Gia tăng lạm dụng kháng sinh cấm trong chăn nuôi

Thứ Bảy, 11/02/2017, 08:35
Mặc dù tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có xu hướng giảm và thậm chí một số chất đã tạm thời được kiểm soát nhưng tình trạng sử dụng kháng sinh cấm trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản hiện diễn biến hết sức phức tạp.

Tại cuộc họp về an toàn thực phẩm sáng 10-2 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức trực tuyến với các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad - Bộ NN&PTNT) thông tin, trong năm 2016, kết quả giám sát diện rộng do các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT thực hiện cho thấy, không còn mẫu thịt lợn nào nhiễm Salbutamol. Tuy nhiên, lại gia tăng tình trạng sử dụng kháng sinh cấm trong chăn nuôi.

Theo Nafiqad, tỷ lệ mẫu thịt vi phạm chất cấm Salbutamol chiếm 0,44% tổng số mẫu đã lấy. Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm 2016, kết quả kiểm tra không phát hiện mẫu thịt nào nhiễm Salbutamol. Tỉ lệ mẫu thịt tồn dư kháng sinh giảm so với 2015 (11/1.345 mẫu thịt); rau, củ, quả  tồn dư thuốc bảo vệ thực vật giảm chỉ còn 4,1% (năm 2015 là  7,76%). 

Cũng trong năm 2016, các cơ quan chức năng đã tăng cường thanh kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 21.364 cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản. Kết quả đã phát hiện, xử lý 1.923 cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Thanh tra Bộ đã phát hiện 15% hóa chất nhập khẩu sử dụng sai mục đích.

Cần kiểm soát chặt nguồn cung cấp kháng sinh cho chăn nuôi. Ảnh minh họa

Tính đến nay, cả nước đã có 50 tỉnh xây dựng thành công 444 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn, truy xuất được nguồn gốc. Riêng tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn. 

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, TP Hà Nội đã xây dựng và duy trì được 60 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm (27 chuỗi có nguồn gốc động vật, 33 chuỗi có nguồn gốc trồng trọt); trong đó có 7 chuỗi rau, thịt với 6 cơ sở và 11 địa điểm bày bán được xác nhận sản phẩm an toàn.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh thanh tra Bộ NN&PTNT cũng cho biết, từ tháng 9 đến tháng 12-2016, tất cả các phòng xét nghiệm trên cả nước cho thấy, không phát hiện mẫu thịt nào có vàng ô và Salbutamol. Nhưng trong quá trình thanh tra lại phát hiện rất nhiều trường hợp sử dụng hóa chất công nghiệp vào sản xuất thức ăn chăn nuôi. 

Mặc dù tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có xu hướng giảm và thậm chí một số chất đã tạm thời được kiểm soát nhưng tình trạng sử dụng kháng sinh cấm trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản hiện diễn biến hết sức phức tạp. Tỷ lệ mẫu thủy sản nuôi vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép lên tới 3,68%. 

Theo ông Việt, có tình trạng này là do nguồn cung kháng sinh cho chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản hiện không kiểm soát được. Các nhà máy được nhập về sử dụng không đúng mục đích, bán cho các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, người chăn nuôi… Kết quả kiểm tra tại 15 công ty nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh lớn (chiếm 70% lượng kháng sinh được nhập) cho thấy, trung bình có 16%-22% số lượng nguyên liệu kháng sinh được các công ty nhập khẩu bán sai đối tượng, sử dụng sai mục đích.

Liên quan đến công tác kiểm soát rau quả nhập khẩu, trong năm 2016, cả nước đã phát hiện 3/67 mẫu rau củ có hàm lượng Aflatoxin (độc tố vi nấm, tác nhân gây ung thư) vượt mức cho phép. Đại diện tỉnh Lâm Đồng, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị, cần siết chặt rau củ nhập ngoại, đặc biệt là rau quả từ Trung Quốc. 

Ông Phạm S cho biết, cơ quan chức năng tại Lâm Đồng kiểm tra các mẫu rau, củ có nguồn gốc từ Trung Quốc phát hiện cà rốt có tồn dư dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng. “Khi sản phẩm đã vào nội địa rồi thì việc kiểm soát rất khó khăn, vì vậy tôi đề nghị phải siết chặt từ cửa khẩu. Ngoài ra cũng cần ứng dụng công nghệ trong kiểm tra mẫu cho kết quả nhanh”, ông Phạm S nhấn mạnh. 

Còn theo ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp, về tình trạng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi, cơ quan nào cho phép nhập khẩu thì phải quản lý, hậu kiểm sử dụng, nếu không làm tròn thì phải chịu trách nhiệm. Ông Công cũng đề nghị không thể để tình trạng bộ này cho nhập nhưng bộ khác phải quản lý sử dụng. Như vậy về mặt quản lý Nhà nước không mang lại hiệu quả mà khi phát hiện thì thường đã gây ra hậu quả rồi.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, trong năm 2017, Bộ sẽ tập trung cao điểm thanh kiểm tra tình trạng bơm nước vào lợn và trâu bò, thanh kiểm tra việc thực thi trách nhiệm trong đảm bảo an toàn thực phẩm của các đơn vị thuộc bộ, các Sở NN&PTNT địa phương. “Nếu đơn vị nào làm không tốt sẽ xử lý nghiêm, không để tình trạng “xử lý người đứng đầu nhưng không xử lý được ai”, ông Cường kiên quyết. 

Năm 2017, Bộ NN&PTNT cũng sẽ tập trung kiểm soát vật tư đầu vào, cụ thể là nhóm sản phẩm thuốc trừ sâu và bảo vệ thực vật (vừa qua đã loại khoảng 300 sản phẩm thuốc trừ sâu và sẽ tiếp tục rà soát loại tiếp những sản phẩm không phù hợp).

Cần kiểm soát chặt nguồn cung cấp kháng sinh cho chăn nuôi. Ảnh minh họa
Ngọc Yến
.
.
.