Gói hỗ trợ 9.000 tỷ đồng hỗ trợ việc nuôi và xuất khẩu cá tra

Chủ Nhật, 05/08/2012, 11:03
Sau khi tìm hiểu thông tin về gói hỗ trợ 9.000 tỷ đồng của Chính phủ đối với ngành cá tra, nhiều ý kiến cho rằng, gói hỗ trợ này chưa thật sự đủ mạnh để “bẩy” doanh nghiệp và nông dân nuôi trồng cá tra vượt qua khó khăn…

Trong kim ngạch xuất khẩu, cá tra là một trong những mặt hàng chủ lực có đóng góp kim ngạch lớn trong nhóm hàng thủy sản xuất khẩu. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, ngành cá tra trong nước luôn trong tình trạng lao đao. Nhất là sau vụ vỡ nợ của Bianfishco (Cần Thơ), người nuôi không còn chịu bán nợ cho doanh nghiệp (DN), nhiều DN phải vay với mức lãi suất 20%/năm để đầu tư nên DN thủy sản gặp khó khăn trong việc tiêu thụ nguyên liệu.

Trong khi đó, đối với các hộ nuôi, vốn đầu tư đa số đều phải vay, trong khi chi phí đầu vào quá cao, đầu ra thấp nên lỗ liên tục kéo dài dẫn đến tình trạng “treo” ao trên diện rộng. Trước những khó khăn trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thống nhất ý kiến với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và các bộ, ngành, trình Thủ tướng gói tín dụng cấp bách khoảng 9.000 tỉ đồng nhằm hỗ trợ người nuôi, DN chế biến tiêu thụ khoảng 800 ngàn tấn cá tra nguyên liệu đến hết năm 2012. 

Để vực dậy ngành cá tra, Chính phủ đã thông qua gói hỗ trợ 9.000 tỷ đồng, giao Ngân hàng Phát triển cùng các ngân hàng thương mại cho các DN vay với lãi suất 11,4%/năm trong vòng 4 tháng. Trong giai đoạn khó khăn chồng chất, giải pháp này như một cứu tinh đối với DN chế biến xuất khẩu lẫn người nuôi để giải quyết nạn “treo ao”. Tuy nhiên, tiếp cận một số DN, chúng tôi thật sự bất ngờ vì hầu hết các DN chưa mặn mà, thậm chí còn tỏ ra thờ ơ với gói hỗ trợ này.

Ông Nguyễn Xuân Hải, đại diện Công ty cổ phần Cửu Long An Giang cho rằng, thời gian cho vay của gói hỗ trợ 4 tháng là quá ngắn, ít nhất cũng phải là 8 tháng hoặc 12 tháng. Bởi vì, với thời gian trên, DN mới tạm thời xoay vòng đồng vốn được, còn mức 4 tháng thì chỉ đủ thời gian để DN đi mua cá trong dân và như vậy thì tiền đâu mà trả ngân hàng.

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cần Thơ cũng cho rằng, gói hỗ trợ này quá nhỏ so với tổng số lượng DN và các hộ nông dân nuôi trồng thủy sản ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ tính riêng DN thủy sản, hiện ở đồng bằng sông Cửu Long đã có hơn 200 đơn vị. Ngoài ra, mức lãi suất như gói hỗ trợ đưa ra vẫn còn quá cao đối với DN xuất khẩu cá tra. Bởi, theo tính toán, cứ 100 tấn cá tra nông dân lỗ từ 200-300 triệu. Với mức lãi suất như vậy thì tiền bán cá chỉ đủ trả lãi suất ngân hàng

K.Ngân
.
.
.