Giá vàng SJC “xấp xỉ” giá thị trường thế giới: Ai vỡ bẫm, ai lãnh quả đắng?

Chủ Nhật, 06/03/2016, 08:38
Lần đầu tiên kể từ hàng chục năm nay, giá vàng trong nước đã được kéo về sát ngang bằng với giá vàng thế giới, thậm chí, có thời điểm, giá vàng SJC còn thấp hơn giá vàng thế giới tới 200 nghìn đồng mỗi lượng. Sự kiện hy hữu này đã khiến cho thị trường vàng phân hóa khá mạnh. Vậy, ai sẽ được lợi và ai sẽ bị thiệt khi giá vàng “đảo cực”?


1.260 US/oz là mức giá chốt tuần của kim loại quý trên thị trường quốc tế. Xuyên suốt một tuần qua, giá vàng theo chiều hướng tăng chiếm vị thế chủ đạo. Hiện vàng đang thiết lập tháng giao dịch tốt nhất trong vòng 4 năm qua. 

Nếu như ở những phiên đầu tuần giá vàng có thời điểm dưới ngưỡng 1.240 thì những ngày kế tiếp giá vàng thế giới có những bước “nhảy cóc” tăng dần. Kim loại quý này đã tăng gần 19% trong năm nay khi các nhà đầu tư tìm đến vàng như tài sản an toàn trong bối cảnh quan ngại về sự trượt giảm của nền kinh tế toàn cầu và thị trường chứng khoán. Đà tăng của giá vàng cũng được thúc đẩy bởi kỳ vọng Fed sẽ chưa tăng lãi suất trong năm nay.

Giá vàng thế giới tuần này cũng được hậu thuẫn bởi hoạt động mua mới đã tăng khoảng 15.154 hợp đồng, tuy nhiên hoạt động mua bù bán cũng chiếm một phần đáng kể bởi vậy đã thúc đẩy vị thế mua tăng lên. Trong khi đó, tổng vị thế bán giảm khoảng 12.930 hợp đồng. Bên cạnh đó, các quỹ liên tiếp ôm vàng vào đã tạo lực đẩy giúp giá vàng tăng cao.

Theo các chuyên gia đánh giá, vàng đã tăng trở lại với mục tiêu hướng đến ngưỡng 1.300 USD/oz trước sự trượt giá của đồng USD, cùng những dữ liệu về ngành dịch vụ của nền kinh tế Hoa Kỳ đang chậm hơn so với tháng trước khiến các nhà đầu tư quay trở lại thị trường vàng. Tài sản trong quỹ tín thác vàng hậu thuẫn lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đã tiếp tục tăng cổ phần của mình lên 25,51 triệu oz vào hôm thứ năm, mức cao nhất kể từ tháng 9 năm 2014. Tính riêng tuần này vàng đã tăng 3,2%, có thời điểm, giá vàng chạm ngưỡng 1.280 USD/oz.

Người Việt Nam đã "thờ ơ" với vàng?

Xuyên suốt một tuần này, giá vàng SJC luôn có những cú “tung hứng” theo đà tăng giảm của giá vàng thế giới, nhưng mức độ chưa thực sự thỏa đáng. Cụ thể, ở hai ngày đầu tuần, giá vàng theo chiều hướng tăng dần, mức giá dao động quanh mức 33.35-33.45 triệu đồng/lượng. Mức giá này tịnh tiến tăng khoảng hơn 100 nghìn đồng/lượng ở ngày tiếp theo. 

Đà tăng của giá vàng ở những ngày đầu tuần chịu tác động trực tiếp từ các yếu tố kinh tế chính trị thế giới, bên cạnh đó yếu tố cung cầu trong nước cũng là tác nhân ảnh hưởng trực tiếp đến giá vàng. Tuy nhiên mức giá này được đánh giá là chưa tương xứng với đà tăng của giá thế giới đã khiến cho biên độ giữa hai thị trường trong nước và quốc tế co hẹp lại gần hơn ở mức 230 nghìn đồng/lượng.

Trên thị trường, các giao dịch vẫn khá yên ắng. Các nhà đầu tư chưa dành sự ưu ái cho vàng mỗi khi giá biến động như những thời điểm trước đây, khiến cho giá vàng trong nước không phát huy được tối đa sức bật của mình. Chính điều này cũng khiến giá vàng giữa hai thị trường nội và ngoại ngày càng thu hẹp. 

Cho đến ngày thứ 6, giá vàng tiếp tục được hậu thuẫn từ giá vàng thế giới và có mức nhảy nhót chóng mặt. Bên cạnh đó, lực cầu trong nước tăng cao đã kéo giá vàng vượt lên ngưỡng 34 triệu đồng/lượng. Đây là mức cao nhất được thiết lập trong suốt hơn 5 tháng qua. Như vậy, nếu tính từ đầu tuần, giá vàng trong nước đã tăng hơn 500 nghìn đồng/lượng.

Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ 6, các nhà đầu tư đều khá bất ngờ trước sự điều chỉnh hiếm gặp trong nhiều năm nay khi giá vàng miếng SJC trong nước thấp hơn giá vàng thế giới khoảng 220 nghìn đồng/lượng, thay vì mức cao tới nhiều triệu đồng từ những năm trước đây. 

Trước những diễn biến tăng giá bất ngờ đến khó lường của giá vàng, các nhà đầu tư với vị thế đã mua vào trước đây cảm thấy hoan hỉ hơn khi giá vàng bắt đầu có những tiến triển theo chiều hướng mà họ kỳ vọng, giúp cho nhà đầu tư vơi đi phần nào sự thấp thỏm về biên độ giá khi đã mua ở thời điểm cao trước đây.

Theo đó, một số nhà đầu tư đã lựa chọn phương án bán vàng ra. Đối với những nhà đầu tư lớn hơn, họ chọn phương thức mua vàng vào với nhận định giá sẽ còn những diễn biến sâu hơn.

Các chuyên gia kinh tế tính toán: vàng thế giới sau khi nhập về trong nước, phải cộng thêm thuế phí, cùng với biên độ lợi nhuận kinh doanh của doanh nghiệp thì giá bán phải cao hơn giá vàng thế giới khoảng 500 nghìn đồng mỗi lượng và mức được cho là “chấp nhận được” ở khoảng 1 triệu đồng/lượng. Thế nên, khi giá vàng SJC ngang bằng, thậm chí thấp hơn giá vàng thế giới, nhiều người đã tỏ ra khá bất ngờ và bày tỏ nghi ngại về khả năng rủi ro theo chiều hướng ngược lại với trước đây. 

Theo phân tích của ông Nguyễn Thành Long – Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới được thu hẹp là hợp lý, vì mãi lực thị trường vàng dần ổn định, và việc chênh lệch giá vàng giảm có lợi cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, một chuyên gia kinh tế lại cho rằng nếu chỉ nhìn theo hướng có lợi cho người mua thì sẽ “thua thiệt” cho những người muốn bán vàng trong thời điểm này.

“Sẽ có những người, vì lý do cần phải bán vàng, tất nhiên họ phải chịu giá thấp hơn so với giá trị thực tế của vàng thời điểm đó, cộng với chênh lệch giá mua bán, mỗi lượng sẽ thiệt hại vào khoảng 400-500 nghìn đồng. Còn với người mua, tôi cho rằng thời điểm này, ít người dám xông vào vàng vì mọi rủi ro khiến kim loại quý có thể đảo chiều bất kỳ lúc nào vẫn đang hiện hữu. Thế nên, với những gì đang diễn ra trên thị trường vàng, người thiệt vẫn sẽ thiệt, và người được hưởng lợi cũng sẽ không nhiều”, vị chuyên gia này phân tích.

Vàng sẽ tăng trong tuần tới?

Theo cuộc khảo sát trực tuyến của Kitco, trong số 1.254 người tham gia bình chọn về diễn biến giá vàng tuần tới, có 1.047 người (83%) lựa chọn vàng sẽ tăng, trong khi chỉ có 121 người (10%) lựa chọn vàng giảm và 86 người (7%) chọn đi ngang. Cuộc khảo sát của Kitco với 34 thành viên thị trường cũng cho kết quả tương tự khi trong số 19 ý kiến phản hồi, có 10 ý kiến (53%) nhận định giá vàng sẽ tăng, trong khi chỉ có 4 ý kiến (21%) dự báo vàng sẽ giảm và 5 ý kiến (26%) trung lập. 

Lệ Thúy
.
.
.