Giải mã cuộc đua 100.000 tỷ đồng của đại gia viễn thông

Thứ Sáu, 18/06/2010, 09:08
Viettel và VNPT đang ấp ủ khát vọng đạt doanh thu trên 100.000 tỷ đồng ngay năm nay. Tuy nhiên, câu hỏi là các đại gia lấy đâu ra khoản thu này khi thị trường viễn thông bước vào giai đoạn bão hòa.

Người phát ngôn VNPT - Bùi Quốc Việt nói rằng 100.000 tỷ đồng là con số đầy tham vọng nhưng tập đoàn này đang quyết tâm và sẽ làm được. Trong đó, hai mạng di động VinaPhone và MobiFone phải phấn đấu đạt mức 70% doanh thu toàn VNPT, tương ứng với khoảng 70.000 tỷ đồng. 30% còn lại phân bổ cho các mảng khác như điện thoại cố định, Internet băng thông rộng, bưu chính, dịch vụ tài chính...

Tính đến giữa tháng 6, mục tiêu của VNPT đã đạt được khoảng 40%, tương đương 40.000 tỷ đồng. 60% còn lại, tương ứng với 60.000 tỷ đồng, hãng sẽ phải phấn đấu quyết liệt trong những tháng còn lại.

Viễn thông di động vẫn là lĩnh vực mang lại nguồn doanh thu chủ yếu cho các doanh nghiệp. Ảnh: VnExpress.

"Chúng tôi đang đẩy mạnh các dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng di động 2G và 3G. Đây sẽ là nguồn thu kỳ vọng trong tương lai", ông Việt nói. Dù tự tin như vậy, nhưng VNPT có giữ được vị trí số một trên thị trường viễn thông theo ông Việt là chưa thể chắc chắn.

Nguồn thu chủ yếu của VNPT hiện nay đang trông vào 2 mạng di động là VinaPhone và MobiFone, với khoảng 55,41% thị phần. Nếu hai mạng di động này chỉ dừng ở con số doanh thu 61.000 tỷ đồng như năm 2009 thì khả năng tiến đến con số 100.000 tỷ đồng trong năm nay với VNPT thực sự là khó khăn. Bởi nguồn doanh thu từ bưu chính, Internet băng rộng, điện thoại cố định lớn hơn các doanh nghiệp khác rất nhiều, nhưng lại chiếm tỷ lệ không lớn so với doanh thu từ dịch vụ di động. Trong khi đó, VNPT chưa có nhiều hoạt động đầu tư ra ngoài ngành như ngân hàng, tài chính.

Còn Viettel, 60% doanh thu của tập đoàn này cũng đến từ dịch vụ thông tin di động. Còn lại là từ các nguồn thu khác như bất động sản, phân phối điện thoại, bưu chính và Internet... Lãnh đạo Viettel khẳng định hiện đã đi được gần nửa chặng đường, tức gần 50%. Do đó, hãng sẽ cán mốc 100.000 tỷ đồng theo đúng kế hoạch đề ra.

Tại thị trường di động trong nước, nếu so với VNPT (gồm VinaPhone và MobiFone cộng lại), Viettel chỉ đứng vị trí thứ 2 về doanh thu và số lượng thuê bao. Tuy nhiên, Viettel đang đầu tư khá mạnh vào một số lĩnh vực tay trái như bất động sản, ngân hàng, tài chính, sản xuất thiết bị đầu cuối và dịch vụ in. Các lĩnh vực này chiếm khoảng 40% doanh thu trong số 60.000 tỷ đồng năm 2009 và dự kiến tăng lên khoảng 50% trong năm 2010.

Một điểm khác khiến đại gia viễn thông này khá tự tin về con số 100.000 tỷ đó là các dự án đầu tư ra nước ngoài đã bắt đầu mang lại nguồn thu đáng kể. Sau thời gian ngắn khai trương, 2 mạng di động tại Campuchia và Lào đã chiếm vị trí số một về hạ tầng và đứng thứ 2 về thuê bao. Năm 2010, doanh thu từ các dịch vụ đầu tư ra nước ngoài dự kiến tăng trưởng trên 300% so với năm 2009.

Tuy nhiên, cả hai tập đoàn Viettel và VNPT hiện nay đều trông cậy vào khoản doanh thu từ dịch vụ di động, mà nguồn thu này lại phải gồng gánh các khoản chi phí và bù lỗ cho nhiều dịch vụ khác. Trong khi đó, thị trường viễn thông Việt Nam đang vào giai đoạn bão hòa, di động vẫn là mảng mang lại lợi nhuận cao nhưng không hẳn là con gà tiếp tục đẻ trứng vàng. Giới chuyên gia nhìn nhận, trong 6 tháng còn lại của năm, nếu cả Viettel và VNPT không có những bứt phá, khả năng cán mốc 100.000 tỷ đồng là rất khó khăn.

Một chuyên gia khá am hiểu về thị trường viễn thông nhận xét: “Mấu chốt vấn đề không nằm ở chỗ hai đại gia này chỉ đua doanh thu 100.000 tỷ đồng chứ không đua lợi nhuận năm 2010 mà họ đạt được là bao nhiêu. Bản chất kinh doanh là lợi nhuận nhưng hai đại gia này không đua nhau về lợi nhuận mà lại sát phạt nhau bằng doanh thu”. Theo ông, phấn đấu đạt ngưỡng doanh thu 100.000 tỷ đồng trên thực tế không quá khó đối với hai hãng viễn thông VNPT và Viettel vì cách tính chi phí không rõ ràng. Do vậy, họ hoàn toàn có thể đẩy mục tiêu doanh thu lên con số 100.000 tỷ đồng, thậm chí là hơn.

Năm 2009, VNPT đạt doanh thu 78.600 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2008. Tuy nhiên, lợi nhuận chỉ đạt 13.500 tỷ đồng, tổng giá trị nộp ngân sách 8.100 tỷ đồng.

Còn Viettel, năm 2009, hãng tuyên bố đạt doanh thu trên 60.000 tỷ đồng, tuy nhiên, lợi nhuận chỉ đạt khoảng 10.000 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 40% doanh thu của Viettel từ dịch vụ viễn thông, còn lại là từ các nguồn khác. Chưa kể, Viettel lại lấy chi phí trong nội bộ các doanh nghiệp thành viên làm doanh thu của tập đoàn. Chẳng hạn công ty xuất nhập khẩu của Viettel nhập thiết bị về bán cho Viettel Telecom và Viettel Lào, Campuchia… Khoản thu của Viettel xuất khẩu chính là chi phí của các đơn vị khác, song lại được hạch toán vào doanh thu của Tập đoàn mẹ. Do vậy, con số doanh thu mà Viettel đạt được dường như không mấy ý nghĩa. Bản thân Viettel cũng thừa nhận trong 40.000 tỷ đồng doanh thu từ dịch vụ viễn thông thì có tới 40% là chi phí khuyến mãi. Thế nhưng, khoản chi phí 40% này vẫn được tính vào doanh thu của tập đoàn này.

Vị chuyên gia viễn thông nhấn mạnh cuộc đua 100.000 tỷ đồng của VNPT và Viettel gần như không có ý nghĩa nếu xét dưới góc độ hiệu quả kinh doanh. Bản chất kinh doanh là lợi nhuận, là sự tăng trưởng của ngành viễn thông. Nếu lợi nhuận năm sau tăng gấp đôi năm trước thì đây mới là con số ý nghĩa. Còn nếu cứ đẩy doanh thu lên cao, trong khi lợi nhuận tăng không đáng kể thì đó chỉ là cuộc chạy đua kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy”.

Trong nhiều lần trả lời PV, lãnh đạo Viettel và VNPT cũng khẳng định lợi nhuận trong kinh doanh viễn thông ngày một giảm. Nếu như 3-5 năm trước, lợi nhuận của các mạng di động dao động quanh ngưỡng 30-35% thì năm 2009 con số này giảm khoảng một nửa và chỉ vào khoảng 15-17%

Theo VnExpress
.
.
.