Hà Nội: Giá thịt lợn giảm chỉ là tạm thời do bị thương lái thao túng

Thứ Tư, 12/10/2011, 09:00
Chiều 11/10, bên lề Hội nghị đánh giá tình hình chăn nuôi 9 tháng đầu năm 2011 và tìm giải pháp thúc đẩy chăn nuôi trong thời gian tới, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã khẳng định với phóng viên các báo, thịt lợn giảm giá chỉ mang tính tạm thời, và đang có dấu hiệu tư thương trục lợi, làm giá khiến giá thu mua của nông dân giảm sâu nhưng giá bán lẻ tại các chợ lại giảm rất ít.

Phóng viên: Chưa có năm nào, giá thịt lợn lại tăng đột biến và phức tạp như năm nay. Đỉnh điểm là tháng 4, giá thịt lợn đột ngột tăng tới 64% so với tháng 1 và liên tiếp tăng trong các tháng 6,7,8. Đến tháng 9, giá thịt lợn lại giảm mạnh. Có sự bất thường gì trong việc giảm giá đột ngột này và đây có phải là tín hiệu tích cực không, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Sơn:  Đúng là trong những tháng đầu năm, đặc biệt là từ tháng 6 đến hết tháng 8, do nguồn cung thiếu hụt lớn đã dẫn tới giá các loại thịt đạt mức kỷ lục từ trước tới nay. Thứ nhất, nhìn bối cảnh các nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc, trong tháng 1- tháng 2 có hiện tượng thiếu hụt thực phẩm và lập tức, gia súc, gia cầm của nước ta bị kéo hút sang nước bạn với mức giá cao hơn trong nước.

Thứ 2, giá thịt tăng cao còn do hậu quả của đợt rét đậm, rét hại cuối năm 2010 làm thiệt hại trên 100.000 con trâu, bò tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Tiếp đó là dịch tai xanh và lở mồm long móng tái xuất hiện và chi phí đầu vào của chăn nuôi tăng quá nhanh dẫn đến người nông dân bỏ chuồng, không chăn nuôi tái đàn. Hệ quả là nguồn cung khan hiếm và giá thịt có tháng tăng cao tới 64% so với tháng 1.

Thịt lợn giảm giá chỉ thương lái được lợi.

Tuy nhiên, trong tháng 9, giá các loại thịt, đặc biệt là thịt lợn lại giảm do chăn nuôi đã được thúc đẩy, khiến nguồn cung dồi dào, không còn thiếu hụt như những tháng trước, tăng khoảng 15-18% so với thời điểm tháng 6, tháng 7. Thứ hai, giá thịt giảm một phần cũng là do một khối lượng lớn thịt đông lạnh được nhập khẩu trong thời gian qua.

Tính riêng trong tháng 8, lượng thịt nhập về đạt 12.000 tấn, trong khi các tháng đầu năm chỉ khoảng 3.000 - 4.000 tấn. Thứ ba là do ảnh hưởng lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long cũng như ở miền Trung nên bà con phải bán chạy sản phẩm dẫn tới giá xuống. Cộng với sự quay trở lại của dịch bệnh ở một số tỉnh khiến người chăn nuôi có hiện tượng bán tháo, bán chạy cũng làm giá hạ thấp xuống. Nhưng theo tôi, sự xuống giá này chỉ mang tính tạm thời vì nguồn cung tăng nhưng cũng chưa thể vượt cầu.

Thêm nữa, chỉ còn vài tháng nữa là đến Tết mà nhu cầu về thực phẩm trong dịp Tết sẽ tăng lên khoảng 15-20%, xu thế tăng giá trong những tháng dịp Tết là điều tất yếu theo chu kỳ hàng năm. Và cần lưu ý là đã có bàn tay thao túng giá cả của thương lái. Điều này thể hiện rất rõ khi giá thu mua lợn, gà tại chuồng giảm tới 25% nhưng ở các chợ, giá thực phẩm chỉ giảm 10%.

Phóng viên: Có nhiều ý kiến cho rằng nên xóa bỏ hoàn toàn mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ kiểu nông hộ mà chỉ cho phép chăn nuôi theo hình thức trang trại, ông đánh giá thế nào về phương án này?

Ông Nguyễn Thanh Sơn: Theo tôi, nếu cứ để tình trạng chăn nuôi tự phát nhỏ lẻ như hiện nay, rất khó kiểm soát được dịch bệnh và nếu có dịch xảy ra, người chịu thiệt thòi đầu tiên vẫn là người nông dân. Vì thế, Bộ NN&PTNT đã giao cho Cục Chăn nuôi soạn thảo các quy định điều kiện để có thể chăn nuôi theo mô hình nông hộ.

Theo đó, phải có điều kiện về an toàn sinh học, có đăng ký, có tiêm phòng và kiểm dịch đầy đủ. Thứ 3 là phải có chính sách hỗ trợ đối với người dân, trước hết là có thông tin minh bạch về thị trường, giá cả và được hỗ trợ đào tạo về kỹ thuật. Sau đó, phải hỗ trợ họ về hình thức chăn nuôi, có thể là hợp tác xã hoặc tổ, nhóm để cùng nhau chăn nuôi, có sự hỗ trợ lẫn nhau.

Phóng viên: Sự bất cập giữa việc có bàn tay thương lái làm giá dẫn đến tình trạng người nông dân chịu thiệt còn người tiêu dùng không mua được thực phẩm rẻ đã quá rõ ràng. Liệu có biện pháp nào để ngăn chặn tình trạng này và đến cuối năm, chúng ta có cân đối đủ nhu cầu thịt cho người dân?

Ông Nguyễn Thanh Sơn: Có thể nói, đây là câu chuyện về sự bất cập và mâu thuẫn lớn nhất là sự chênh lệch giá tại chuồng với giá bán hiện nay. Chúng ta chưa minh bạch được giá đầu ra. Cho nên, tầng lớp thương lái trung gian được hưởng lợi nhiều, còn người chăn nuôi và người tiêu dùng lại chịu thiệt. Nhu cầu thực phẩm từ nay đến cuối năm vẫn có thể đáp ứng đủ.

Với đà tăng trưởng như hiện nay, dự báo đến cuối năm, nguồn cung sản xuất trong nước sẽ vào khoảng 175.000 tấn thịt lợn xẻ và 55.000 tấn thịt gia cầm, các loại thịt khác còn vào khoảng 13.000 tấn. Thêm lượng thịt gia cầm nhập khẩu, hoàn toàn có đủ để cung ứng cho thị trường không bị khan hiếm.

Phóng viên: Xin cám ơn ông!

TP Hồ Chí Minh: Từ ngày 12/10, thịt heo giảm 2.000 - 4.000đ/kg

Theo thông báo Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh, kể từ ngày 12-10,  có 7/8 loại thịt heo của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường gồm: Công ty Vissan, Liên hiệp HTX TM TP, (Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn) sẽ điều chỉnh giảm giá từ 2.000 - 4.000 đồng/kg thịt heo các loại. Trong đó, thịt heo đùi, ba rọi, thịt vai, thịt nách, thịt cốt lết, sườn già, đồng loạt giảm 2.000 đồng/kg so với giá hiện hành. Thịt nạc (dăm, vai, đùi) giảm 4.000 đồng/kg.  Còn chân giò vẫn giữ nguyên với giá 73.000đ/kg.

T.H.

Ngọc Yến (thực hiện)
.
.
.