Giá thuốc tăng, bệnh nhân trốn viện nhiều

Thứ Sáu, 04/07/2008, 10:10
Bác sỹ Trần Phan Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương bày tỏ lo lắng: Với tình hình giá thuốc tăng cao như hiện nay, tình trạng trốn viện sẽ còn căng thẳng hơn nữa. Năm ngoái, bệnh viện đã phải tự bù ra 175 triệu đồng tiền viện phí do bệnh nhân bỏ trốn. Năm nay, tuy chưa tính toán cụ thể, nhưng hồ sơ bệnh nhân trốn viện đã lên tới hàng trăm trường hợp.

Nhiều bệnh nhân trốn viện

Bệnh nhân trốn viện, bỏ dở điều trị vì giá thuốc thì sự tổn hại sức khỏe của chính các cháu bé vẫn lớn hơn số tiền mà bệnh viện phải bù ra, nhưng với khả năng hiện tại của bệnh viện, chưa có cách gì giải quyết tình trạng này.

Anh Trần Phú Tài ở Hà Tây đang đưa cháu gái bị bệnh thiếu máu huyết tán đi truyền máu tại Khoa Huyết học, Bệnh viện Nhi Trung ương đầy lo lắng: Chi phí điều trị thường xuyên cho cháu được tính theo phương thức gia đình chi trả 20% cùng bảo hiểm y tế (BHYT).

Tuy số tiền này đã là quá lớn đối với một gia đình ở nông thôn như nhà anh, sở dĩ anh phải đưa cháu đi truyền máu thay bố mẹ cháu vì vợ chồng cậu em đều phải đi làm thuê kiếm tiền chữa bệnh cho con, nhưng đây là chi phí gia đình đã xác định phải cáng đáng ngay từ khi phát hiện ra bệnh của cháu.

Điều làm anh lo lắng nhất hiện nay là giá các loại thuốc hỗ trợ điều trị, thuốc phát sinh đang bắt đầu tăng. Bị thiếu máu huyết tán kéo theo sức đề kháng kém, hấp thu dinh dưỡng kém, nên ngoài máu và thuốc điều trị, cháu gái anh phải dùng các thuốc hỗ trợ, thuốc bổ như cơm bữa. Các thuốc này thường nằm ngoài danh mục BHYT và gia đình phải hoàn toàn tự chi trả.

Có lần, bác sỹ kê thuốc bổ sung viên bổ tổng hợp cho cháu, giá lên tới 200.000 đồng/hộp 6 vỉ, gia đình đã liều không mua, vì nghĩ con nhà nghèo bệnh trọng, có thuốc chữa bệnh là tốt lắm rồi, cần gì thuốc bổ. Nhưng cháu luôn có biểu hiện mệt lả, da tái nhợt, kết cục là đợt truyền máu sau đó phải kéo dài hơn vì cháu bị suy dinh dưỡng nặng.

Tại Bệnh viện K, ngoài nỗi buồn bệnh tật, không khí lo lắng hoang mang đang bao trùm lên bệnh nhân, bởi họ đã nghe phong thanh giá thuốc sẽ chính thức tăng trong thời gian tới, trong đó nhóm thuốc đặc trị được dự báo là bị nhiều ảnh hưởng.

Chị Nguyễn Thị Bình, bệnh nhân Khoa Nội 2 làm phép so sánh: Chị đang dùng phác đồ điều trị gồm ba thuốc, trong đó hai loại thuốc Adriamycin và Cyclopkosphamide có giá tổng cộng gần 1.000.000 đồng/đợt điều trị sẽ do BHYT chi trả, còn thuốc Taxane có giá hơn 6.000.000 đồng/đợt điều trị chỉ được BHYT thanh toán 50%. Hiện chị mới dùng thuốc được gần 2 tháng, tức là qua 2 đợt điều trị, còn ít nhất 4 đợt điều trị nữa, gia đình chị chưa biết xoay xở ra sao.

TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết, 80% thuốc điều trị cho bệnh nhân ung thư là hoá chất và hiện đang phụ thuộc vào nhập khẩu. Bệnh nhân có BHYT vẫn chịu ảnh hưởng giá thuốc tăng vì phải chi trả 50% đối với một số thuốc điều trị hay can thiệp kỹ thuật cao, chưa kể thuốc ngoài danh mục BHYT. Tuy nhiên, số bệnh nhân không có BHYT sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi giá thuốc tăng. Là bệnh viện điều trị ung thư tuyến cuối, nhưng tại Bệnh viện K, hiện vẫn có tới 30% bệnh nhân không có BHYT.

Bệnh viện cũng khó khăn

Bác sỹ Trần Phan Dương cho hay, nhà thầu không chính thức từ chối cung cấp vì lý do giá tăng, cũng không chủ động chấp nhận nộp phạt vì vi phạm hợp đồng như các nơi khác, mà chỉ đưa ra lý do "hàng chưa về kịp". Trong tình cảnh ấy, bệnh viện không thể ngồi đợi nhà thầu cung ứng vật tư hay thực hiện đúng hợp đồng, mà phải tìm cách xoay xở tự mua theo giá thị trường.

Bệnh viện 19-8 là một trong những bệnh viện hạng I có uy tín và là bệnh viện đầu ngành của lực lượng CAND Việt Nam. Hằng năm, Bệnh viện 19-8 đã khám và điều trị cho hàng vạn lượt cán bộ, chiến sỹ. Đây cũng là nơi có số lượng lớn bệnh nhân là người ngoài lực lượng vũ trang thường xuyên đến khám, chữa bệnh mỗi ngày.

PGS-TS Phạm Quang Cử, Giám đốc Bệnh viện 19-8 cho biết: Nếu giá thuốc tăng chắc chắn chúng tôi cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cấp phát thuốc cho người bệnh. Sau khi có thông tin từ 1/7 nhiều mặt hàng thuốc sẽ tăng giá từ 5-10%, bệnh viện cũng đã nhận được một số đơn đề nghị tăng giá từ phía nhà cung cấp thuốc.

Một số mặt hàng dù đã ký kết hợp đồng trước nhưng khi bệnh viện có nhu cầu gọi hàng thì chỉ nhận được câu trả lời là không có hàng để cung ứng như dịch truyền Apumin, thuốc phục vụ chữa nội tiết tố… Mà lý do họ đưa ra để từ chối cung ứng là do "thiếu hàng". Do vậy, có không ít lần bệnh viện phải chấp nhận ra ngoài mua một số loại thuốc với giá cao hơn giá hợp đồng đã ký, để đảm bảo cung cấp cho bệnh nhân.

Tương tự với băn khoăn trên, sáng 2/7, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, việc tăng giá thuốc chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn tới người bệnh, từ người điều trị bằng thẻ bảo hiểm đến người điều trị tự nguyện.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong lúc này là cơ quan chức năng cần phải can thiệp, điều tiết để tránh yếu tố tăng giá thuốc do con người gây ra chứ không phải là điều tiết tăng giá theo thị trường.

Đã từ lâu nay, nhiều người bệnh vẫn dở khóc dở cười khi nhận những đơn thuốc kê toàn là thuốc ngoại với giá cao ngất ngưởng, trong khi đó, cùng công dụng, cùng hoạt chất chế biến, thuốc nội hoặc thuốc gốc (thuật ngữ zuric để chỉ những mặt hàng thuốc được lấy từ gốc, không qua trung gian) lại có giá thấp hơn rất nhiều nhưng bị các bác sỹ kê đơn "quên" không kê cho bệnh nhân

Nhóm PV KT-XH
.
.
.