Gian nan bài toán giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản

Thứ Tư, 06/08/2014, 12:31
Tuy không còn là vấn đề quá nóng như vài năm trước, nhưng câu chuyện nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) vẫn luôn là nỗi ám ảnh của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà thầu. Kinh tế càng khó khăn, ngân sách càng eo hẹp thì bài toán giải quyết nợ đọng cơ bản càng trở nên gian nan.

Tràn lan nợ đọng xây dựng cơ bản

Cuối năm 2012, tình trạng nợ đọng XDCB tại các địa phương được Chính phủ nhận định là diễn ra khá phổ biến và ở mức độ khá nghiêm trọng. Theo báo cáo Bộ Tài chính nhận được, hầu hết các địa phương trong cả nước đều có nợ vốn đầu tư XDCB ở mức độ khác nhau; ví dụ như số nợ vốn đầu tư XDCB của 63 địa phương đối với khối lượng đã thực hiện đến ngày 31/12/2011 là rất lớn (91.273 tỷ đồng, bình quân 1 tỉnh nợ 1.448,78 tỷ đồng), bằng 68,4% so với tổng kế hoạch vốn đầu tư XDCB năm 2011 của 63 địa phương; trong đó có rất nhiều địa phương có số nợ vốn đầu tư XDCB ở mức cao, 15 địa phương nợ vốn đầu tư XDCB ở mức trên 100% so với kế hoạch vốn đầu tư XDCB năm 2011.

Cuối tháng 11/2013, Chính phủ đã gửi đến Quốc hội Báo cáo tình hình nợ đọng XDCB thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ. Báo cáo cho biết, đối với nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, nợ đọng XDCB đến ngày 31/12/2012 chiếm 19,9% kế hoạch năm 2013. Tương tự, từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ chiếm 19,8%. Số nợ tính đến ngày 31/12/2012 của cả hai nguồn vốn là 46.576 tỷ của 16.782 dự án. Còn tính đến 30-6-2013 là 43.358 tỷ đồng của 15.638 dự án. Thành phố Hà Nội từng được coi là có kinh nghiệm trong xử lý nợ đọng XDCB, song đáng tiếc là số nợ vẫn gia tăng theo thời gian, cuối năm 2013 là hơn 3.200 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2014 đã lên tới 4.000 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp gặp khó do ứng vốn trước để xây dựng nhưng vẫn chưa thu hồi được vốn. (Ảnh minh họa) .

Với hàng nghìn tỷ đồng nợ đọng XDCB ở mỗi tỉnh, những ví dụ điển hình về nợ XDCB ở các địa phương nơi nào cũng nhan nhản. Nhiều công trình đã bàn giao đưa vào sử dụng đến 3, 4 năm mà khoản hỗ trợ bù giá nguyên vật liệu xây dựng vẫn còn nằm trên giấy. Điển hình là công trình trụ sở Huyện ủy Đông Hòa (tỉnh Phú Yên), mặc dù đã được hoàn thiện, bàn giao và đi vào hoạt động gần 3 năm với đầy đủ cơ sở thiết bị hoành tráng, vậy mà nhà thầu thi công vẫn mòn mỏi chờ khoản tiền bù giá công trình với giá trị hàng tỷ đồng mà phía chủ đầu tư chây ì không chịu thanh toán.

Không phải chỉ ở “vùng sâu vùng xa”, ngay chính ở Thủ đô Hà Nội, nợ đọng XDCB cũng là một vấn nạn làm đau đầu nhiều nhà đầu tư. Có thể kể ra một số trường hợp nợ đọng XDCB như dự án xây dựng, cải tạo mở rộng trường THPT Sóc Sơn do Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội làm chủ đầu tư. Khởi công vào tháng 12/2007, công trình đã hoàn thành vào tháng 12/2008, nhưng tính đến trước thời điểm tháng 5/2013, số tiền nợ vẫn còn là 289.673.000 đồng. Hay như bệnh viện hoàn thành gần 3 năm, nhà thầu vẫn chầy chật đòi nợ ở dự án tòa nhà nghiệp vụ của Bệnh viện Ung bướu Hà Nội do Ban QLDA Sở Y tế Hà Nội làm chủ đầu tư với số tiền hơn 180,7 triệu đồng, dù các hồ sơ liên quan đến công trình theo quy định của pháp luật đã được các bên ký, đóng dấu xác nhận và kiểm toán…

Doanh nghiệp kiệt sức vì nợ

Với các doanh nghiệp, nợ XDCB trở thành nỗi ám ảnh vì nó dẫn đến tình trạng các nhà thầu không có vốn để thực hiện tái sản xuất, và được ví như cái “vòng luẩn quẩn”, gỡ chỗ này thì rối chỗ kia. Cái vòng đó bắt nguồn từ việc chủ đầu tư nợ khối lượng nhà thầu, kể cả ở các dự án chưa hoàn thành hoặc đã đưa vào sử dụng, khai thác trong nhiều năm. Hệ quả là nhà thầu không có vốn thi công lại phải vay nợ ngân hàng, nợ các doanh nghiệp cung ứng vật liệu, nợ lương công nhân, nợ thuế Nhà nước, dẫn đến chiếm dụng vốn lẫn nhau…

Đi tìm nguyên nhân của nợ đọng XDCB, ông Trịnh Nam Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư - Bộ Tài chính, nợ đọng XDCB có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, từ cả phía bộ, ngành địa phương và chính cả nhà thầu. Bộ, ngành địa phương thì xây dựng, phê duyệt quy hoạch phát triển chưa gắn với nguồn lực đảm bảo thực hiện quy hoạch; không chấp hành đúng pháp luật trong đầu tư XDCB; buông lỏng công tác quản lý, chưa hoặc không kiểm tra, phát hiện, giám sát kịp thời; không tổ chức theo dõi, quản lý nợ khối lượng XDCB; bố trí vốn đầu tư dàn trải, chưa hoặc không quan tâm đến thanh toán nợ đọng và có tư tưởng trông chờ vào hỗ trợ từ NSTW. Đáng chú ý, từ phía các nhà thầu, vì sức ép của công ăn việc làm nên vẫn thi công, thậm chí ứng vốn trước mặc dù không rõ nguồn vốn thanh toán đã cùng với địa phương gây ra tình trạng nợ đọng trong XDCB. Một số nhà thầu quan niệm rằng các công trình quan trọng của địa phương sử dụng vốn ngân sách nhà nước thì trước sau sẽ được thanh toán vốn nên đã vay mượn để thi công...

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trí Dũng, Quản đốc quốc gia Dự án “Chính sách kinh tế vĩ mô”, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng nợ đọng XDCB đang làm trầm trọng thêm tình trạng nợ xấu, làm kẹt dòng tín dụng tại các ngân hàng. Hiện tượng nợ không chỉ dừng ở DN nợ lẫn nhau, ở chiều nợ thuế nhà nước mà còn theo cả chiều ngược lại là Nhà nước nợ DN ở khối nợ đọng XDCB. Như vậy, nền kinh tế đã hình thành một vòng xoáy nợ đọng lẫn nhau giữa các khu vực kinh tế và tình hình ngày càng có xu hướng xấu hơn. Đặc biệt là khu vực DNNN đang bị coi là nguyên nhân quan trọng gây ra nợ xấu và những mất cân đối lớn về cơ cấu kinh tế hiện nay. Theo ông Dũng, việc giải quyết nợ đọng XDCB có lẽ sẽ là nút mở quan trọng mà Nhà nước có thể chủ động để làm cho dòng vốn lưu thông

Lệ Thúy - Huyền Thanh
.
.
.