Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu

Thứ Tư, 06/04/2011, 08:57
Ngày 5/4, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến về xuất khẩu 3 tháng đầu năm. Theo số liệu ước tính của Liên Bộ (Bộ Công thương - Bộ Tài chính), kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm ước đạt 19,25 tỷ USD (tăng 33,7% so cùng kỳ 2010).

Trong đó, khu vực 100% vốn trong nước đạt 8,79 tỷ USD (tăng 40,1%); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 10,46 tỷ USD (tăng 28,7%). Trong đó, tăng mạnh nhất là nhóm hàng nông lâm thủy sản, ước đạt 4,68 tỷ USD (tăng 53% so cùng kỳ 2010). Tiếp đến là nhóm hàng công nghiệp chế biến, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 12,27 tỷ USD (tăng 31,4%) và nhóm nhiên liệu, khoáng sản ước đạt 2,29 tỷ USD (tăng 14,6%).

Cơ khí chế tạo là một trong các ngành công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển.

Theo Bộ Công thương, để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu trước tình hình khó khăn, Bộ Công thương trình Chính phủ ký ban hành quyết định về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ.

Theo đó, một số ngành hàng ưu tiên phát triển như: cơ khí chế tạo, điện tử - tin học, sản xuất lắp ráp ôtô, dệt may, da giày, công nghệ cao; Đồng thời, tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu; Cũng để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính triển khai thực hiện việc giãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ước tính, có khoảng 200.000 doanh nghiệp. Số thuế dự kiến được giãn cho đợt này khoảng 7.000 tỷ đồng. Việc giãn thuế TNDN giúp giảm nhu cầu vốn lưu động, từ đó giảm áp lực về vốn và áp lực tăng lãi suất ngân hàng trong ngắn hạn. Ngoài ra, đề án "Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng được triển khai thực hiện để hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong việc tìm kiếm, phát triển thị trường và giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh

T.Hà
.
.
.