Giải pháp nào ứng phó với bảo hộ thương mại quốc tế gia tăng?

Thứ Sáu, 25/09/2020, 15:11
Kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008, thế giới đã có thêm 4.000 biện pháp bảo hộ thương mại mới được áp dụng gồm: Biện pháp phòng vệ thương mại, tăng thuế, rào cản địa phương, trợ cấp phí xuất khẩu, và các phân biệt đối xử. 


Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Công Thương, tính hết năm 2018, đã có 144 vụ phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Ngày 25/9, Trường Đại học (ĐH) Thương mại phối hợp với Trường ĐH Kinh tế (ĐH Huế) và ĐH Sofia (Bulgary) tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển kinh tế và thương mại Việt Nam trong bối cảnh bảo hộ quốc tế”, với sự tham dự của lãnh đạo nhiều trường đại học trong nước và quốc tế.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại, thời gian qua, bảo hộ thương mại đã và đang trỗi dậy khá mạnh trong bối cảnh kinh tế thế giới bắt đầu tăng trưởng chậm lại kể từ năm 2013. Ngày càng nhiều quốc gia quay trở lại chính sách thúc đẩy sản xuất công nghiệp để thay thế hàng nhập khẩu, thắt chặt quy định về tỉ lệ nội địa hóa và trợ giá hàng xuất khẩu, dựng nên các rào cản thương mại khác nhau để bảo vệ nền sản xuất trong nước. Trong thời gian qua, số lượng biện pháp bảo hộ thương mại mà các nền kinh tế lớn thực hiện ngày càng tăng lên. Kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008, thế giới đã có thêm 4.000 biện pháp bảo hộ thương mại mới được áp dụng gồm: Biện pháp phòng vệ thương mại, tăng thuế, rào cản địa phương, trợ cấp phí xuất khẩu, và các phân biệt đối xử.

Các đại biểu chia sẻ giải pháp giúp Việt Nam phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh gia tăng bảo hộ thương mại

Đặc biệt, tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump, với chính sách “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, đã áp dụng nhiều biện pháp, từ rút khỏi các thỏa thuận thương mại mà ông coi là “gây thiệt hại” cho nền kinh tế đất nước, tới áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ các quốc gia khác nhau.

Cuối năm 2019, sự bùng phát của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID -19 trên toàn thế giới đã gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe, đồng thời đã có những tác động lớn định hình lại hệ thống thương mại và thị trường toàn cầu. 

Tại Việt Nam, với các giải pháp hợp lý được Đảng và Nhà nước triển khai thực hiện, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu vượt bậc: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 đạt 517 tỷ USD, tăng 7,6% so với năm 2018. Kết quả này đã đưa Việt Nam lọt top 30 quốc gia có tăng trưởng xuất nhập khẩu tốt trên thế giới.

Doanh nghiệp phải chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, sẵn sàng nhiều kịch bản để thích ứng với bảo hộ thương mại gia tăng

Tuy nhiên, Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức, rủi ro như tăng trưởng chưa bền vững, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp còn thấp, hiệu quả sử dụng vốn, đặc biệt là hiệu quả đầu tư công chưa cao, năng lực đổi mới sáng tạo thấp, năng suất lao động thấp, tăng trưởng phụ thuộc cao và ngày càng tăng vào khu vực FDI, vấn đề ô nhiễm môi trường…

Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính hết năm 2018, đã có 144 vụ phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Các vụ kiện chống bán phá giá cá tra-basa, tôm, chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với thép cuộn, thép chống ăn mòn do Mỹ khởi xướng; chống trợ cấp dây đồng, ống thép không gỉ do Ấn Độ khởi xướng; biện pháp tự vệ với thép nhập khẩu vào EU... khiến Việt Nam gặp khó khăn trên thị trường quốc tế.

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã tập trung đề xuất nhiều giải pháp giúp kinh tế Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh bảo hộ thương mại quốc tế gia tăng, trong đó Nhà nước cần tăng cường tính chủ động đối với công tác phòng chống các vụ kiện phòng vệ thương mại. Phải xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về thị trường xuất khẩu, luật thương mại quốc tế, luật pháp liên quan đến bảo hộ mậu dịch của nước ngoài để phổ biến, hướng dẫn cho các doanh nghiệp các thông tin cần thiết nhằm tránh những sơ hở dẫn đến các vụ kiện. Nhà nước cũng cần tăng cường đàm phán cấp Chính phủ trong giải quyết những tranh chấp thương mại. 

Tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp kháng kiện trong khuôn khổ Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) để bảo vệ lợi ích quốc gia theo luật pháp quốc tế. Tăng cường kiểm soát chất lượng, xuất xứ, chống gian lận thương mại và có chế tài nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp xuất khẩu vi phạm để đảm bảo uy tín của Việt Nam trong quan hệ quốc tế…

Về phía doanh nghiệp, phải có ý thức nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động nắm bắt thông tin, chuẩn bị và sẵn sàng nhiều kịch bản để thích ứng với bối cảnh; chủ động các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá; tăng cường liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh để tạo sức mạnh đối phó với các tranh chấp thương mại quốc tế…


Thu Phương
.
.
.