Gỡ rối cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo

Thứ Năm, 11/08/2011, 08:28
Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ nay đến cuối năm, giá lúa gạo trong nước và thế giới sẽ tiếp tục tăng cao. Điều này có tác động mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước vì Việt Nam là nguồn cung cấp gạo được lựa chọn sau Thái Lan. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hiện đang lo nhiều hơn vui, vì còn "vướng" hàng loạt khó khăn và đó là "rào cản" trong việc xuất khẩu gạo…

Được biết, hiện nay một số nhà xuất khẩu gạo tại Thái Lan đã tìm nguồn cung cấp khác, trong đó có Việt Nam để thay thế gạo Thái Lan đáp ứng nhu cầu của các khách hàng truyền thống. Ông Phạm Văn Bảy, TGĐ Công ty CP XNK nông sản thực phẩm An Giang (AFIEX) cho rằng, đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với Việt Nam vì bên cạnh cơ hội mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao giá bán sẽ có nhiều rủi ro do thị trường biến động thường xuyên, giá tăng cao ngoài dự kiến.

Các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi chuẩn bị không kịp chân hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký. Ngoài ra, do khả năng xuất khẩu của Việt Nam có hạn, nếu xuất khẩu vượt mức cân đối và giá lên quá cao sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cho rằng, Nghị định 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ chưa sát với thực tế nên đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo Nghị định 109/2010/NĐ-CP, thương nhân muốn xuất khẩu gạo thì phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo (GCNĐĐKXKG), có ít nhất một kho chuyên dùng có sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa và cơ sở xay xát với công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ.

Những thương nhân không đáp ứng đủ yêu cầu trên thì chỉ tham gia cung ứng gạo chứ không được xuất khẩu trực tiếp. Trong khi đó, thực tế có rất nhiều doanh nghiệp có cơ sở xay xát, lò sấy, kho chứa, không cùng một địa điểm mà vẫn đảm bảo hiệu quả chế biến, vận chuyển nhưng các doanh nghiệp này không được cấp GCNĐĐKXKG vì không đạt yêu cầu. Điều này là không hợp lý.

Giải quyết những vướng mắc, khó khăn trên của các doanh nghiệp, Bộ Công thương cũng đã tổ chức hội nghị để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp liên quan đến Nghị định 109/2010/NĐ - CP, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết, doanh nghiệp có cơ sở hạ tầng không cùng trên một địa bàn nhưng đảm bảo đủ điều kiện cơ sở vật chất, máy móc vẫn được cấp GCNĐĐKXKG theo quy định.

Hiện đã có 40 GCNĐĐKXKG cho những công ty đồng bằng sông Cửu Long và 4 công ty nước ngoài đã thực hiện. 44 doanh nghiệp này đang chiếm 63% thị phần xuất khẩu của cả nước. Bộ cũng đang tiếp tục hoàn tất hồ sơ cho 5 doanh nghiệp nữa theo quy định của Nghị định 109. Trường hợp các doanh nghiệp khác không được cấp GCNĐĐKXKG là do doanh nghiệp thiếu lò sấy công nghiệp, lưới chuột, quạt thông gió…

Mặc dù khó khăn trên đã được Bộ Công thương từng bước "mở gút" nhưng doanh nghiệp cho rằng quy định đưa ra còn quá khắt khe. Vì trên thực tế, để có GCNĐĐKXKG thì doanh nghiệp phải đầu tư số vốn khá lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị.

Bà Võ Thị Thu Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Ngũ Cốc Việt (quận 7, TP HCM) cho rằng, doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, giờ Bộ Công thương lại ra tiêu chuẩn về máy sấy và máy xay xát công nghiệp, doanh nghiệp không biết tìm đâu ra 35-40 tỷ đồng để đầu tư cho lò sấy lúa?.

Theo ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch VFA thì Nghị định 109 không gây khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với doanh nghiệp hiện nay vẫn là vốn. Ngân hàng Nhà nước cần xem lại quy định cho vay vốn cho doanh nghiệp, bởi khi đã có GCNĐĐKXKG rồi mới cho vay là gây khó cho doanh nghiệp vì doanh nghiệp cần nguồn vốn để đầu tư.

Hơn nữa, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có nguồn cân đối ngoại tệ trả cho ngân hàng thì sao ngân hàng lại chần chừ không cho doanh nghiệp vay vốn

K.Ngân
.
.
.