Gia tăng tình trạng khai thác trái phép đất ruộng tại miền Tây

Thứ Năm, 05/03/2020, 08:06
Giữa mùa khô hạn, nước mặn xâm nhập, mùa màng thất thu, nhiều hộ nông dân tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre,… đã “gỡ gạc” bằng cách bán đất mặt ruộng. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, hủy hoại đất, làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất.


Ngành nông nghiệp các địa phương cùng Cảnh sát môi trường Công an các tỉnh, thành Tây Nam Bộ đã và đang triển khai nhiều biện pháp từ ngăn chặn cho đến tuyên truyền cho người dân hiểu giữa lợi ích trước mắt và hệ quả lâu dài…

Ghi nhận của PV Báo CAND tại huyện Ba Tri và Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre), do nước mặn xâm nhập, lúa vụ Thu - Đông “thất trắng” vì không thể xuống giống hoặc có xuống thì cũng chết non, nhiều chủ ruộng đã bán lớp đất mặt để lấy lại tiền giống, tiền phân. Theo tìm hiểu, đất mặt ruộng nơi đây được bán với giá từ 100.000 – 150.000đ/m3, tùy theo loại đất và đoạn đường vận chuyển.

Lực lượng chức năng bắt quả tang một vụ khai thác đất mặt trái phép trên địa bàn huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang).

Đất mặt ruộng được các xe cuốc múc lên xe tải và chở đi bán lại cho công trình giao thông có nhu cầu san lấp mặt bằng hay các hộ dân mua để tạo nền cất nhà. Theo các hộ dân tại xã Tân Xuân (huyện Ba Tri), ngoài việc bán đất mặt lấy tiền thì đây cũng là cách “cải tạo” lại đất vì do mặt đất cao hơn nhiều so với mực nước ngọt.

Tuy nhiên, ông Trần Quốc Khanh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ba Tri lại cho rằng, việc khai thác trái phép lớp đất mặt ruộng sẽ dẫn đến hậu quả cho việc sản xuất về sau. Cụ thể, là chi phí đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu cho ruộng lúa ở vụ sau sẽ tăng lên từ 2 - 3 lần so với các thửa ruộng không bị khai thác đất mặt. Ngoài ra, năng suất lúa của vụ sau cũng sẽ giảm ít nhất trên 15%.

Bởi, việc khai thác lớp đất phù sa mặt sẽ làm giảm nguồn dinh dưỡng đất rất lớn, đất bên dưới vốn bạc màu rất khó hấp thụ dinh dưỡng được bón lót khi canh tác lúa. “Hiện, phòng đã cử cán bộ nắm sát tình hình và tuyên truyền người dân hiểu vì hành vi khai thác đất mặt ruộng là vi phạm pháp luật.

Đồng thời, phối hợp với đơn vị chức năng liên quan tiến hành xử lý các trường hợp vi phạm. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng đang tích cực để hỗ trợ người dân tìm giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với thực trạng hạn mặn như hiện nay” – ông Khanh nói.

Tình trạng trên cũng diễn ra khá phổ biến tại tỉnh Đồng Tháp. Đi dọc theo các xã Phú Hiệp, Phú Cường (huyện Tam Nông), chúng tôi nhận thấy phổ biến tình trạng khai thác đất mặt trái phép để bán cho các thương lái thu mua đất mặt để bán lại cho các lò gạch.

Nếu giá đất ruộng tại đây được sang nhượng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp mà cụ thể là trồng lúa thì chỉ khoảng 50 – 70 triệu đồng/1.000m2 (1 công), còn những thương lái đến thu mua để bán lại cho các chủ lò gạch thì có mức giá khá cao, khoảng 90 triệu đồng/công. Mặt khác, sau khi các thương lái lấy đất đi, thì chủ đất sẽ nhận lại được ao đào sẵn. Từ đó, nhiều chủ đất đã bất chấp hệ quả về sau mà “hạ” ruộng thành ao.

Tình trạng khai thác đất mặt trái phép trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp còn diễn ra ở huyện Tân Hồng và Hồng Ngự. Ngoài việc bán đất làm gạch, các chủ đất còn tự ý đào ao nuôi cá tra. Trong năm 2019, ngành chức năng huyện Hồng Ngự đã tiến hành lập biên bản, xử lý hành chính 85 trường hợp đào đất ruộng để làm ao nuôi cá trái phép, với tổng diện tích sai phạm 39ha.

Vào ngày 2-3 vừa qua, PV Báo CAND đã tìm hiểu và ghi nhận tình trạng khai thác đất mặt trái phép tại các xã trên địa bàn huyện Chợ Mới (An Giang). Tại các cánh đồng thuộc ấp Mỹ Hòa, Mỹ Thuận (xã Mỹ Hội Đông), tình trạng khai thác đất mặt ruộng bán cho các chủ lò gạch diễn ra rầm rộ. Các đường đê thủy lợi được “trưng dụng” phục vụ cho việc vận chuyển đất bằng xe tải.

Những cây cầu dã chiến được bắc qua các đường nước dẫn vào đồng phục vụ sản xuất. Các xe cuốc hì hục ngày đêm để đào đất bỏ lên xe tải chở đến các lò gạch. Nhiều khu vực được đào sâu hơn 2 mét, phá vỡ quy hoạch canh tác nông nghiệp của địa phương.

Bụi đất bám vào lá và thân cây khiến các vườn cây ăn trái xung quanh cằn cỗi, kém năng suất. Vừa vào đến tuyến đường “độc địa” dẫn vào khu khai thác đất mặt trái phép, PV bị một đối tượng “canh đường” phát hiện, dùng xe máy bám đuôi. Quanh các khu vực khai thác máy cuốc, máy xúc vẫn còn hơi khói do vừa hoạt động nhưng không có người điều khiển… vì đã được “báo động” có người lạ xâm nhập “cấm địa”.

PV Báo CAND đem thực tế ghi nhận, trao đổi với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chợ Mới. Ông Trần Văn Trí, Trưởng phòng nhìn nhận là có thực trạng trên và cho biết khá khó khăn trong công tác quản lý và xử lý. Cụ thể, Phòng đã có báo cáo và UBND huyện Chợ Mới cũng đã thống nhất với 5 tồn tại, khó khăn chính trong công tác giải quyết tình trạng khai thác đất mặt ruộng để sản xuất gạch.

Theo đó, trên địa bàn huyện Chợ Mới có 129 cơ sở làm lò gạch, mặc dù chủ trương của huyện là không cho phát sinh cơ sở mới, tuy nhiên nhu cầu sử dụng nguyên liệu đất để sản xuất gạch là rất cao khoảng 400.000m3/năm. Đây được cho là nguyên nhân chính làm phát sinh trình trạng khai thác đất trái phép trên địa bàn. Ngoài ra, nhiều hộ đã lợi dụng hình thức chuyển đổi cây trồng từ lúa sang lên líp trồng vườn để bán lớp đất mặt từ đó gây khó cho công tác quản lý.

Các đối tượng khai thác thường lựa chọn những ngày nghỉ, lễ và ban đêm để khai thác tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Còn có khó khăn nữa là việc tạm giữ vận chuyển, bảo quản tang vật, phương tiện trong thời gian chờ xác minh và xử lý.

“Mặt khác, theo Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10-11-2014 của Chính phủ có quy định về việc xử lý đối với hành vi khai thác đất mặt trồng lúa để làm nguyên liệu sản xuất thì chủ yếu chỉ xử phạt hành chính chưa có chế tài xử lý chủ phương tiện cũng như tịch thu các phương tiện, tang vật liên quan, chưa đủ sức răn đe.

Mới đây, từ ngày 5-1-2020 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (có hiệu lực) thay thế Nghị định 102 đã có điểm đổi mới là bổ sung chế tài xử phạt đối với hành vi hủy hoại đất. Ngoài việc chế tài xử phạt bằng tiền thì còn áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, buộc khôi phục hiện trạng ban đầu.

Trường hợp người có hành vi vi phạm không chấp hành thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 64 của Luật đất đai. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương, cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định. Trong thời gian tới, phòng sẽ phối hợp cùng UBND các xã, các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý, xử lý ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép đất mặt”, ông Trí nói.

Trong năm 2019, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chợ Mới phối hợp cùng Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh An Giang tiến hành 11 cuộc kiểm tra đột xuất, xử lý 33 trường hợp khai thác lớp đất mặt trái phép với tổng số tiền 443 triệu đồng. Riêng trên địa bàn xã Mỹ Hội Đông đã kiểm tra, xử lý 16 trường hợp vi phạm tổng số tiền 250 triệu đồng.

Đồng thời, UBND huyện Chợ Mới chỉ đạo CSGT Công an huyện Chợ Mới tăng cường tuần tra kiểm soát, khép kín địa bàn, xây dựng kế hoạch kiểm tra đột xuất, xử lý đối với các phương tiện chở đất. Trong năm 2019, cơ quan chức năng đã tịch thu 10 chiếc xe có kết cấu tương tự xe ôtô, xe tự sản xuất, lắp ráp (xe cải tiến) vi phạm.

Theo Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh An Giang, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phối hợp cùng các ngành, đơn vị liên quan bắt quả tang 3 vụ khai thác đất mặt trái phép trên địa bàn huyện Chợ Mới. “Cái khó trong công tác ngăn chặn tình trạng khai thác đất mặt trái phép hiện nay, là vì lợi ích kinh tế, các đối tượng “tay mắt” luôn túc trực tại các tuyến đường, đầu cầu dẫn vào khu vực khai thác.

Khi phát hiện có người lạ mặt thì nhanh chóng thông báo cho các đối tượng khai thác đất bỏ trốn, ngưng mọi hoạt động vi phạm”, Thượng tá Bùi Văn Triết, Phó Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh An Giang cho biết thêm.

PGS-TS Lê Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐBSCL (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết, bán đất mặt xảy ra nhiều năm nhưng mới rộ lên do khô hạn, mực nước thấp. Bán đất mặt có hại nhiều hơn có lợi, vì đất mặt rất nhiều năm mới tạo ra. Việc lấy đất mặt khả năng sẽ làm cho phèn “trỗi dậy”. “Bà con nông dân thường coi đất với nước để nói ruộng cao hay thấp chớ không đo. Làm lúa 3 vụ cần rất nhiều nước, gặp mùa khô hạn nước xuống thấp. Việc lấy nước tưới khó khăn hơn nên có cảm giác ruộng cao lên chớ thật ra đâu có cái gì làm cho đất cao lên được. Làm lúa cần lượng nước tưới nhiều nên nếu làm 3 vụ chắc chắn sẽ thiếu nước. Chưa kể, làm lúa 3 vụ thì lúc nào đất cũng làm việc không nghỉ, không có thời gian phục hồi tự nhiên. Người sản xuất muốn kiểm soát sâu bệnh, cải tạo đất thì phải sử dụng phân thuốc ngày càng nhiều, ô nhiễm ngày càng tăng. Trong những vùng ô nhiễm như vậy thì khó có được những sản phẩm hữu cơ, sản phẩm sạch được. Từ đó, không chỉ riêng gạo mà các nông sản khác cũng phải bán giá rẻ. Về lâu dài, nên giảm diện tích trồng lúa 3 vụ, chuyển đổi 2 vụ lúa - 1 vụ màu, khôi phục lại những vùng trũng trữ nước tự nhiên. Đối với những khu vực cao có thể chuyển đổi cây trồng, dành 1 phần đất để đào ao trữ nước…”, PGS-TS Lê Anh Tuấn phân tích.
Trần Lĩnh
.
.
.