Gỡ rào cản kỹ thuật để thâm nhập thị trường Nhật Bản

Thứ Năm, 23/07/2015, 08:32
Hiệp định thương mại Việt Nam – Nhật Bản đã đi vào thực thi từ năm 2009 với nhiều cắt giảm về thuế, vốn được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là các cơ hội chưa được tận dụng tốt, chủ yếu do hàng hoá Việt Nam không vượt qua được các rào cản kỹ thuật cực kỳ khắt khe từ đối tác.

Nhiều chuyên gia đã góp ý kiến tháo gỡ khó khăn này trong “Tọa đàm về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi thực hiện Hiệp định kinh tế Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 2015-2019” do Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tổ chức sáng 21/7.

Ông Nguyễn Sơn, Phó Ban chỉ đạo liên ngành về Hội nhập kinh tế quốc tế cho biết: Đến nay, tác động của hiệp định này tới thương mại cũng chỉ ở mức độ tương đối, vì thuế tuy cắt giảm nhiều, nhưng rào cản chủ yếu lại từ các hàng rào kỹ thuật vốn rất gắt gao của Nhật.

“Rào cản tiếp cận thị trường Nhật Bản không phải thuế. Một số phản ánh của DN khi xuất vào Nhật là nước này đưa ra tiêu chuẩn kỹ thuật quá cao và gây cản trở. Cần khẳng định chúng ta không thể yêu cầu các quốc gia hạ thấp tiêu chuẩn về rào cản kỹ thuật, như vừa qua Nhật yêu cầu kiểm tra 30% hoặc 100% lô hàng tôm từ Việt Nam và áp dụng chung cho tất cả hàng hóa nhập khẩu, thì ta phải chấp nhận. Tương tự, khi đàm phàn với Hàn Quốc, ta cũng đề nghị họ tiếp cận “mềm dẻo” hơn, nhưng thứ duy nhất đạt được là hỗ trợ kỹ thuật từ Hàn Quốc để đáp ứng tiêu chuẩn. Còn yêu cầu bạn nới lỏng quy định là khó khả thi”.

Theo bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa (Bộ Công Thương), mức độ tận dụng ưu đãi trong các Hiệp định thương mại tự do của DN Việt Nam vốn đã tương đối thấp, chỉ khoảng 30%, nhưng mức độ tận dụng ưu đãi trong HĐ với Nhật Bản còn thấp hơn, chỉ từ 4% – 7%, do quy tắc xuất xứ khắt khe.

Nếu thiếu thận trọng, trái cây Việt có thể mất thị trường Nhật Bản.

Chia sẻ kinh nghiệm trực tiếp làm ăn với phía Nhật, ông Đỗ Văn Dũng, Chủ tịch Câu lạc bộ DN Việt Nam - Nhật Bản cũng một lần nữa nhấn mạnh với các DN đang có ý định làm ăn với Nhật về thực trạng này. “Tôi là người trực tiếp bán hàng cho Việt Nam và mua hàng từ Nhật Bản về cho công nghiệp và nông nghiệp, hàng tiêu dùng của Việt Nam. Ngày xưa bán hàng thủ công mỹ nghệ, xuất khẩu tôm đông lạnh, khó khăn lắm, vì luật của Nhật rất chặt chẽ, không thể nhìn đơn thuần là giảm thuế. 

Cần hiểu, muốn xuất khẩu mặt hàng nào qua Nhật Bản thì anh phải chứng minh xuất xứ từng loại nguyên liệu và thời gian gia công, lương công nhân, độ tuổi công nhân trên 18 tuổi... phải tuân theo từng chi tiết kỹ thuật, chất lượng, quy định, luật pháp của nước sở tại mới thông qua được “cửa ải”, dù có thuế hay không có thuế. Có nhiều hàng rào nữa, không chỉ thuế, không chỉ hàng rào kỹ thuật, như hàng rào thủ tục, mà Nhật là nước sử dụng hàng rào này cực kỳ giỏi. 

Ngay cả Mỹ với Nhật có quan hệ hàng trăm năm, nhưng thịt bò Mỹ, nông sản Mỹ vào Nhật cũng không dễ. Chưa kể tiếng Nhật rất khó, phải hiểu và biết tiếng Nhật rành rọt, như con cá mòi Nhật gọi như thế nào, sử dụng không cẩn thận có thể bị cấm nhập khẩu...”- ông Dũng nhấn mạnh.

Dù Việt Nam đang xuất siêu sang Nhật Bản trong nhiều năm nay, nhưng vẫn có nhiều cơ hội cần phải được tận dụng hơn. Theo ông Hà Huy Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), điều kiện quan trọng nhất DN Việt Nam phải lưu ý đến là phải đáp ứng điều kiện về xuất xứ hàng hóa. Vì có đến trên 9.000 dòng thuế, nên DN phải tự tìm hiểu chứ cơ quan quản lý không thể trình bày chi tiết. “Đến nay thuế suất đã giảm một nửa, từ nay đến 2026, mỗi năm đều giảm cho đến khi về 0%. DN cần nghiên cứu để biết mặt hàng kinh doanh của mình phải chuẩn bị sự cạnh tranh như thế nào, lộ trình giảm thuế ra sao để tận dụng ưu đãi ấy”. 

Ông Tùng cũng lưu ý, hiện nay Việt Nam ký kết rất nhiều các Hiệp định thương mại tự do (FTA), FTA Việt Nam – Nhật Bản có ưu đãi lớn hơn về thuế, nhưng FTA ASEAN – Nhật Bản thuận lợi hơn về xuất xứ. DN cần phải xem hiệp định nào mang lại lợi thế lớn nhất để vận dụng. Đặc biệt sắp tới khi TPP được ký kết, lập tức 95% các dòng thuế sẽ về 0. Các DN cần chuẩn bị tốt trong điều kiện mọi thứ thay đổi rất nhanh chóng.

Thuận lợi luôn đi kèm với thách thức, nên một lần nữa các chuyên gia cảnh báo các DN đừng quá vui mừng trước hứa hẹn về cắt giảm thuế của các FTA mà phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Thời kỳ “chụp giật” đã không còn nữa, không nghiên cứu đồng nghĩa với “chết”, trong khi các DNVVN của ta vẫn rất “hồn nhiên”. Các chuyên gia khẳng định Nhật Bản “cực kỳ khó tính, nhưng không có nghĩa là không vào được”, ta phải tìm hiểu họ kỹ càng để tận dụng tốt hơn các cơ hội đang tới.

Nam Phương
.
.
.