Giám đốc rút ruột hàng của khách

Thứ Sáu, 14/12/2007, 10:16

Khi được Cty TNHH Hoàng Chiến thuê trục vớt 205 cuộn tôn bị đắm ở cửa biển Hải Phòng, Trần Đăng Hợp, Giám đốc Cty Anh Phát và hai cổ đông đã cố tình tạo ra lí do gây khó khăn cho việc trục vớt, nhằm chiếm đoạt 30 cuộn tôn.

Ngày 6/6/2006, con tàu Hoàng Chiến 08 của Công ty TNHH Hoàng Chiến, TP Hồ Chí Minh, có hợp đồng chở cho Công ty TNHH Bluescope Steel Việt Nam 243 cuộn tôn mạ màu và tôn tráng kẽm, có trọng lượng khoảng gần 11 nghìn tấn, từ cảng Gò Dầu, Đồng Nai ra Hải Phòng. Trên đường hành trình, đến phao số 2 cửa biển Hải Phòng (đoạn giữa huyện Kiến Thụy và thị trấn Cát Bà), thì bị sự cố đắm tàu.

Công ty TNHH Hoàng Chiến có bảo hiểm tại PJICO Sài Gòn nên được bồi thường thiệt hại tàu là 3 tỷ đồng, đồng thời có trách nhiệm trục vớt thanh thải luồng lạch. Còn Công ty TNHH Bluescope Steel Việt Nam có bảo hiểm hàng hoá tại Công ty Bảo hiểm Đồng Nai, nên được bồi thường 19 tỷ đồng.

Như vậy, thẩm quyền xử lý, định đoạt số hàng trên thuộc về Công ty Bảo hiểm Đồng Nai. Công ty đã làm thủ tục thế quyền sở hữu lô hàng này cho Công ty Bảo hiểm Hải Phòng để giải quyết tiếp.

Công ty TNHH Hoàng Chiến đã ký bản hợp đồng số 0106/AP ngày 14/10/2006 và phụ lục hợp đồng ngày 2/11/2006 với Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Anh Phát, Hải Phòng, do Trần Đăng Hợp làm giám đốc, Trần Văn Văn và Đào Thị Xa là thành viên góp vốn công ty, về trục vớt xác tầu và hàng hoá bị đắm. Trong đó, Bảo hiểm Hải Phòng có thuê 2 giám định viên của 2 cơ quan chức năng giám sát.

Đồng thời ngày 16/11/2006, Công ty Anh Phát ký bản hợp đồng số 22/HĐKT với Xí nghiệp bảo đảm hàng hải 101, thuê bãi cầu tầu cảng Hải Đăng trên đường Ngô Quyền, Hải Phòng trong thời hạn 30 ngày làm nơi xếp dỡ. Sau một thời gian tiến hành trục vớt từ 14/11/2006 đến 24/1/2007, Công ty Anh Phát thông báo cho chủ sở hữu là Công ty Bảo hiểm Hải Phòng là chỉ vớt được 175 cuộn tôn.                                                                

Công việc coi như kết thúc và hai bên ký thanh lý hợp đồng. Công ty TNHH Vận tải Hoàng Chiến và Công ty TNHH Bluescope Steel Việt Nam đã được đền bảo hiểm theo quy định, còn ngành bảo hiểm thì mất một giá trị hàng hoá khá lớn.

Đầu năm 2007, Đội 4, Phòng CSĐT TP về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an thành phố Hải Phòng nhận được nguồn tin của quần chúng cung cấp về số hàng tôn cuộn nguyên liệu chở từ bãi cảng Hải Đăng ra có nhiều khả nghi.

Một khó khăn cho các trinh sát là hàng đã được chở đi và hiện không biết đang nằm ở đâu. Kế hoạch truy tìm đã được triển khai. Các mũi trinh sát vừa rà soát địa bàn, đối tượng, vừa trực tiếp thị sát, nắm tình hình tại các bến bãi dọc trên bờ sông Cấm có chiều dài hàng chục cây số và các khu vực sản xuất công nghiệp khác.

Đầu tháng 2/2007, cơ quan CSĐT đã xác định được mục tiêu, đối tượng. Song để bắt quả tang với đầy đủ chứng cứ, trinh sát và điều tra viên phải mất hàng chục ngày đêm phục kích. Ngỡ rằng thực hiện một phi vụ trộm cắp ngoài khơi thì chỉ có trời biết, nhưng thủ phạm vụ án đã sớm bị phát giác.

Theo nguồn tin báo của quần chúng, hồi 16h30' ngày 27/2/2007, tổ phục kích đã bắt quả tang Trần Xuân Sơn, 31 tuổi, là chủ kinh doanh sắt vụn ở phường Quán Toan, Hồng Bàng, Hải Phòng, đang sử dụng 3 ôtô, chở 20 cuộn tôn mà Công ty Bảo hiểm Hải Phòng đã bị mất, đem đi cân ở bàn cân Mỹ Linh tại km8, trên đường 5 cũ.

Ngay lập tức, cuộc thẩm vấn đối với Trần Xuân Sơn, Trần Đăng Hợp, Đào Thị Xa và một số người liên quan được thực hiện.

Tại Cơ quan CSĐT, Sơn khai nhận đã mua của Hợp và Xa 30 cuộn tôn tương đương khoảng 140 tấn, trị giá 980 triệu đồng và đã trả trước cho Xa 830 triệu. Số tôn trên Sơn đã bán 4 cuộn cho Trần Thu Thuỷ, ở tổ 6, khu 7, phường Quán Toan với giá 7.700đ/kg; bán cho Công ty TNHH Trường Xuân, Bắc Giang 6 cuộn với giá 5.000đ/kg. Còn lại 20 cuộn, y chuẩn bị tiêu thụ thì bị cơ quan Công an bắt giữ.

Còn Hợp và Xa hết sức quanh co, chúng chỉ nhận trục vớt được 20 cuộn tôn rơi vãi ở ngoài biển khi mà Công ty Bảo hiểm Hải Phòng đã bỏ. Đồng thời Hợp và Xa cũng chỉ nhận bán cho Sơn có 20 cuộn.

Song căn cứ lời khai của Sơn, phù hợp với thông tin mà lực lượng bảo vệ và công nhân cảng cung cấp, đồng thời trước những tài liệu, chứng cứ mà cơ quan điều tra thu thập được, đã chứng minh rõ hành vi trộm cắp tài sản của Trần Đăng Hợp và Đào Thị Xa.

Với ý đồ trộm cắp, chiếm đoạt tài sản của Công ty Bảo hiểm Hải Phòng, Hợp và Xa đã cố tình tạo ra lý do để công việc trục vớt thực hiện không liên tục, có những khoảng trống về thời gian, nên cách ly được sự giám sát của cơ quan chức năng. Từ đó, trong tổng số 205 cuộn tôn vớt từ con tầu đắm, chúng đã tách ra 30 cuộn, chỉ làm thủ tục gửi 175 cuộn tại bãi cầu tàu cảng Hải Đăng. Sau đó, công bố số lượng trên với chủ hàng, mà lực lượng bảo vệ của Xí nghiệp Bảo đảm hàng hải 101, Hải Phòng không thể biết được.

Ngoài ra, với sổ sách chứng từ ghi chép của cảng và kết quả giám định chủng loại tôn, Cơ quan điều tra cũng đã chứng minh được 30 cuộn tôn mà Hợp và Xa đem bán, chính là số tôn được vớt cùng một thời điểm tại tàu Hoàng Chiến 08.

Trước những chứng cứ cụ thể, cuối cùng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Anh Phát là Trần Đăng Hợp cùng Đào Thị Xa, đã phải cúi đầu thừa nhận hành vi phạm tội.

Nhận được tin cơ quan Công an đã khám phá vụ án, bắt giữ đối tượng và thu hồi tài sản, ngày 6/12/2007, Công ty Bảo hiểm Hải Phòng đã gửi thư tới Giám đốc Công an thành phố, cảm ơn về tinh thần vì nhân dân phục vụ và cương quyết tấn công tội phạm của cán bộ, chiến sĩ Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV Công an Hải Phòng.

Ngày 13/12/2007, cơ quan CSĐT đã kết luận điều tra vụ án và chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng, đề nghị truy tố Trần Đăng Hợp, Đào Thị Xa về tội trộm cắp tài sản và đề nghị truy tố Trần Xuân Sơn về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

Quốc Phòng
.
.
.