Gói kích cầu thứ 2 tiếp đà tăng trưởng cho nền kinh tế

Thứ Năm, 29/10/2009, 09:39
Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, có thêm gói kích cầu thứ 2 sẽ tốt bởi lãi suất hiện nay của chúng ta vẫn còn hơi cao. “Nếu chúng ta duy trì gói kích cầu thêm một giai đoạn nữa trong quá trình giảm lãi suất sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp”.

"Khi nền kinh tế suy giảm thì việc làm là vấn đề lớn nhất. Thực tế, cuối năm 2008 đến đầu năm nay, vấn đề việc làm đặt ra rất gay gắt nhưng sau khi có gói hỗ trợ của Chính phủ, vấn đề này bắt đầu được duy trì ổn định" - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội về tác dụng của gói kích cầu thứ nhất, bắt đầu áp dụng từ đầu năm 2009.

- Phó Thủ tướng có thể phân tích rõ hơn tác dụng của gói kích cầu này đối với vấn đề việc làm cho người lao động?

- Tại thời điểm đó, mục tiêu Chính phủ đặt ra là hỗ trợ để có thể giảm bớt gánh nặng về chi phí, giúp doanh nghiệp duy trì được công ăn việc làm. Chính phủ kích cầu vào khu vực nông thôn cũng chính là nhằm tạo ra việc làm ở khu vực này. Trong quý I năm nay, nền kinh tế đã bắt đầu lấy lại được đà tăng trưởng, như vậy mục tiêu đưa ra đã đạt được. Sau quý I, khi nền kinh tế qua được điểm đáy của tăng trưởng thì chúng ta đã duy trì được việc làm. Nếu chúng ta không duy trì được tăng trưởng khoảng 5% thì rõ ràng số người thiếu việc làm sẽ rất nhiều.

- Các ý kiến chưa thống nhất nên hay không nên áp dụng gói kích cầu thứ hai. Quan điểm của Phó Thủ tướng về vấn đề này như thế nào?

- Cuối tuần này, Chính phủ sẽ bàn trong phiên họp thường kỳ để đưa ra quyết định cụ thể. Theo tôi, nếu có thêm gói kích cầu thứ 2 sẽ tốt bởi lãi suất hiện nay của chúng ta vẫn còn hơi cao. Nếu chúng ta duy trì gói kích cầu thêm một giai đoạn nữa trong quá trình giảm lãi suất sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp. Nếu tiếp tục tung gói kích cầu thứ 2, kinh tế sẽ được tiếp đà tăng trưởng, cùng với đó, giảm dần lãi suất thị trường xuống. Như vậy, phát triển của chúng ta sẽ bền vững hơn ở giai đoạn sau. Nếu "cắt" ngay bây giờ, trong khi lãi suất chưa giảm được, doanh nghiệp sẽ khó khăn. Nhiều nhà kinh tế trên thế giới hiện còn lo lắng sẽ xảy ra suy thoái vòng 2, tức là suy thoái kép, suy thoái hình chữ W chứ không phải hình chữ V.

- Về nguy cơ tái lạm phát giai đoạn hậu suy thoái kinh tế đã được cảnh báo, Phó Thủ tướng nhận định việc này như thế nào?

- Nền kinh tế hiện nay đang thực hiện các giải pháp kích cầu và đang tăng cường đầu tư rất lớn, trong khi các gói đầu tư nước ngoài bắt đầu quay trở lại, thị trường chứng khoán cũng đã có những dấu hiệu khởi sắc nên việc điều hành kinh tế vĩ mô phải hết sức cẩn trọng vì lượng tiền bơm ra rất lớn. Nếu không cân đối được tiền và hàng, đầu tư vào mà không đưa ra được các sản phẩm thì chúng ta sẽ dễ bị mất cân đối và dẫn đến lạm phát.

- Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!

Sau đây là lược ghi ý kiến một số Bộ trưởng trong phiên Quốc hội thảo luận về kinh tế - ngân sách.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc: Sắp tới trái phiếu Chính phủ vẫn phải phát huy

Tổng số gói kích cầu chúng ta thực hiện là 145,6 nghìn tỷ đồng, đó là một gói kích cầu tương đương với 8 tỷ USD. Đối với chúng ta, đây là một gói kích cầu lớn. Đánh giá tổng thể chung của chúng tôi và nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều cho rằng gói kích cầu đã phát huy tác dụng, chỉ tiêu tăng trưởng không ngừng tăng lên trong các quý của năm, quý II tăng hơn quý I, quý III tăng hơn quý II và dự kiến quý IV sẽ tăng hơn các quý còn lại, dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng 5,2% trong năm nay.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc báo cáo tại Quốc hội.

Gói kích cầu thứ nhất hỗ trợ về đầu tư chung, chúng ta đã huy động nguồn vốn đầu tư khoảng 90,8 nghìn tỷ đồng để đầu tư bằng các nguồn ứng trước, chuyển vốn và trái phiếu Chính phủ. Gói kích cầu hỗ trợ miễn giảm thuế trị giá 28 nghìn tỷ đồng đã hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều trong tình hình sản xuất khó khăn hiện nay. Gói kích cầu về giải quyết đảm bảo an sinh xã hội gần 9,8 nghìn tỷ đồng giải quyết đời sống bà con vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa, góp phần thực hiện xóa đói giảm nghèo. Gói kích cầu 18 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, cũng có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau nhưng chúng tôi cho rằng đó là gói kích cầu có hiệu quả.

Sắp tới chúng ta tiếp tục thực hiện như thế nào về các gói kích cầu? Trong báo cáo của Chính phủ đã nêu rõ, tôi cho rằng về cơ bản những gói kích cầu này sẽ có một số phần được thực hiện tiếp theo bằng các chính sách mà chúng ta đưa ra trong đầu tư. Về vấn đề này, sắp tới trái phiếu Chính phủ vẫn phải phát huy…

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng: Cuộc vận động "Người Việt dùng hàng Việt" không vi phạm nguyên tắc WTO

Phong trào vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, chúng tôi cho rằng đây là một quyết sách hết sức đúng đắn và được sự đồng tình của nhân dân, của xã hội. Đây là một hoạt động xã hội, nó không phải được giao cho một cơ quan Nhà nước, một cơ quan Chính phủ cho nên chúng ta không vi phạm các cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, không phân biệt đối xử với hàng hóa sản xuất trong nước hay ngoài nước.

Mục đích của việc ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam là người tiêu dùng Việt Nam có quyền yêu cầu các nhà sản xuất Việt Nam phải đảm bảo chất lượng, đảm bảo giá cả, đảm bảo khả năng cạnh tranh chứ không phải chỉ yêu cầu một phía hay vận động một phía đối với người tiêu dùng. Ngược lại, đây cũng là trách nhiệm của những người sản xuất, những người kinh doanh, muốn để cho người tiêu dùng Việt Nam có thể lựa chọn và sử dụng hàng Việt Nam thì trước hết các nhà sản xuất, các doanh nghiệp cũng phải tìm mọi biện pháp để nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, giảm giá thành và qua đó tạo điều kiện cho người tiêu dùng có thể yên tâm khi lựa chọn hàng Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Giải quyết tốt chính sách an sinh xã hội

Nhà nước đã ban hành một hệ thống chính sách an sinh xã hội khá đầy đủ với 20 nhóm chính sách và 50 chính sách cụ thể, có riêng chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trong 12 chương trình mục tiêu quốc gia. Gần đây, để giải quyết sự chênh lệch giữa các vùng miền, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 30a. Nói chung, tất cả các hệ thống chính sách đó đã giúp người nghèo tiếp cận những điều kiện cơ bản nhất về ăn, ở, khám chữa bệnh, học hành, đi lại, việc làm, sản xuất, thông tin trợ giúp pháp lý... Nhà nước đã dành nguồn lực đáng kể trong điều kiện ngân sách còn khó khăn để chi cho an sinh xã hội như trong báo cáo là trên 22.000 tỷ đồng.

Năm 2009, Mặt trận Tổ quốc cũng đã vận động hàng nghìn tỷ đồng và cộng đồng doanh nghiệp đã cam kết đóng góp cho 62 huyện nghèo hơn 1,6 nghìn tỷ đồng. Đó là nguồn lực quan trọng, cùng với Nhà nước giải quyết tốt chính sách xóa đói, giảm nghèo

Đ.Trường - Đ.Tuấn
.
.
.