Giải quyết hiệu quả tranh chấp từ các hợp đồng tổng thầu EPC

Chủ Nhật, 21/04/2019, 06:28
Ngày 19-4, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Tòa trọng tài quốc tế (ICA) thuộc Phòng Thương mại quốc tế ICC tổ chức Hội thảo: “Giải quyết hiệu quả tranh chấp từ các hợp đồng tổng thầu EPC - Khơi thông tắc nghẽn tại các dự án trọng điểm của Việt Nam”, với sự tham gia của hơn 200 đại biểu là các doanh nghiệp (DN), chủ đầu tư trong lĩnh vực xây dựng, Hiệp hội DN, Ban quản lý các dự án xây dựng, phát triển đô thị tại TP Hồ Chí Minh...

Theo nhận định của các chuyên gia, trong các hình thức quản lý dự án xây dựng hiện nay, cơ chế tổng thầu EPC (Thiết kế - Mua sắm - Thi công) đang được ưa chuộng sử dụng tại Việt Nam bởi hình thức này có nhiều ưu điểm, phù hợp với các dự án trong các lĩnh vực năng lượng điện, khai khoáng - những dự án đặc thù với yêu cầu việc thiết kế và sản xuất thiết bị không thể thực hiện tách rời, luôn đòi hỏi tính đồng bộ cao.

Hình thức tổng thầu EPC cũng được nhiều chuyên gia khuyên dùng khi chủ đầu tư thấy rằng chưa có đủ nhân lực chuyên môn có năng lực quản lý dự án nếu chia thành nhiều gói thầu khác nhau, hoặc trường hợp dự án có yêu cầu thực hiện theo tiến độ gấp rút mà không thể chờ thực hiện xong thiết kế mới bắt tay vào xây dựng.

Cơ chế tổng thầu EPC cũng được đánh giá là phù hợp để giúp chủ đầu tư là cơ quan quản lý Nhà nước, các tổng công ty Nhà nước, tận dụng được trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý của nhà thầu khi thực hiện dự án.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã cung cấp những kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực xây dựng. Đưa ra một số tranh chấp điển hình phát sinh từ hình thức quản lý dự án theo cơ chế tổng thầu EPC, để từ đó có phương án phòng ngừa rủi ro và quản lý tranh chấp cho cả phía chủ đầu tư cũng như đơn vị tổng thầu.

Đồng thời, đưa ra phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại, hòa giải thương mại, giúp đẩy nhanh tiến độ xử lý các tranh chấp, khơi thông các tắc nghẽn tại các dự án tổng thầu EPC.

T.Hà
.
.
.