Giảm thuế nhập khẩu, doanh nghiệp độc quyền "ăn đậm"

Thứ Ba, 21/08/2007, 12:18
Nhà nước tạm thời giảm thuế nhập khẩu một mặt hàng cũng có nghĩa Nhà nước phải giảm bớt nguồn thu vào "túi ngân sách" (khoảng hơn 2.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, do giá "chia chịu giảm" nên lợi nhuận chỉ tập trung vào các doanh nghiệp độc quyền.

Đã nửa tháng nay, Chính phủ quyết định giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng thiết yếu nhằm kìm hãm tốc độ tăng giá của thị trường, góp phần cải thiện đời sống của nhân dân.

Hiện một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, sản phẩm nguyên liệu đầu vào quan trọng của nhiều ngành kinh tế tuy không tiếp tục tăng "phi mã" như tháng trước, nhưng tại thời điểm này vẫn chưa hề có dấu hiệu giảm giá…

Một quyết định hợp lòng dân

Một giải pháp "nóng", được cho là góp phần hạ nhiệt tức thời, đó là việc Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ cho giảm thuế nhập khẩu tạm thời một số nhóm mặt hàng tiêu dùng đang có mức thuế suất cao.

Theo đó, có những mặt hàng giảm thuế đến 50% so với mức thuế hiện hành và hầu hết các mặt hàng được giảm thuế đều có mức thuế suất cao từ 20 - 40%.  18 nhóm mặt hàng với hàng trăm loại hàng hóa được xét giảm thuế trong thời điểm này.

Cụ thể, thuế nhập khẩu nhóm mặt hàng thịt trâu, thịt bò tươi và đông lạnh giảm từ 20% xuống còn 12%; nhóm mặt hàng thịt lợn tươi, đông lạnh và ướp lạnh giảm từ 30% xuống còn 12%; sữa và kem đã cô đặc giảm từ 10% - 15%-  30% xuống còn 5% - 7% - 15%; thức ăn gia súc giảm từ 5-8-10% xuống còn 2-3-5%; phôi thép từ 5% xuống 2%, thép xây dựng từ 10-12% xuống 5-7-8-10%; mỹ phẩm, điều hoà nhiệt độ, quạt điện, máy lạnh, máy khâu từ 40% xuống còn 30%; ôtô nguyên chiếc từ 80% xuống còn 70%...

Đồng thời Bộ Tài chính cũng báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho giãn thời hạn nộp thuế VAT từ 1-3 tháng đối với các mặt hàng phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu nhựa, hoá chất cơ bản.

Theo lý giải của ông Trương Chí Trung - Thứ trưởng Bộ Tài chính thì thuế nhập khẩu được đánh trực tiếp trên giá vốn nhập khẩu. Như vậy, giả sử nếu giảm 50% mức thuế hiện hành đối với những mặt hàng đang chịu thuế 40% thì mức giảm thuế đã chiếm 1/5 tổng mức giá.

Chính vì vậy về nguyên tắc, với mức giảm thuế rất lớn như vậy sẽ có tác dụng giảm mạnh mặt hàng đó một cách nhanh chóng. Bởi khi hàng nhập khẩu giảm thuế mạnh sẽ tác động ngay đến giá cả hàng nhập khẩu tại thị trường trong nước và kéo theo hàng sản xuất trong nước giảm theo vì phải cạnh tranh…

Có thể nói, việc giảm thuế nhập khẩu một số nhóm mặt hàng tiêu dùng về nguyên tắc tạo ngay nguồn cung có giá thấp hơn so với hiện hành, nhanh chóng tác động tích cực đến giá cả trong nước, được nhân dân và người tiêu dùng hoan nghênh.

Thế nhưng, theo ghi nhận của chúng tôi thì sau gần 2 tuần kể từ khi quyết định giảm thuế nhập khẩu tạm thời một số mặt hàng có hiệu lực, hầu hết các mặt hàng tiêu dùng nằm trong diện được giảm thuế vẫn chưa có dấu hiệu giảm giá bán trên thị trường.

Rõ ràng đây là nghịch lý bởi khi tăng giá, thậm chí mới phong thanh nghe có chủ trương tăng giá hoặc tăng thuế một mặt hàng nào đó thì không ít hàng hoá, dịch vụ "ăn theo" đã tức thời tự điều chỉnh tăng giá lên hàng chục %.

Có thể nói, việc Nhà nước tạm thời giảm thuế nhập khẩu một mặt hàng cũng có nghĩa Nhà nước phải giảm bớt nguồn thu vào "túi ngân sách" (khoảng hơn 2.000 tỷ đồng) và đồng nghĩa với việc giảm bớt khó khăn túi tiền người tiêu dùng trước "cơn bão" giá cả leo thang.

Việc "chuyển đổi" này, nếu không có sự kiểm tra giám sát tốt về giá cả trên thị trường thì rất có thể Nhà nước vẫn giảm thuế, giảm thu ngân sách, nhưng lợi nhuận chỉ tập trung vào các doanh nghiệp độc quyền.

Cần thiết phải kiểm tra, xử lý kiểu kinh doanh trục lợi

Một trong những giải pháp đồng bộ đã được Chính phủ chỉ đạo thực hiện quyết liệt là tăng cường kiểm tra kiểm soát giá cả thị trường. Nhiệm vụ quan trọng này Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp liên ngành để tăng cường kiểm tra giá cả các mặt hàng và chỉ không chỉ dừng lại việc kiểm tra các yếu tố hình thành giá sẽ còn kiểm tra các yếu tố độc quyền, đầu cơ ghìm giá… nhằm phát hiện những sai phạm để kịp thời xử lý.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính cho biết, Bộ sẽ thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành ở cả trung ương và địa phương. Trước hết, các đoàn của trung ương đã tập trung vào mặt hàng thép, gas, sữa, một số sản phẩm có yếu tố độc quyền… Theo ông Thỏa, dự kiến đến cuối tháng này sẽ có kết quả kiểm tra từ các đoàn liên ngành để báo cáo Chính phủ.

Nhằm bình ổn giá cả thị trường, việc lập đoàn kiểm tra các yếu tố hình thành giá, các yếu tố độc quyền, trục lợi… một số mặt hàng thiết yếu; kiểm tra, kiểm soát giá các mặt hàng nằm trong diện được giảm "nóng" thuế nhập khẩu lần này là rất cần thiết. Tuy nhiên,việc giám sát thị trường chỉ có ý nghĩa khi song hành với việc kiểm tra là chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm sai phạm.

Các chuyên gia cho rằng, qua đợt kiểm tra này sẽ là cơ sở thực tiễn tốt nhằm tiếp tục hoàn thiện chế tài xử phạt các hành vi vi phạm Pháp lệnh Giá; bởi theo họ hằng năm Chính phủ vẫn có các đoàn kiểm tra tương tự nhưng việc xử phạt sai phạm về giá gây bất ổn trên thị trường vẫn chưa đủ mạnh, khiến nhiều doanh nghiệp "nhờn thuốc".

Thị trường vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt"

Sữa chưa có kế hoạch giảm giá: Trao đổi với chúng tôi sáng 20/8, đại diện một số siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn Hà Nội cho biết, trong tuần này, giá các mặt hàng tiêu dùng vẫn chưa thể giảm giá dù đã có chính sách giảm thuế.

Phía các doanh nghiệp cung cấp hàng cho siêu thị vẫn chưa có văn bản gửi đến thông báo về việc giảm giá, và các mặt hàng vẫn phải nhập theo giá cũ nên chưa thể có chuyện giảm giá.

Chúng tôi đã khảo sát tại một số siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội như Intimex, Fivimart, Big C… và nhận thấy giá các mặt hàng không có sự thay đổi so với hai tuần trước đây.

Thép đã giảm giá, nhưng đại lý vẫn bán giá cũ: Trong danh mục các loại hàng hóa được giảm thuế, mới chỉ có thép được giảm giá nhưng trên thực tế, giá thép bán lẻ vẫn giữ ở mức như cũ. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, giá thép đã giảm 100.000 đồng/tấn nhưng các doanh nghiệp lại không quản lý được giá bán lẻ.

Vì vậy, giảm thuế nhưng chỉ có các đại lý được lợi, còn người tiêu dùng vẫn phải mua giá cao. Với mặt hàng ôtô, mức thuế nhập khẩu được giảm với ôtô con nhập nguyên chiếc là 70% (giảm 10%) nhưng hầu như chẳng làm hạ nhiệt được giá do trong nước nhu cầu mua xe ôtô đang ở mức cao, trong khi nguồn hàng lại khan hiếm.

 

Anh Lê - Ngọc Yến
.
.
.