Mỏ Cromit độc nhất Việt Nam, lớn nhất khu vực Đông Nam Á:

Giám đốc có khuyết điểm về hưu, Bộ và tập đoàn chậm ra quyết sách?

Thứ Tư, 16/07/2014, 09:48
Sau 7 tháng làm việc, Thanh tra Bộ Công thương chỉ rõ sai sót trong quá trình điều hành, đầu tư, xây dựng dự án khai thác, chế biến quặng cromit có tổng trị giá gần 800 tỷ đồng. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại thì việc xử lý những người liên quan vẫn chưa được thực hiện. Trong khi đó, ông Phạm Minh Quân, Giám đốc Công ty cổ phần Cromit Cổ Định – Người chịu trách nhiệm chính thì đã nghỉ hưu…
>> Vì sao nhà máy hoen gỉ, công nhân thất nghiệp?

Vùng quặng quý không được khai thác, dự án đầu tư hàng trăm tỷ đồng “đắp chiếu”, công nhân thất nghiệp, hàng nghìn người bị ảnh hưởng… Ông Nguyễn Minh Tuân, tân Giám đốc Công ty cổ phần Cromit Cổ Định Thanh Hoá cay đắng thốt lên; “Công ty yếu toàn tập”. Hiện tại, người tiền nhiệm của ông Tuân là ông Phạm Minh Quân - Người trực tiếp điều hành công ty trong suốt quá trình thực hiện hai dự án trên (đến giữa năm 2013) đã nghỉ hưu. Cũng theo yêu cầu của cơ quan Thanh tra, sau khi nhận được kết luận thanh tra, công ty phải báo cáo cũng như có kết quả xử lý cho tập đoàn, cho Bộ Công thương. Hiện nay, công ty cũng đã hoàn thành báo cáo.

òn về việc xử lý cán bộ liên quan, tại cuộc họp gồm Thanh tra Bộ Công thương, tập đoàn, công ty, ông Phạm Minh Quân đã có bản kiểm điểm. Bản kiểm điểm đã được ông Quân đọc tại cuộc họp này, trong đó có nội dung nhận một phần trách nhiệm. Hiện nay, bản kiểm điểm của ông Quân đang được lưu giữ tại công ty. Còn việc xử lý những người có trách nhiệm liên quan như thế nào thì theo ông Tuân, công ty đã thành lập Hội đồng kỷ luật. Tuy nhiên, Hội đồng kỷ luật này chưa thể tiến hành họp để kỷ luật những người có liên quan được. Như vậy, nội bộ công ty đang rất rối ren, sai phạm trong quá trình điều hành, thực hiện hai dự án trên đã được cơ quan Thanh tra chỉ ra. Tuy nhiên, kết luận của cơ quan Thanh tra mới mang tính chất nhận định chứ chưa làm rõ, trách nhiệm của từng người, cũng như định lượng được mức độ sai phạm. Chính vì thế, để xử lý đúng người, đúng tội không phải dễ dàng.

Vật liệu xây dựng nhà máy Ferocrom để đắp đống.

Trong khi nội bộ công ty đang có vấn đề, thì những yếu tố khách quan như: nhà thầu Trung Quốc không tiếp tục thực hiện việc xây dựng nhà máy Ferocrom; giấy phép khai thác hết hạn (từ 7/2012) nhưng chưa xin được cấp lại càng khiến cho ngày trở lại làm việc của hơn 300 công nhân thêm mờ mịt. Theo ông Tuân, từ tháng 2/2013, đến tháng 6/2014, tập đoàn hỗ trợ công ty tiền lương cơ bản, tiền đóng bảo hiểm. Còn từ tháng 7 trở đi, hơn 100 cán bộ, công nhân viên đang làm việc tại công ty chưa biết trông chờ vào nguồn nào để nhận lương. Giải thích về việc này, ông Tuân cho biết, từ tháng 7/2014, tập đoàn giao công ty phải làm ra sản phẩm nhưng đến nay, Giấy phép khai thác vẫn chưa xin được. Từ tháng 1/2014, công ty lập dự án mới. Theo đó, dự án được triển khai từ tháng 6/2014 với công suất 150.000 tấn/năm bằng công nghệ hiện đại như yêu cầu của UBND tỉnh Thanh Hóa. Thế nhưng, khi xin thủ tục đầu tư, UBND tỉnh Thanh Hóa không chấp thuận. Tỉnh này yêu cầu, công ty phải liên doanh với nước ngoài.

“Thực tế, từ năm 2006, tập đoàn đã tiến hành các thủ tục liên doanh với Công ty ARB của Anh. Các thủ tục hợp tác, lập dự án… với công ty này về cơ bản đã hoàn thành. Thế nhưng, đến năm 2013, Công ty này lại chuyển nhượng cho doanh nghiệp AML (Australia). Việc này khiến cho quá trình thực hiện liên doanh với Công ty ARB phải hủy để làm lại từ đầu. Trước khó khăn này, công ty lập dự án khai thác độc lập như tôi vừa nêu ở trên thì UBND tỉnh Thanh Hóa không chấp nhận”, ông Tuân cho biết.

Cũng theo ông Tuân, giữa tập đoàn, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có các buổi làm việc với đối tác AML và việc này đã báo cáo lên Chính phủ. Nếu thuận buồm xuôi gió, liên doanh này được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động thì phải hết năm 2015, khai trường mỏ Cromit Cổ Định mới hoạt động trở lại. Như vậy, đến lúc đó, người lao động ở Công ty cổ phần Cromit Cổ Định Thanh Hoá mới có việc làm. Trong khi chờ đến ngày đó, máy móc, thiết bị của các dây chuyền khai thác quặng lẫn chế biến quặng tiếp tục “thách thức” với nắng mưa, với thời tiết khắc nghiệt của xứ Thanh. Còn những người lao động ở Công ty cổ phần Cromit Cổ Định có đủ kiên nhẫn và trách nhiệm để chờ ngày tái lai hay xin về hưu sớm như ông Trưởng phòng Tổ chức, bà kế toán trưởng…

Ông tân Giám đốc Công ty cổ phần Cromit Cổ Định Thanh Hoá xót xa đúc kết, công ty bây giờ có quá nhiều thứ không: Công ty khoáng sản nhưng không có Giấy phép khai thác khoáng sản; Công nhân không có việc làm; Công ty cổ phần nhưng không có doanh thu… Với ngần ấy cái không, rồi đây những người lao động của công ty sẽ thế nào? Cả khối tài sản đã đầu tư gần 800 tỷ đồng sẽ ra sao?

Thiết nghĩ, Bộ Công thương, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cần sớm có biện pháp tháo gỡ. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong việc để xảy ra những sai sót đã được Thanh tra Bộ Công thương chỉ ra. Có như vậy, mới sớm ổn định nội bộ công ty, giúp công ty sớm ổn định để tìm ra hướng đi mới. Đồng thời, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng có biện pháp hỗ trợ Công ty cổ phần Cromit Cổ Định khi tạo điều kiện để công ty hoàn thành các thủ tục để xin cấp Giấy phép khai thác khoáng sản. Có như vậy, khai trường 16km2 của mỏ cromit mới được sống lại. Hy vọng rằng, nguồn tài nguyên quý của nước ta sớm được khai thác, chế biến để đem lại nguồn thu cho người lao động, cho ngân sách Nhà nước

Cao Hồng
.
.
.