Giá vàng sẽ tiếp tục giảm đến bao giờ?

Thứ Năm, 05/11/2015, 17:40
6 phiên liên tục lao dốc, đà giảm của vàng dường như chưa có sự dừng lại. Mọi nhận định về thị trường kim loại quý đều mang màu sắc bi quan.

Cắm đầu đi xuống

Thị trường tài chính thế giới trong mấy ngày gần đây liên tục chứng kiến sự lao dốc của giá vàng. Tổng cộng 6 phiên, vàng đã giảm 5%, kể từ ngày FED họp hôm 28/10 và mở ra một cánh cửa tăng lãi suất. Ngoài ra, vàng cũng chịu áp lực khi quỹ giao dịch SPDR Gold Shares, với lượng cổ phần vàng giữ lớn nhất, giảm thêm 3 tấn vào hôm thứ Ba. Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch đêm ngày 4/11, giá vàng thế giới xuống còn 1.109 USD/oz (mua vào), và 1.110 USD/oz (bán ra).

Theo hãng tin Reuters, kể từ khi FED tuyên bố có thể tăng lãi suất vào tháng tới trong cuộc họp chính sách mới đây, vàng đã bị bán tháo. Nhu cầu vàng vật chất của khu vực châu Á không đủ mạnh để bù đắp cho sự suy giảm nhu cầu đầu tư vàng.

Trong bối cảnh đó, kinh tế Mỹ phát đi một loạt dữ liệu khả quan, càng củng cố thêm khả năng lãi suất đồng USD được tăng trong cuộc họp cuối cùng của năm 2015. Vàng giao ngay đã giảm 0,8% và niêm yết tại 1.108,10 USD/oz sau khi giảm khoảng 1% xuống còn 1.106 USD/oz, mức thấp nhất kể từ ngày 2/10. Giá vàng giao tháng 12 giảm 0,7% tại 1.106,20 USD/oz.

Giá vàng thế giới lao dốc khiến cho giá vàng SJC cũng liên tục “đổ đèo” theo. Giá mua bán vàng SJC đã ngày càng tiệm cận với mốc 33 triệu đồng/lượng. Cụ thể, giá vàng SJC ngày 5/11 đã xuống mức 33,13-33,36 triệu đồng/lượng (mua-bán).

Giá vàng giảm mạnh đã giúp hoạt động giao dịch vàng trong nước sôi động hơn, bởi mức giá thấp kích thích người dân mua vào, thêm vào đó là hoạt động mua sắm vàng, đồ trang sức cho mùa cưới.  Tại các cửa hàng vàng, khách mua bán tấp nập hơn, dù mặt hàng giao dịch chủ yếu vẫn là đồ trang sức, vàng nhẫn… Các chuyên gia cho rằng trước những diễn biến khó lường như hiện nay thì việc tham gia vào thị trường kim loại quý thời điểm này là rất nhạy cảm, các nhà đầu tư phải cẩn trong trong việc lựa chọn xu hướng. 

Giá vàng giảm, khách mua vào áp đảo so với khách bán ra.

Theo ghi nhận của công ty PNJ, chênh lệch giá giữa thị trường trong nước và thị trường thế giới tiếp tục nới rộng lên mức 3,39 triệu đồng mỗi lượng, do mức giảm của thị trường trong nước vẫn chậm hơn mức giảm của thị trường thế giới. Giao dịch được duy trì tốt, tuy nhiên đã xuất hiện dần hiện tượng phân cực, khi lượng mua của người tiêu dùng đang đẩy dần lên mức 70% so với tổng giao dịch trong ngày, do giá vàng xuống thấp.

Nhận định thận trọng hơn, các nhà phần tích đến từ Doji cho rằng thời điểm này thị trường vàng miếng dường như đang “chơi vơi” tìm điểm đến tiếp theo, giá nghiêng về xu hướng đi xuống và ngày một “chìm dần”. Tuy nhiên mức giảm chỉ “cầm chừng” bởi thị trường bắt đầu xuất hiện tín hiệu quay lại của các nhà đầu tư nhỏ lẻ và nhu cầu mua dần vào tích trữ của người dân. Điều này đã khiến cho giá vàng miếng chưa thể có những bước giảm mạnh mẽ hơn.

Sẽ tiếp tục giảm?

Về nguyên nhân khiến vàng lao dốc, việc FED sẽ nâng lãi suất là lý do chính nhấn chìm giá kim loại quý. Mặc dù câu trả lời có hay không vẫn còn bỏ ngỏ, nhưng các chuyên gia cho rằng không còn lý do gì để FED giữ lãi suất 0% thêm nữa. Reuters cho rằng những yếu tố bên trong nền kinh tế Mỹ cùng với những bất ổn ở nước ngoài đã khiến FED quyết định không tăng lãi suất trong cuộc họp hồi tháng Chín. 

Tuy nhiên, khi các yếu tố bên ngoài đã không còn làm FED khó xử, cộng thêm những dấu hiệu khả quan trong nền kinh tế Mỹ, người ta bắt đầu đồn đoán về khả năng FED quyết định tăng lãi suất cơ bản USD trong cuộc họp vào tháng tới . Sự thực thì kết thúc cuộc họp hôm 29/10, FED nhận định, nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng với tốc độ “vừa phải” và phát tín hiệu sẽ tăng lãi suất trong tháng Mười Hai. 

Nếu điều đó xảy ra, đây sẽ là lần tăng lãi suất đầu tiên của FED kể từ khi lãi suất được hạ về ngưỡng thấp kỷ lục 0-0,25% vào tháng 12/2008. Bên cạnh tốc độ tăng trưởng, nhu cầu tiêu dùng, yếu tố mấu chốt ảnh hưởng tới quyết định của FED là số liệu về việc làm của Mỹ, được công bố vào ngày 6/11.

Theo cuộc khảo sát của Reuters, các nhà phân tích dự đoán các doanh nghiệp Mỹ đã tạo ra được 180.000 việc làm mới trong lĩnh vực phi nông nghiệp và tăng tổng thu nhập thêm khoảng 0,2% trong tháng Mười. Trong khi đó, các nhà kinh tế của Ngân hàng HSBC cho rằng, chỉ cần tạo ra trung bình 150.000 việc làm trong tháng Mười và tháng Mười Một thì đã có thể đủ điều kiện để FED bàn đến chuyện tăng lãi suất.

Vậy, giá vàng sẽ đi đâu trong thời gian tới? Đây là câu hỏi mà rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Mặc dù “đích đến” là bao nhiêu chưa thể có con số chính xác, nhưng “lộ trình” tiếp tục giảm giá của vàng được hầu hết các chuyên gia chung quan điểm.

Matías Salord - chuyên gia phân tích tại FXStreet với vai trò là Biên tập viên Thông tin Châu Á cho rằng ngưỡng hỗ trợ quan trọng tiếp theo của vàng sẽ nằm tại vùng 1.100 USD/oz.

Trong suốt tháng 9, quý kim đã giao dịch dưới ngưỡng này, nhưng sau đó nhanh chóng hồi phục trở lại. Tới tháng 10, thị trường tiếp cận gần ngưỡng này để rồi sau đó theo đuổi đà tăng mạnh mẽ. Lúc này đây, mốc giá này lại đang bị đe dọa và nhiều khả năng được tái lập. Nếu giá vàng ổn định trên ngưỡng này, khả năng điều chỉnh tăng có thể quay trở lại.

Cùng chung quan điểm vàng sẽ tiếp tục giảm, Omkar Godbole - nhà phân tích kiêm biên tập viên tại FXStreet với nhiều năm kinh nghiệm tại một số công ty môi giới Ấn Độ nhận định.

“Với mốc giao dịch 1.108/oz hiện tại, quý kim đang đối diện ngưỡng hỗ trợ tại 1.106.41 USD/oz (mức thấp phiên 3/11), tiếp theo là ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.100 USD/oz”.

Nhóm PV
.
.
.