Hà Nội: Khám phá vụ trộm cắp cước viễn thông qua mạng internet

Thứ Ba, 25/10/2005, 08:08

Sáng 23/10, Cơ quan ANĐT Công an Tp.HN phối hợp với ngành Bưu chính viễn thông đã khám phá vụ trộm cắp cước viễn thông quốc tế do một người Hàn Quốc cầm đầu với giá trị thiệt hại lên tới hàng chục tỷ đồng.

Khác với các vụ trộm cắp cước viễn thông sử dụng các trạm vệ tinh mặt đất cỡ nhỏ (VSAT) đã được phát hiện trước đó, lần này, thủ phạm đã “qua mặt” VNPT (Tổng Công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam), nhờ việc sử dụng các thẻ card điện thoại di động trả trước, thay vì việc thuê bao cố định trả sau. Chính vì vậy, VNPT không xác định được việc mất cắp. Chỉ qua nguồn tin của một số gia đình có người thân ở nước ngoài cho biết về hiện tượng lạ: Khi các số máy trong nước nhận đàm với người thân ở nước ngoài, thì lại hiển thị các số máy ở trong nước. Một số người gọi lại các số máy này thì cuộc gọi không thực hiện được?

Nhận định đây có thể là một thủ đoạn trộm cắp cước viễn thông mới. Lực lượng an ninh Hà Nội đã phối hợp với VNPT tổ chức điều tra. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, tới ngày 18/10, lực lượng an ninh đã bất ngờ kiểm tra 3 địa điểm tại Hà Nội do một công dân Hàn Quốc tên là Ko Don Chun, SN 1964 thuê ở Phòng 503, nhà số 6 Ngọc Khánh; số 4, ngõ 107 đường Trần Duy Hưng và nhà M3 Láng Trung.

Kết quả kiểm tra đã phát hiện tại các địa điểm trên có lắp 3 thiết bị tổng đài, với 142 đường thoại, 135 máy điện thoại di động (trong đó có 55 máy điện thoại di động sử dụng mạng Vietel Mobile, 80 máy sử dụng mạng city phone), 7 máy điện thoại cố định, nhiều thiết bị bộ giao tiếp cổng điện tử, bộ định tuyến đường truyền dẫn internet, modul dùng dải điều chế tín hiệu, bộ chia tốc độ cao, máy vi tính cùng các thiết bị viễn thông khác... Ngoài ra, còn thu được 30 kg card điện thoại trả trước của Vietel Mobile và Cityphone đã sử dụng. 

Thiết bị nối mạng từ nước ngoài vào mạng Viettel và Cityphone.
Theo đánh giá của các chuyên gia VNPT, đây là các thiết bị viễn thông rất hiện đại, mục đích nhằm trộm cắp cước viễn thông qua mạng internet. Cùng thực hiện hành vi trộm cắp với Ko Don Chun còn có Phan Thị Nga, SN 1980, quê ở huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình.

Tại Cơ quan điều tra, Ko Don Chun khai: Các thiết bị trên phần lớn được nhập từ Hàn Quốc, lắp đặt từ tháng 12/2004 đến nay để chuyển các cuộc gọi từ Hàn Quốc và những nước khác về Việt Nam theo chỉ đạo của Công ty Seabird tại Hàn Quốc, Ko Don Chun chỉ là người làm thuê, hưởng lương. Thủ đoạn của Ko Don Chun là lợi dụng đường truyền internet tốc độ cao để “ăn chặn” cước viễn thông của các mạng điện thoại đã được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Ở đầu phía Hàn Quốc, những người có nhu cầu gọi về Việt Nam đã phải mua card điện thoại của Seabird có mã hoá riêng, chỉ sử dụng được ở mạng của Seabird. Vẫn theo khai nhận của Ko Don Chun, mỗi tháng, Chun phải mua từ 40.000 đến 60.000 USD tiền card của 2 hãng City Phone và Vietel Mobile phục vụ việc trộm cắp.

Mở rộng vụ án, ngày 22/10, Cơ quan ANĐT Công an Tp. Hà Nội đã phối hợp với Công an Tp.HCM phát hiện và kê biên một điểm tại toà nhà Nam An, đường Điện Biên Phủ, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Đây là điểm do Ko Be On Kuy (em ruột Ko Don Chu) quản lý. Tại đây có 48 máy City Phone đang hoạt động. Ko Be On Kuy khai nhận đã hoạt động từ tháng 3/2005 đến nay.

Theo ước tính sơ bộ, vụ trộm cắp này gây thiệt hại vài chục tỷ đồng. Cơ quan ANĐT – Công an Tp.HN đang cùng với hãng Viettel Mobile và Cityphone xác định thiệt hại đồng thời tiếp tục thu giữ số tang vật vụ trộm cắp viễn thông tương tự tại một điểm ở Tp.HCM

Đào Minh Khoa
.
.
.