Gia tăng tàu biển Việt Nam bị lưu giữ tại cảng biển của Trung Quốc

Thứ Năm, 05/06/2014, 10:27
Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, từ 1/1 đến 31/5/2014 tại khu vực Tokyo - Mou, có 16 lượt tàu biển Việt Nam bị lưu giữ trên tổng số 249 lượt tàu bị kiểm tra. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là trong số tàu bị lưu giữ tại cảng nước ngoài, có tới 14 tàu (chiếm 81%) bị lưu giữ tại các cảng của Trung Quốc.

Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, tính đến nay, đội tàu biển Việt Nam có khoảng hơn 1.600 tàu với tổng trọng tải là 7.244.817 tấn; trong đó có 450 tàu hoạt động tuyến quốc tế.  So với mốc 31/12/2012, đội tàu biển đã giảm hơn 80 tàu. Các chủ tàu Việt Nam hiện đang phải đối mặt với thực trạng vô cùng khó khăn về tài chính, hầu hết các công ty vận tải biển kinh doanh thua lỗ trong năm 2013, nhiều công ty đã phải tạm dừng hoạt động hoặc phá sản. Trong khi đó, tình hình tàu biển Việt Nam bị lưu giữ tại các vùng biển nước ngoài vẫn diễn biến phức tạp.

Năm 2013, tại khu vực Tokyo-Mou (một trong 5 khu vực cảng biển thế giới mà tàu biển Việt Nam hoạt động), có tổng cộng 47 lượt tàu Việt Nam bị lưu giữ, trên tổng số 767 lượt kiểm tra. Tỷ lệ tàu bị lưu giữ là 6,13%, thấp hơn của Indonesia, Thái Lan và Philippines. Song, trong 5 tháng đầu năm 2014,  có tổng cộng 16 lượt tàu Việt Nam bị lưu giữ trên hơn 200 lượt tàu bị kiểm tra. Đáng nói, 14 lượt tàu Việt Nam bị lưu giữ trong 5 tháng đầu năm đều do chính quyền địa phương ở Trung Quốc thực hiện.

Theo ông Phạm Hải Bằng - Trưởng phòng Tàu biển (Cục Đăng kiểm VN),  trước thực trạng trên, thời gian qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam có nhiều nỗ lực trong việc triển khai các giải pháp như: Tổ chức hội nghị tham khảo ý kiến chủ tàu, tổ chức các đoàn kiểm tra thực tế, siết chặt quản lý và nâng trách nhiệm các đơn vị đăng kiểm, đăng kiểm viên; Kiểm tra gắt gao các phương tiện trước khi rời cảng đến các cảng quốc tế…

Điều này phần nào mang lại kết quả là trong 5 tháng đầu năm 2014 có 16 lượt tàu bị Tokyo - Mou giữ, trong khi cả năm 2013 có 47 chiếc bị giữ. Đánh giá mới đây của Tokyo - Mou cho thấy, sự tiến bộ của đội tàu biển Vệt Nam và thước đo trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, là tín hiệu khả quan trong việc dần ra khỏi “danh sách đen” của tổ chức này. Đáng nói hơn, theo ông Bằng, trong số 16 tàu bị lưu giữ những tháng đầu năm, có 14 tàu do cảng Trung Quốc thực hiện. Trên thực tế, thời gian qua, không ít chủ tàu đã tỏ ra bức xúc khi cho rằng, chính quyền cảng Trung Quốc bắt giữ tàu VN với lỗi không đáng, không mang tính xây dựng.

Về vấn đề trên, ông Nguyễn Vũ Hải - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho biết: “Cục Đăng kiểm VN đã và đang chỉ đạo sát sao các đơn vị đăng kiểm tăng cường kiểm tra, giám sát kỹ thuật tối đa, cũng như phối hợp chặt chẽ với cơ quan cảng vụ trong việc kiểm tra tàu trước khi xuất cảng sang Trung Quốc.  Đồng thời, vận động chủ tàu, thuyền viên có sự chuẩn bị kỹ càng trong vận hành phương tiện, giao tiếp, đáp ứng yêu cầu kiểm tra khi cập cảng tại Trung Quốc”.

Trong tháng 6/2014, Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Hải sự Trung Quốc sẽ có lịch làm việc nhằm tăng cường trao đổi thông tin hai chiều về tình hình tàu biển Viêt Nam bị lưu giữ tại Trung Quốc

Đặng Nhật
.
.
.