nhiễm môi trường

Thứ Năm, 13/11/2008, 14:44
Cùng với nhiều địa phương, các trinh sát Phòng Cảnh sát bảo vệ môi trường Công an tỉnh Thái Bình đang quyết liệt ngăn chặn các "điểm nóng" gây ô nhiễm môi trường trong các làng nghề. Đã có hàng chục doanh nghiệp bị phát hiện, lập hồ sơ xử lý, trước hết là các doanh nghiệp dệt nhuộm, tái chế nhựa gây ô nhiễm rất nghiêm trọng ở huyện Hưng Hà và khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh (TP Thái Bình).

Lật tẩy hành vi vi phạm

Từ lâu, các trinh sát quan tâm tới 5 khu vực có thể coi là "điểm nóng" về vi phạm môi trường, gây bức xúc dẫn đến khiếu kiện của người dân. Điển hình là tại Trung tâm Dạy nghề tư thục Duy Toàn (TP Thái Bình).

Theo Thượng tá Nguyễn Duy Phiên - Trưởng phòng Cảnh sát bảo vệ môi trường Thái Bình, đây là đơn vị được cấp trên 3.000m2 đất ngay thành phố, cho phép dạy nghề cắt may. Nhưng thực tế, Trung tâm chỉ sử dụng khoảng 500m2 đất vào lập xưởng dạy cắt may với 30 đến 40 học viên. Số còn lại cho 3 cơ sở thuê đất làm hạt nhựa và mây tre đan.

Điều quan trọng là, các cơ sở sản xuất hạt nhựa từ phế liệu và sản xuất mây giang đan (dùng lưu huỳnh để sấy sản phẩm) gây ô nhiễm rất nặng đối với không khí và nguồn nước.

Theo chân trinh sát tiếp cận hiện trường mới thấy, cơ sở chế biến hạt nhựa thường thu mua phế liệu, bao xác rắn... về chất đống. Chưa nói đến tính chất lý hóa gây độc hại của loại nguyên liệu này, quá trình phân hủy phế liệu cộng với chất tẩy rửa nhựa, hun sấy mây, giang đan thải đen ngòm cả dòng mương dài hàng trăm mét, hôi tanh nồng nặc. Mặc dù được nhắc nhở nhiều, nhưng chủ các cơ sở trên không có biện pháp xử lý chất thải trước khi đổ ra môi trường.

Tại làng nghề dệt nhuộm Phương La, Thái Phương (Hưng Hà, Thái Bình), tình trạng ô nhiễm rất nghiêm trọng và kéo dài. Tài liệu của cơ quan Công an thu thập cho thấy, hàng chục doanh nghiệp của làng nghề với các công đoạn dệt, tẩy, nhuộm... đổ chất thải ra môi trường đã dẫn tới hậu quả làm cho hàng chục chục hécta lúa xung quanh khu vực không cho thu hoạch.

Dòng sông Tân Việt bị ô nhiễm, nước đậm đặc như nhựa đường, đến người trồng rau cũng không dám tưới. Nhiều người dân địa phương quá bức xúc đã gửi đơn đi nhiều nơi kêu cứu, đồng thời tổ chức đắp đập không cho nước thải, chất thải của làng nghề này chảy ra. Tuy nhiên, các cơ sở vẫn sản xuất khiến nước thải đã tràn qua đường liên xã 227 gây cản trở giao thông.

UBND tỉnh Thái Bình phải triệu tập cuộc họp giữa các Sở, ngành chức năng và địa phương tìm giải pháp tháo gỡ. Trước hết, đưa các doanh nghiệp dệt nhuộm này vào một cụm công nghiệp và xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải...

Xử lý vi phạm gắn với sắp xếp lại sản xuất, đảm bảo môi trường

Trước tình trạng các cơ sở sản xuất xâm hại nghiêm trọng môi trường, cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát bảo vệ môi trường Công an Thái Bình kết hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường đột phá các "điểm nóng", đề xuất UBND tỉnh có biện pháp mạnh tay ngăn chặn hành vi xâm hại môi trường.

Đối với khu vực Trung tâm dạy nghề, Công an tỉnh đề xuất UBND tỉnh ra ngay quyết định đình chỉ 2 cơ sở tái chế nhựa và sấy mây giang đan vì gây ô nhiễm nặng đối với môi trường; lập đoàn thanh tra toàn diện sai phạm. Khi đủ cơ sở, sẽ kiến nghị thu hồi quỹ đất tại cơ sở trên vì sử dụng không đúng mục đích.

Trên cơ sở kiến nghị của cơ quan Công an, UBND tỉnh Thái Bình đã giao cho UBND thành phố Thái Bình có giải pháp xử lý  nhanh, triệt để điểm gây ô nhiễm trên.

Đối với hàng chục cơ sở dệt nhuộm trong làng nghề Phương La, Thái Phương, huyện Hưng Hà, trước mắt, liên ngành Công an - Tài nguyên Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh Thái Bình ra quyết định tạm niêm phong các khâu gây ô nhiễm (chủ yếu công đoạn tẩy), buộc các cơ sở này phải đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải.

Trước đó, các ngành chức năng địa phương đã đưa 11 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vào cụm công nghiệp được đầu tư hạ tầng tương đối tốt. Tuy nhiên, nhiều chủ cơ sở sản xuất không chấp hành nghiêm quy định của UBND tỉnh mặc dù đã được tỉnh hỗ trợ thêm 2 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải.

Qua tìm hiểu, Thái Bình còn rất nhiều cơ sở sản xuất là nguồn phát gây ô nhiễm môi trường đang nằm trong các khu công nghiệp, như khu Nguyễn Đức Cảnh, Cầu Nghìn... Ngay tại làng nghề Đồng Tu (xã Phúc Khánh, Hưng Hà) cũng đã từng xảy ra ô nhiễm khiến người dân tập trung đông người để ngăn chặn, đề nghị chính quyền can thiệp.

Nếu chỉ xử lý các chủ cơ sở sai phạm này theo mức phạt hiện nay là chưa đủ sức răn đe. Phương châm xử lý vi phạm môi trường gắn với việc tổ chức, sắp xếp các cơ sở sản xuất của làng nghề trước đây vào các cụm công nghiệp, buộc xây dựng hệ thống xử lý nước thải của Thái Bình là đúng. Nhưng nó sẽ không kết quả nếu chính quyền và ngành chức năng buông lỏng quản lý.

Điều quan trọng là có biện pháp buộc các chủ doanh nghiệp, hộ sản xuất phải nghiêm túc chấp hành

T.Phong - C.Hồng
.
.
.