Hàng Việt Nam nhìn từ nông thôn

Thứ Tư, 09/09/2009, 08:26
Nông thôn, thị trường quá rộng lớn chiếm trên 70% dân số cả nước lâu nay đã bị bỏ ngỏ, trở thành "lãnh địa" của hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu từ nước ngoài. Người dân nông thôn, thay vì được dùng hàng giá rẻ nhưng chất lượng đảm bảo, đã buộc phải dùng hàng ít tiền vì chất lượng kém… Thành công bước đầu của một loạt phiên chợ "Đưa hàng Việt về nông thôn" thời gian qua khiến nhiều DN "tỉnh giấc". Đẩy lui hàng kém chất lượng, giành lấy thị trường nông thôn đã là "mệnh lệnh" được các DN Việt Nam đề ra cho chính mình.
>> Khuyến khích doanh nghiệp đưa hàng về nông thôn

LTS: Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Bộ Chính trị phát động, không chỉ phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam mà còn đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Qua đây, mỗi người dân Việt Nam sẽ thể hiện tình yêu với Tổ quốc của mình bằng những việc làm thiết thực: ủng hộ hàng nội địa, ủng hộ các doanh nghiệp trong nước, thay đổi thói quen mua sắm…

Từ những hành vi đơn giản nhất, như chọn mua một sản phẩm Việt Nam, thay vì sản phẩm có xuất xứ nước ngoài cùng loại, mỗi người dân đã tiếp thêm sức mạnh cho các doanh nghiệp (DN), giúp các DN vượt qua giai đoạn khó khăn. Đây chính là cơ hội lớn để khẳng định thương hiệu của hàng Việt ngay trên đất Việt, cơ hội mà các DN không thể bỏ qua nếu thực sự muốn đồng hành cùng 85 triệu người dân Việt Nam.

Hưởng ứng cuộc vận động lớn này, từ số báo hôm nay, Báo CAND khởi đăng loạt bài: "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", cùng với người tiêu dùng cả nước nhìn lại vị thế của hàng Việt, chỗ đứng của các DN Việt Nam và cũng thêm một dịp khảo sát, xem lại thói quen tiêu dùng của người Việt với chính hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam.

Từ những phiên chợ quê

Chợ Tía, xã Tô Hiệu (huyện Thường Tín, Hà Nội) họp phiên chính vào các ngày 2, 4, 6, 9 theo âm lịch. Đây là một trong những chợ quê điển hình của ngoại thành Hà Nội. Sáng sớm ngày 4/9 (16-7 âm lịch), chúng tôi có mặt tại đây khi những gánh hàng rau, quả đầu tiên được người nông dân gánh vào chợ bán. Những quang gánh, xe thồ chở đầy chuối, na, ổi, các loại rau xanh… tươi mơn mởn được bày bán san sát ngay đầu chợ. Phía trong là khu bán gà, vịt và các loại thịt lợn, thịt bò… cùng các sạp hàng tiêu dùng thiết yếu. Tuy nhiên, khảo sát một vòng quanh chợ, chúng tôi nhận thấy rất nhiều mặt hàng có xuất xứ từ nước ngoài.

Sạp hàng bán dép tấp nập người mua. Những đôi dép tông cao su màu đen có giá chỉ 5.000 - 6.000 đồng/đôi được nhiều người chọn mua. Chúng tôi cầm một đôi lên xem, chất liệu cao su mềm nhũn tay, cạnh dép được gọt qua loa vẫn còn lam nham. Không có nhãn mác, không nơi sản xuất, người bán cho biết, chị nhập dép từ mối quen biết ở chợ Đồng Xuân, cũng chẳng biết cơ sở nào sản xuất, của Việt Nam hay nước ngoài. Chúng tôi ngạc nhiên vì ngay cả các loại gia vị như gừng, tỏi… chiếm ưu thế vẫn là hàng nhập lậu trong khi người nông dân hoàn toàn có thể tự trồng được.

Góc chợ, một cụ già đã gần 80 tuổi ngồi bán hành khô, gừng, tỏi… đang dỡ hàng từ trong chiếc túi lưới dài có dán nhãn hiệu bằng tiếng nước ngoài. Thấy chúng tôi, cụ đon đả mời mua. Vừa xem hàng, chúng tôi vừa quan sát khách mua. Chủ yếu người mua vẫn chọn mua những củ tỏi, củ gừng có xuất xứ nước ngoài vì trông chúng to, bóng bẩy… trong khi tỏi và gừng nội vừa bé, còi cọc và sẫm màu.

Rau quả cũng bị hàng nhập lậu lấn át.

Đáng lo ngại nhất là các mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn. Nhìn đám trẻ con vui vẻ, hớn hở cầm những chai nước ngọt đủ các màu xanh, đỏ, tím, vàng không ghi địa chỉ sản xuất, không hạn sử dụng, không số đăng ký chất lượng… được bán 500 - 1.000 đồng/chai, cũng có ga và sủi tăm… ai dám đảm bảo chúng không chứa phẩm màu và hóa chất độc hại?

Ngay tại chợ rau Vân Nội (huyện Đông Anh) hay chợ đầu mối Long Biên, rau củ nước ngoài vẫn được bán tràn ngập trong khi đồng ruộng Việt Nam hoàn toàn có thể trồng ra những sản phẩm này. Câu chuyện hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả… tràn lan khắp các chợ nông thôn, vùng sâu vùng xa đã tồn tại từ nhiều năm nay. Đến bất cứ một vùng quê nghèo nào, cũng có thể dễ dàng gặp chai nước khoáng nhái với đủ các loại Lavi "e", Lavi "i", xà phòng tOMOt, nước rửa bát Sunlit…

Mới đây, lực lượng kiểm tra liên ngành của TP Hà Nội đã kiểm tra cơ sở sản xuất nước giải khát Ánh Dương (quận Hà Đông), thu giữ hàng ngàn chai nước cam nhãn hiệu Ánh Dương được sản xuất từ nước giếng khoan, pha phẩm màu, sau đó múc đổ vào chai bằng phễu. Nghiêm trọng nhất là cơ sở này đã dùng đường cyclamate (do Trung Quốc sản xuất) là một loại đường cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm, để sản xuất nước ngọt đóng chai.

Ở nông thôn, từ lâu nay, nông dân đã trở thành nạn nhân của phân bón giả, thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y kém chất lượng. Nhưng họ cũng chỉ biết "ngậm đắng nuốt cay" chứ chưa biết cách bảo vệ mình thoát khỏi vấn nạn này.

Sức tiêu thụ lớn, nhưng phải dùng hàng kém chất lượng…

Theo ông Hồ Tất Thắng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS), hiện đang tồn tại một nghịch lý: Nông thôn, nơi sản xuất hàng nông thủy sản chủ yếu, nhưng trớ trêu thay, hàng tốt nhất, "của ngon vật lạ" đều để dành cho xuất khẩu hoặc bán ra thành thị. Ngược lại, hàng tiêu dùng lỗi mốt, hàng xấu lại được đưa về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Một thời gian dài, chính các DN đã dường như thiếu coi trọng người tiêu dùng ở nông thôn.

Ông Hồ Tất Thắng cũng nhận định: Tâm lý của người tiêu dùng thành thị và nông thôn có sự khác biệt lớn. Với bà con nông dân, mua gì, dùng gì phần lớn phụ thuộc vào sự gợi ý của người bán hàng. Rẻ thường được coi là tiêu chí hàng đầu, nên đã dẫn đến tình trạng hàng giả, hàng nhái mặc sức tung hoành.

Tại nông thôn, các DN đã bỏ bê hệ thống bán lẻ, thiếu thông tin chi tiết về sản phẩm cho cả người bán lẫn người mua. Vì thế, nông thôn - "cái túi" chứa hàng giả, hàng kém chất lượng cứ căng phồng lên mãi. Người ta có thể làm nhái, làm giả từ bao diêm, nén nhang, cây, con giống đến cả những vật dụng trị giá cao như phụ tùng xe máy, thuốc bảo vệ  thực vật, hàng điện tử, điện lạnh. Người tiêu dùng cũng dễ bị "bắt nạt", vì họ ít biết về "quyền" của mình.

Bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) - người khởi xướng những phiên chợ "Đưa hàng Việt về nông thôn" từng phân tích: Lâu nay, bà con nông dân thường bị (được) mua hàng "ít tiền" chứ không phải hàng giá rẻ. Chi phí vận chuyển, lưu thông và nhiều chi phí khác được tính gộp vào, khiến một mặt hàng sản xuất tại thành phố, khi đưa về nông thôn giá đã bị đẩy lên cao hơn. Đây là thiệt thòi lớn của người tiêu dùng nông thôn mà các DN phải tính toán, nếu không muốn để hàng nhái, hàng giả tiếp tục chiếm lĩnh thị phần.

Điều rút ra sau những phiên chợ "Đưa hàng Việt về nông thôn"

Phiên chợ "Đưa hàng Việt về nông thôn" (lần đầu tiên ở phía Bắc) đã được Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức vào tháng 7 vừa qua tại Lục Ngạn, được coi là một nỗ lực giúp doanh nghiệp Việt Nam giành bước đầu lấy lại thị trường rộng lớn này. 22 doanh nghiệp tham gia phiên chợ đã tận dụng xe tải làm quầy hàng lưu động.

Các sản phẩm của mũ bảo hiểm Chí Thành, mỳ ăn liền Vifon Acecook, bánh kẹo Kinh Đô, quần áo của Vinatexmart, thực phẩm Vissan, Đức Việt... được người dân hưởng ứng và bán chạy. Chỉ hơn 1 giờ bán hàng sau khai mạc, doanh thu đã đạt hơn 165 triệu đồng. Bà Vũ Kim Hạnh vừa mừng, vừa buồn khi tại phiên chợ, có người dân địa phương đã nhận xét: "Từ nhỏ tới giờ mới thấy hàng Việt Nam chất lượng cao thứ thiệt về tới quê".

Hơn 51 tỷ đồng kinh phí của chương trình "Xúc tiến thương mại, thị trường nội địa năm 2009" được Bộ Công thương dành phần đáng kể hỗ trợ quảng bá, tuyên truyền cho các doanh nghiệp đưa hàng "nội" về bán ở nông thôn và các khu công nghiệp tập trung đông người lao động.

Đối phó với nạn hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng giá rẻ từ nước ngoài tràn vào xâm lấn thị trường nông thôn, cách hữu hiệu hơn cả mà các doanh nghiệp phân phối và sản xuất nhắm tới chính là chung tay phát triển hệ  thống bán lẻ xuống tận các xã, huyện. Rõ ràng, qua những phiên chợ "Đưa hàng Việt về nông thôn" có thể thấy, chính người bán hàng đóng vai trò quan tro ång trong việc đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng, thay đổi thị hiếu, thói quen của họ.

Tương tự như ở Bắc Giang, kết thúc đợt bán hàng tại Khánh Hòa, các doanh nghiệp đã đạt hơn 750 triệu đồng lợi nhuận. Chỉ trong hai ngày, doanh nghiệp cũng đã đạt doanh thu gần 900 triệu đồng tại các phiên chợ quê của tỉnh Trà Vinh.

Theo bà Hạnh, các doanh nghiệp vẫn có cơ hội giành lại thị trường nông thôn bằng cách nghiên cứu và đưa ra những sản phẩm bảo đảm chất lượng, phù hợp với túi tiền của người dân. Công ty may Viettien sau khi tham gia phiên chợ "Đưa hàng Việt về nông thôn" đã quyết định sẽ đưa ra một dòng sản phẩm mới có thể đáp ứng được thị trường nông thôn, nơi mà trước kia họ không bao giờ để mắt tới. Vấn đề ở chỗ, để có thể chuyển dịch thị trường về nông thôn thành công, các doanh nghiệp cần chú ý đến màu sắc, mẫu mã sản phẩm vì người dân nông thôn có thị hiếu khác với thành thị. Quan trọng nhất là giá cả và chất lượng. Giá rẻ và chất lượng đạt yêu cầu - đó là thách thức và nhân tố quyết định thành công

(Còn nữa)
Nhóm PV KTXH
.
.
.