Giải pháp cho hàng tạm nhập tái xuất

Thứ Sáu, 12/07/2013, 19:00
Tạm nhập tái xuất (TNTX) là một hoạt động thương mại quốc tế đơn thuần với nhiều loại hình cụ thể khác nhau và được thực hiện theo quy định của pháp luật. Nhằm tăng cường quản lý đối với loại hình kinh doanh TNTX, một phương án đang được Bộ Công Thương soạn thảo tại Khoản 8 Điều 11 dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 12/2015/NĐ-CP của Chính phủ là quy định về cửa khẩu tái xuất.

Phương án này đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan. Bộ Công Thương dự kiến quy định hàng hóa TNTX thuộc danh mục cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, hàng hóa thuộc diện theo giấy phép được Tái xuất qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và cửa khẩu, điểm thông quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập đã có đủ cơ quan kiểm tra chuyên ngành.

Cơ sở để Bộ Công Thương đưa ra phương án trên là nếu quy định những mặt hàng TNTX theo giấy phép chỉ được tái xuất qua cửa khẩu quốc tế (trừ hàng hóa là thực phẩm đông lạnh, hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt được tái xuất qua cửa khẩu trong khu kinh tế cửa khẩu) thì trên thực tế, phương thức kinh doanh TNTX không thể thực hiện được.

Ở góc độ quản lý, hàng hóa kinh doanh TNTX cần quản lý chặt khi tạm nhập còn khi tái xuấtlại cần mở rộng thông thoáng để tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho hàng hóa tái xuất nhanh ra khỏi Việt Nam. Hơn nữa, những lo ngại về việc lợi dụng gian lận thuế trong hoạt động này được xử lý bằng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quản lý thuế.

Theo quy định tại Luật này, kể từ ngày 1/7/2013, hàng hóa TNTX phải nộp thuế hoặc phải có bảo lãnh thuế trước khi thông quan. Do đó, những lo ngại về vấn đề gian lận thuế căn bản đã được giải quyết.

Thực tế thời gian qua, nhiều địa phương đã kiến nghị cho tái xuất hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở để đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa và giúp ứng phó linh hoạt trong điều hành khi có những thay đổi bất thường trong chính sách quản lý xuất nhập hàng hóa của một số nước láng giềng.

Vì vậy, cần điều chỉnh theo hướng đối với các loại hàng hóa thông thường, ngoài cửa khẩu quốc tế, cảng quốc tế, cửa khẩu chính, được tái xuất qua các cửa khẩu phụ, điểm thông quan được Thủ tướng Chính phủ thành lập đã có đủ cơ quan kiểm soát chuyên ngành, không phân biệt cửa khẩu phụ nằm trong hay ngoài khu kinh tế cửa khẩu.

Ngoài ra, để đảm bảo cải cách thủ tục hành chính, giảm cơ chế xin-cho trong việc quản lý đường đi của hàng hóa TNTX, theo Bộ Công Thương cần quy định cơ chế xác định công bố rõ ràng, cụ thể là UBND cấp tỉnh nơi có cửa khẩu chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xác định và công bố công khai để hàng hóa của thương nhân được tái xuất, không phải xin phép.

Theo Tổng cục Hải quan, phương án quy định về cửa khẩu tái xuất hàng hóa tại Khoản 8 Điều 11 Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 12/2006/NĐ-CP là phù hợp. Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan cho rằng, Bộ Công Thương cần làm rõ thế nào là “hàng hóa khác” để tránh các cách hiểu khác nhau. đồng thời, cần quy định rõ ngoài điều kiện có đủ lực lượng kiểm tra chuyên ngành thì phải đảm bảo cơ sở vật chất để các lực lượng có thể thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước đối với lĩnh vực, nhiệm vụ được phân công. 

Hiện nay, các bộ, ngành đang chỉnh sửa các văn bản pháp luật liên quan theo hướng cho phép TX hàng hóa qua các cửa khẩu đã có đủ cơ quan kiểm soát chuyên ngành theo quy định. Bộ Quốc phòng đang dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 32/2005/NĐ-CP quy chế cửa khẩu biên giới đất liền theo hướng cho phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa qua các loại cửa khẩu (kể cả cửa khẩu phụ). Bộ Tài chính cũng đang soạn thảo dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 194/2010/TT-BTC, trong đó đề xuất hàng TNTX được tái xuất qua các cửa khẩu điểm thông quan được Thủ tướng Chính phủ thành lập, có đủ cơ quan kiểm soát chuyên ngành.

Lưu Hiệp
.
.
.