Hạ giá đồng Việt Nam, các chuyên gia nói gì?

Thứ Bảy, 22/08/2015, 09:35
Chỉ trong vòng 1 tuần, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần sử dụng công cụ điều hành tỷ giá, với mức độ được đánh giá là “bất ngờ”, “sốc”. Đáng chú ý, cấp độ của lần điều chỉnh sau “mạnh tay” gấp đôi lần trước. Cam kết điều hành tỷ giá trong biên độ 2% bị phá vỡ, khi thực tế, đồng Việt Nam đã mất tới 5% chỉ trong vòng chưa đầy 9 tháng. Các chuyên gia nói gì?


1. Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của World Bank tại Việt Nam: Kinh tế vĩ mô cần có khả năng chống đỡ và phục hồi tốt

Tăng cường khả năng chống đỡ của nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô thông qua việc củng cố nền tảng vĩ mô là mục tiêu lâu dài mà Việt Nam cần phải tiếp tục theo đuổi. Những biện pháp chính sách vừa qua của NHNN như mở rộng biên độ tỷ giá và giảm giá đồng tiền là bằng chứng cho thấy sự linh hoạt hơn trong điều hành tỷ giá, qua đó cho phép các yếu tố thị trường có vai trò quan trọng hơn trong việc xác định tỷ giá thông qua việc mở rộng biên độ tỷ giá, đồng thời góp phần ổn định thị trường tài chính.

Chúng tôi cho rằng đây là bước đi đúng hướng và chủ động của NHNN sau khi đánh giá các yếu tố bên ngoài và thậm chí đã tính đến các tình huống có thể xảy ra trong thời gian tới như việc Fed rút gói nới lỏng định lượng. Như vậy, NHNN đã chuẩn bị cho cơ chế tỷ giá sẵn sàng ứng phó theo hướng linh hoạt hơn. Điều cần làm hiện nay là tiếp tục tập trung vào các vấn đề mang tính dài hạn hơn, đó là kinh tế vĩ mô cần có khả năng chống đỡ và phục hồi tốt, ổn định và có nền tảng vững chắc.

Điều quan trọng là trong công tác hoạch định điều hành chính sách trong thời gian tới, NHNN cần tiếp tục theo dõi, đánh giá tác động của các điều chỉnh chính sách vừa qua đối với ổn định kinh tế vĩ mô, lòng tin của công chúng cũng như tiếp tục theo dõi các cú sốc từ bên ngoài khác có thể xảy ra, ví dụ như diễn biến của đồng NDT, và chủ động có biện pháp ứng phó kịp thời theo như cách thức đang làm hiện nay là để cho các yếu tố thị trường đóng vai trò quan trọng hơn. Về thời điểm, WB cho rằng NHNN đã theo dõi và đánh giá chính xác diễn biến môi trường bên ngoài và đã có phản ứng nhanh chóng sau khi có đầy đủ thông tin cơ sở.

Lạm phát thấp nên tỷ giá tăng không tác động đến lãi suất.

2. Ông Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh: Về nguyên tắc lãi suất sẽ giảm

Tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng và nới biên độ tỷ giá từ +/-2% lên+/-3% là một động thái chính sách rất khôn ngoan của NHNN. Chúng ta chia ra làm hai lần điều chỉnh, lần thứ nhất điều chỉnh biên độ và lần thứ hai chúng ta điều chỉnh cả biên độ và điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng. Lần thứ nhất nhằm đối phó ngay lập tức với việc Trung Quốc giảm giá đồng nhân dân tệ, còn lần này sẽ dài hơi hơn. Một mặt để đối phó với việc Fed có thể điều chỉnh lãi suất vào tháng 9 này, mặt khác diễn biến thị trường ngoại hối tuần qua cũng bị ảnh hưởng của việc giảm giá đồng nhân dân tệ và Ngân hàng Trung ương cần thiết phải có tác động chính sách.

Quan trọng thông điệp của NHNN nói rõ sau hai lần điều chỉnh vừa qua, tỷ giá đồng Việt Nam có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước, không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm 2016. Như vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu có lợi thấy rõ, các doanh nghiệp trong nước cũng nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với hàng hóa Trung Quốc. 

Các doanh nghiệp, ngân hàng, và người dân cũng không dại gì mà giữ ngoại tệ mà họ duy trì trạng thái Việt Nam đồng để có lợi hơn. Tôi nghĩ đó là động thái điều hành đón đầu thị trường rất thông minh, rất kịp thời và mức độ điều chỉnh lớn như vậy rất tốt tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ thời gian tới.

Còn về lãi suất, tôi nghĩ rằng, vì việc điều chỉnh tác động không mạnh đến lạm phát, hiện lạm phát đang ở mức rất thấp cho nên nó không tác động đến lãi suất tiền gửi, nên cũng sẽ không tác động đến lãi suất cho vay. Xét về mặt lý thuyết mà nói, khi Ngân hàng Trung ương nới lỏng tỷ giá hối đoái đồng nghĩa với việc Ngân hàng Trung ương sẽ cung ứng tiền ra thị trường nhiều hơn. Do đó về nguyên tắc lãi suất sẽ giảm chứ không tăng.

3. Ông Phạm Thanh Hà, Phó Tổng giám đốc Vietcombank: Biên độ rộng hơn, thị trường sẽ thích ứng hơn với biến động cung - cầu

Trong một tuần, 2 lần điều chỉnh tỷ giá, thị trường có những biến động nhất định. Áp lực trả nợ của các doanh nghiệp tăng lên, diễn biến trên thị trường liên ngân hàng cũng khá có áp lực, mua bán khá cao. 

Tâm lý thị trường khá lo lắng về khả năng Fed tăng lãi suất trong những tháng cuối năm sẽ có tác động bất lợi tới thị trường ngoại tệ Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi NHNN điều chỉnh tỷ giá và biên độ tỷ giá ngày 19/8, thị trường giao dịch khá sôi động, thanh khoản dồi dào, tâm lý thị trường được giải tỏa đáng kể. 

Với mặt bằng tỷ giá mới, cũng như với biên độ rộng hơn, thị trường sẽ thích ứng hơn với biến động của cung – cầu trong nước cũng như các yếu tố bên ngoài. Cụ thể, biên độ rộng như hiện nay đáp ứng đủ cân bằng cung - cầu ngoại tệ từ nay đến cuối năm cũng như đầu năm 2016.

Nhóm PV
.
.
.