Hải Dương: Cần chiến lược dài hơi cho phát triển công nghiệp

Thứ Sáu, 24/11/2006, 15:25
Sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất may mặc, giầy dép; chế biến nông sản thực phẩm và cơ khí điện tử đang chiếm ưu thế tăng trưởng ở tỉnh Hải Dương. Những năm qua, các ngành công nghiệp này chưa phát huy tối đa lợi thế bởi chưa một ngành nào xây dựng chiến lược lâu dài, bền vững...

Theo Sở Công nghiệp Hải Dương, giai đoạn 2001 - 2005 hầu hết các ngành công nghiệp có lợi thế đều duy trì tốc độ phát triển khá. Công nghiệp cơ khí, điện tử có tốc độ tăng trưởng bình quân 40%/năm. Chỉ tính riêng năm 2005, giá trị sản xuất đạt 21,2% tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Sản phẩm chủ yếu của năm này là sản xuất đạt 6.281 ôtô, 9.221 máy bơm nước, 5.110 tấn nhôm thanh định hình.

Một số sản phẩm có thương hiệu uy tín và có sức cạnh tranh lớn đã xuất khẩu ra nước ngoài như nhôm thanh, máy bơm nước, đá mài... Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lớn, qui mô và dây chuyền sản xuất hiện đại như ôtô Ford, nhôm định hình Tung Kuang, dây cáp điện Sumidenso, Taya...

Bức tranh "thiếu sáng"...

Tuy nhiên, ở ngành công nghiệp cơ khí, điện tử vẫn chưa mở rộng thị trường nước ngoài và đương nhiên chưa phát huy hết năng lực, lợi thế hiện có. Ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng có lợi thế tại chỗ cực kỳ lớn. Chỉ nói riêng trữ lượng đá vôi sản xuất xi măng hơn 300 triệu tấn, trữ lượng sét trắng 8 triệu m3, nhưng giá trị sản xuất công nghiệp của ngành này năm 2005 mới đạt 3.469 tỷ đồng (chiếm 29,8% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh).

Lợi thế mạnh nhất sản xuất xi măng năm 2005 cũng chỉ đạt 2.946 tỷ đồng (chiếm 84,9% ngành sản xuất vật liệu xây dựng). Ngoài 2 nhà máy xi măng lớn là Hoàng Thạch và Phúc Sơn, sản phẩm của 10 nhà máy khác trong tỉnh chưa đáp ứng được chất lượng.

Cũng trong ngành sản xuất vật liệu xây dựng, 6 nhà máy gạch tuy-nen công suất 15-20 triệu viên/năm/nhà máy, 2 nhà máy gạch ốp lát công suất 8 triệu m2/năm sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh với sản phẩm của Trung Quốc, nên thường hoạt động đạt 50% công suất hiện có.

Trong ngành may mặc, giày dép giá trị sản xuất chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ (6,4%). Hiện, toàn tỉnh có 160 cơ sở sản xuất giày dép, 30 doanh nghiệp may mặc có qui mô khá cùng hàng trăm cơ sở nhỏ với 19 ngàn người lao động, nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2005 chỉ đạt 33 triệu USD. Đây là ngành đóng góp lớn nhất vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh (chiếm 29,5%), song lợi thế cũng không hề được phát huy là mấy.

Cuối cùng là ngành chế biến nông sản thực phẩm, năm 2005 tỉnh có 10.870 cơ sở sản xuất chế biến nông sản thực phẩm, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.048 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 9%), tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2001-2005 là 25,6%/năm. Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 16,8 triệu USD (mục tiêu đề ra đạt 28 triệu USD).

Cần có chiến lược

Hiện nay, Hải Dương đang xây dựng và thực hiện nhiều giải pháp để phát triển 4 ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh đến năm 2010. Mục tiêu, công nghiệp cơ khí - điện tử có giá trị sản xuất đạt 12.000 tỷ đồng (chiếm 41,5% tổng giá trị sản xuất công nghiệp), đạt tốc độ bình quân 36,8%/năm; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng có giá trị sản xuất 6.000 tỷ đồng (chiếm 20,7%), tốc độ tăng trưởng bình quân 11,9%/năm; ngành may mặc, giầy dép phải đạt 1.200 tỷ đồng với 55 triệu sản phẩm các loại may mặc, 1.000 tỷ đồng và 15 triệu đôi/năm cho sản xuất giày dép; chế biến nông sản thực phẩm phải đạt gấp đôi giá trị sản xuất hiện tại. Tuy nhiên, trong vòng 4 năm tới mục tiêu trên chỉ có thể coi là giải pháp tức thời và nếu có thể coi đó là bước đệm tạo đà cho chiến lược phát triển toàn diện, lâu dài.

Theo các chuyên gia kinh tế của tỉnh Hải Dương, chiến lược phát triển kinh tế các ngành mũi nhọn không chỉ dừng lại mục tiêu đặt ra cho từng giai đoạn, mà phải quan tâm chiến lược mở rộng qui mô sản xuất, củng cố thương hiệu, mở rộng thị trường theo hướng thu hút đầu tư nước ngoài về vốn và công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh để trong hoàn cảnh nào cũng luôn đứng vững.

Muốn vậy, Hải Dương rất cần một chiến lược dài hơi cho phát triển công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, phát huy hết tiềm năng hiện có(?)

Mạnh Hừng
.
.
.