Hải quan Mộc Bài bị hạ gục như thế nào?

Thứ Ba, 04/01/2005, 10:17
Không lớn nhưng vụ án buôn lậu ở Tây Ninh do Nguyễn Thị Hạnh cầm đầu lại lập một kỷ lục khác: Đánh gục gần như toàn bộ lực lượng Hải quan cửa khẩu Mộc Bài. Tại sao một người đàn bà chỉ học hết lớp 4 lại có thể làm được như vậy?

Nguyễn Thị Hạnh (48 tuổi), tại Sway Riêng (Campuchia) là chị cả của 8 người em. Năm 20 tuổi, Hạnh chuyển về sống ở Bến Cầu (Tây Ninh) với nghề chính là buôn bán và vận chuyển hàng hóa.

Sau hàng chục năm trời lăn lộn ở cái chốn "đá cá lăn dưa", đời sống gia đình Hạnh cũng chẳng khấm khá gì hơn những người cùng thôn xóm. Khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lưc, Hạnh chớp ngay thời cơ "ẵm" về cho mình một chức giám đốc của Công ty Hạnh Phúc.

Có tư cách pháp nhân, Hạnh "bay" sang Campuchia và làm quen được với bà Prak Nhan, hiện ở Phnôm Pênh nhưng là hàng xóm trước đây với gia đình Hạnh. Bà Park Nhan cùng với một người Việt khác tên Trần Ngọc Bích chuyên mua bán trái cây từ Campuchia về Tp.HCM.

Các bị cáo nguyên là cán bộ Hải quan Mộc Bài.

Những chuyến hàng đầu tiên kể từ khi Hạnh và bà Nhan làm ăn được nhập qua cửa khẩu Mộc Bài đều bị kiểm tra khá nghiêm ngặt. Nhưng Hạnh thì vẫn vui vẻ chi cho anh em kiểm hóa năm ba trăm ngàn gọi là… "tiền trà nước".

Lúc đầu, có nhân viên Hải quan không nhận. Hạnh kiên trì thuyết phục. Cuối cùng, họ đã mềm lòng, nhẹ tay và cho đến khi phong bì cho mỗi nhân viên Hải quan trong một lần thông quan lên tới 1 triệu đồng thì họ đã trở thành "người của chị Hạnh".

Để thắt chặt hơn mối quan hệ này, Hạnh thường xuyên tổ chức tiệc tùng chiêu đãi cán bộ Hải quan. Tuyệt chiêu hơn, biết anh em mê cải lương, nhiều lần Hạnh mời cả nghệ sĩ "ngôi sao" ở Sài Gòn xuống nhà mình để phục vụ. "Tình sâu nghĩa nặng" nên có lúc, trong một tháng liền, hàng hóa của Công ty Hạnh Phúc chẳng bị kiểm tra trước khi thông quan.

Ngày 31/12/2004, phiên tòa xét xử vụ án buôn lậu ở Tây Ninh đã kết thúc, Tòa tuyên phạt các bị cáo với mức án sau: Kẻ cầm đầu Nguyễn Thị Hạnh 16 năm tù, Trần Ngọc Bích 12 năm tù, Tiêu Văn Tố 14 năm, Nguyễn Trung Dũng 12 năm, Phạm Văn Hùng 7 năm và Tiêu Thị Nhung 3 năm.

Ba bị cáo nguyên lãnh đạo Hải quan cửa khẩu Mộc Bài: Võ Văn Hường 4 năm tù giam, Chi cục phó Nguyễn Tấn Hòa 3 năm, Chi cục phó Lê Minh Tâm 2 năm. 23 nhân viên còn lại từ 9 tháng tù treo đến 3 tháng tù giam

Chính cái sự "hợp tác" làm nghèo đất nước này mà trong khoảng thời gian 1 năm, doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Hạnh Phúc đã trốn thuế gần 6,2 tỷ đồng. Bản thân Nguyễn Thị Hạnh thu lợi bất chính trong việc làm này là trên 2,8 tỷ đồng.

Quan liêu ngay khi đứng trước tòa

Hình ảnh thảm hại của một đơn vị Hải quan cửa khẩu lộ dần qua từng ngày xét xử vụ án. Chiều 24/12/2004, khi được gọi lên thẩm vấn, bị cáo Phan Văn Hiên như người "cõi trên" khi phân trần: "Chẳng biết cơ quan điều tra lấy số liệu ở đâu ra chứ bị cáo đã làm đúng trách nhiệm của mình!".

Sự chối tội ấy chỉ xuất phát từ thói "dối trên lừa dưới" khi họ còn là cán bộ Hải quan. Một Phan Văn Hiên xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên về việc "kiểm tra toàn diện hàng hóa của doanh nghiệp Hạnh Phúc" rồi lại làm trái ngược hoàn toàn.

Một Phạm Văn Điểm chỉ là nhân viên nhưng dám cả gan ký xác nhận với tư cách là thủ trưởng đơn vị để cho hàng hóa thông quan…

Làm sao có thể chấp nhận lời bào chữa của bị cáo Nguyễn Anh Hào "chưa rành về luật cũng như nghiệp vụ của ngành Hải quan vì mới vào ngành có… 16 năm"! Nhân viên đã vậy thì thủ trưởng đơn vị cũng chẳng khá hơn.

Bị cáo Võ Văn Hường, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài, thể hiện thái độ quan liêu ngay trước tòa khi trả lời rất vô trách nhiệm: "Bị cáo đã phân công cho Chi cục phó và tổ trưởng các tổ nghiệp vụ nhưng họ không báo lên thì làm sao bị cáo biết"

Mã Thanh Phong
.
.
.