“Gỡ khó” cho ngành cá tra

Chủ Nhật, 04/10/2015, 08:40
Sau khi Nghị định số 36/2014/NĐ-CP ra đời, nhiều doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp phản ánh rằng một số quy định trong Nghị định này quá khắt khe và chưa phù hợp với thực tiễn.

Lắng nghe ý kiến của công luận (có cả phản ánh của Báo CAND), Bộ quản lý chuyên ngành đã có những phản ứng theo hướng gỡ khó cho doanh nghiệp, nhất là trong hoàn cảnh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đang đi xuống.

Ngày 25/9, Văn phòng Chính phủ đã gửi Công văn số 7678/VPCP - KTN tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nêu ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý việc xây dựng, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 36/2014/NĐ-CP (NĐ 36) ngày 29/4/2014 của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra áp dụng theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Trước đó, Bộ NN&PTNT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện NĐ 36 và đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung của nghị định này. Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, sau 1 năm triển khai thực hiện, NĐ 36 đã có tác động tích cực củng cố và thúc đẩy phát triển ngành hàng cá tra. Quy hoạch tổng thể nuôi cá tra vùng ĐBSCL được rà soát, quy hoạch phù hợp với nhu cầu thị trường, nhiều vùng nuôi đã ứng dụng và được chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (GAP), hướng đến nuôi bền vững về chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường, liên kết trong nuôi, chế biến cá tra được hình thành và thúc đẩy rõ rệt hơn. Thông tin nuôi, chế biến và xuất khẩu (XK) cá tra được cập nhật, chính xác và chi tiết hơn là cơ sở để quản lý và chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ cá tra.

Ngoài những kết quả đã đạt được sau 1 năm thực hiện NĐ 36, Bộ NN&PTNT cũng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về một số hạn chế, khó khăn.

Cụ thể, theo khoản 5, Điều 4 của NĐ 36 thì: “Đến ngày 31/12/2015, các cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải áp dụng và được chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt VietGAP, hoặc chứng chỉ quốc tế phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam”. Tuy nhiên, đến nay mới có gần 50% diện tích nuôi cá tra ứng dụng và được chứng nhận GAP do một số tỉnh chậm hoàn thành việc rà soát, phê duyệt quy hoạch chi tiết nuôi, chế biến cá tra ở địa phương nên ảnh hưởng đến tiến độ cấp mã số ao nuôi, xác nhận đăng ký nuôi cá tra thương phẩm, ứng dụng và chứng nhận quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP).

Bộ NN&PTNT đề xuất sửa đổi một số quy định để “gỡ khó” cho ngành nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu cá tra.

Đồng thời cũng gây khó khăn cho việc quản lý diện tích nuôi, sản lượng nuôi cá tra trong toàn vùng và ảnh hưởng đến hiệu quả xác nhận đăng ký hợp đồng XK cá tra. Bộ NN&PTNT cho rằng, cần thêm thời gian để các cơ sở nuôi áp dụng và được chứng nhận GAP.

Do đó, Bộ đề xuất Thủ tướng Chính phủ sửa đổi quy định tại khoản 5, Điều 4 của NĐ 36: Lùi thời gian các cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải áp dụng và được chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt VietGAP hoặc các chứng nhận quốc tế tương đương đến ngày 31/12/2016.

Về tỷ lệ mạ băng, sau khi NĐ 36 ra đời, sau đó Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và các doanh nghiệp (DN) chế biến, XK cá tra đã kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét lại quy định này sao cho phù hợp với thực tế và không gây khó khăn về thị trường và hoạt động XK. Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) tiến hành nghiên cứu bổ sung và tổ chức Hội đồng nghiệm thu độc lập để đánh giá, kết quả nghiên cứu, khẳng định thực hiện việc quy định tỷ lệ hàm ẩm 83% là có cơ sở. Nhưng các DN chế biến, XK cá tra đang sản xuất, XK các sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh có hàm lượng nước từ 83-89%, mạ băng từ 10-30%.

Theo kết quả điều tra (tháng 4 – 5/2015) của Bộ NN&PTNT, sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh sản xuất tại 26 DN có hàm lượng nước 83% chỉ chiếm 3,03%, trong khi sản phẩm có hàm lượng nước >86% chiếm tới 75,32%. Sản phẩm phi lê cá tra có tỷ lệ mạ băng 10% chiếm 49,35%, sản phẩm có tỷ lệ mạ băng >20% chiếm 16,02%. Việc các DN sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh có hàm lượng nước, tỷ lệ mạ băng khác nhau đáp ứng yêu cầu của các nhà nhập khẩu ở các thị trường khác nhau.

Từ thực tế này, Bộ NN&PTNT đề xuất: Giữ nguyên quy định tại điểm b, c Khoản 3, Điều 6 NĐ 36 và đề nghị Chính phủ giao cho Bộ NN&PTNT hướng dẫn lộ trình thực hiện theo hướng: Đến ngày 31/12/2018: sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh XK có tỷ lệ mạ băng 20%; hàm lượng nước tối đa 86% so với khối lượng tịnh của sản phẩm. Từ ngày 1/1/2019: áp dụng đầy đủ quy định như tại điểm b, c Khoản 3, Điều 6 NĐ 36.

Theo quy định của NĐ 36, các tổ chức, cá nhân phải đăng ký hợp đồng XK cá tra và cơ quan hải quan chỉ chấp nhận thông quan đối với những lô hàng của hợp đồng XK sản phẩm cá tra đã được Hiệp hội Cá tra Việt Nam xác nhận. Quá trình thực hiện, VASEP, UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang kiến nghị bỏ quy định này vì cho rằng việc đăng ký hợp đồng XK cá tra chỉ phát sinh thủ tục hành chính, tăng chi phí của DN, đưa sản phẩm cá tra XK đang kiểm soát theo chế độ hải quan luồng xanh sang luồng vàng (chỉ thông quan sau khi đã kiểm tra hồ sơ).

Dù vẫn khẳng định đăng ký hợp đồng XK là khâu kiểm soát cuối cùng trong quá trình tổ chức, quản lý ngành theo chuỗi giá trị, quản lý chất lượng sản phẩm từ nuôi đến chế biến và XK, kiểm soát thực hiện quy hoạch, cân đối cung cầu giữa sản lượng cá nuôi và chế biến tiêu thụ (thông qua việc cấp mã số nhận diện ao nuôi và đăng ký nuôi cá tra thương phẩm), hạn chế cạnh tranh không lành mạnh trong XK cá tra, tuy nhiên, Bộ NN&PTNT đề xuất sửa đổi đăng ký hợp đồng XK sản phẩm cá tra không là điều kiện để cơ quan hải quan chấp nhận thông quan, ứng dụng CNTT trong đăng ký XK và bỏ thu phí của DN khi đăng ký hợp đồng XK sản phẩm cá tra.

Chi Linh
.
.
.