Gian lận trong gia công hàng hóa cho nước ngoài

Thứ Hai, 02/02/2015, 13:09
Lợi dụng quy định hàng hóa nhập khẩu để gia công cho nước ngoài được miễn thuế nhập khẩu, thời gian qua trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã xảy ra tình trạng một số thương nhân nước ngoài nhập lậu số lượng lớn nguyên phụ liệu vào thị trường Việt Nam khai để thực hiện việc gia công, nhưng thực chất là bán tại thị trường Việt Nam…

Ông Nguyễn Ngọc Khánh Hùng, Đội trưởng Đội QLTT 12B cho biết: Quận 12 đã phát hiện tình trạng một số thương nhân gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài từ hàng hóa, nguyên liệu tạm nhập khẩu nhưng lại đưa ra tiêu thụ trái phép tại thị trường Việt Nam. Đội QLTT 12B phát hiện xe đầu kéo 57K-5089 vận chuyển một container 40 feet vải ngoại nhập của Công ty TNHH Dinsen Việt Nam do ông Trần Thanh Hùng là tài xế.

Ông Hùng cho biết công ty Dinsen Việt Nam thuê xe chở từ kho hàng của công ty (quận Bình Tân) đi giao cho Công ty TNHH May Dinling (huyện Củ Chi) có phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, lệnh điều hàng và bộ packing list gồm 11 tờ. Ngoài ra, công ty không giao cho ông Hùng bất kỳ hóa đơn, chứng từ nào khác. Lực lượng kiểm tra khám phương tiện, tạm giữ xe container và 835 cuộn (tương đương 15.070kg) vải ngoại nhập các loại.

Thực hiện chỉ đạo của Chi cục QLTT, Đội QLTT 1A tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Dinsen Việt Nam (100% vốn Đài Loan), tạm giữ tổng cộng 4.966 cuộn (tương đương 50.620kg) vải ngoại nhập các loại (kể cả số vải do Đội QLTT 12B chuyển giao). Số hàng trên có tổng trị giá hơn 3,7 tỷ đồng. Do công ty tiêu thụ tại thị trường Việt Nam hàng hóa, nguyên liệu tạm nhập khẩu để gia công hàng hóa may mặc cho thương nhân nước ngoài không đúng quy định, UBNDTP. Hồ Chí Minh đã xử phạt Công ty Dinsen 60 triệu đồng và tịch thu toàn bộ hàng vi phạm.

Tương tự, khám xét 2 xe đầu kéo vận chuyển 2 container hàng may mặc từ Công ty TNHH Nam Ho (huyện Hóc Môn) để đi giao cho khách hàng, Đội QLTT 12B phát hiện toàn bộ số hàng trên không có hoá đơn, chứng từ. Sau khi làm việc, lực lượng kiểm tra cũng xác định Công ty Nam Ho đã có hành vi tiêu thụ tại thị trường Việt Nam sản phẩm hàng hoá gia công cho nước ngoài không đúng quy định. UBND TP ban hành quyết định xử phạt 60 triệu đồng, đồng thời tịch thu 142.774 đơn vị quần áo vi phạm các loại, có tổng trị giá hơn 2,1 tỷ đồng…

Nhiều trường hợp lợi dụng việc gia công hàng hóa tại Việt Nam, các đối tượng đã xuất khẩu hàng hóa giả mạo xuất xứ. Thường thấy nhất đó là các DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam sản xuất gia công hàng hóa xuất khẩu nhưng thực chất là các DN này đưa hàng vào Việt Nam, sau đó thay bao bì ghi “xuất xứ Việt Nam” rồi xuất khẩu sang các nước có thuế nhập khẩu thấp đối với hàng hóa Việt Nam, mục đích là để gian lận về thuế nhập khẩu. Hành vi này đã gây ảnh hưởng đến hàng hóa của Việt Nam tại thị trường xuất khẩu. Các nhóm hàng thường bị các đối tượng áp dụng là dệt may, thuỷ sản, nông sản...

Theo ông Nguyễn Ngọc Khánh Hùng, các thương nhân nước ngoài tổ chức hoạt động thương mại trái phép, tiêu thụ trái phép hàng hóa tại Việt Nam thường thuê, mượn người Việt Nam đứng ra thành lập DN. Thực chất vốn, phương tiện, hàng hóa đều là của thương nhân nước ngoài bỏ ra, và chính họ trực tiếp điều hành mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh, thu lợi nhuận. Người Việt Nam đứng tên pháp nhân DN chỉ đơn thuần là người làm thuê, ăn lương. Nhà xưởng, kho bãi, họ cũng đều thuê của các DN Việt Nam và núp bóng DN cho thuê để trực tiếp tổ chức hoạt động sản xuất - kinh doanh, thu lợi nhuận và trốn thuế. Các loại chứng từ cũng do họ tự tạo lập ra như: phiếu xuất kho, hợp đồng gia công, tờ khai xuất khẩu chưa đăng ký hải quan, phiếu gửi hàng… mục đích để xuất trình khi bị cơ quan chức năng kiểm tra. Thời gian đưa hàng đi tiêu thụ chủ yếu là vào  ngày nghỉ, giờ nghỉ.

Thúy Hà
.
.
.