Giá ôtô có thực rẻ sau năm 2018?

Thứ Ba, 21/04/2015, 08:21
Liên quan đến chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam - vốn đang loay hoay chọn đường đi cho mình khi các sức ép hội nhập tới gần, mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có cuộc trao đổi nhanh với báo chí.

PV: Thời điểm Việt Nam phải hạ thuế nhập khẩu ôtô từ các nước ASEAN về 0% trong khuôn khổ các cam kết hội nhập đang đến gần, nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước đang trông đợi chính sách hỗ trợ của Chính phủ để tiếp tục đường hướng phát triển. Xin Thứ trưởng cho biết về những hỗ trợ này?

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh.

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Quy hoạch về chiến lược ôtô mà Thủ tướng phê duyệt đã xác định rõ mục tiêu, yêu cầu cũng như định hướng của chúng ta về công nghiệp ôtô Việt Nam. 

Tất nhiên chúng ta hiểu rằng tình hình bối cảnh quốc tế trong khuôn khổ hội nhập và toàn cầu hoá như hiện nay đang đặt ra những khó khăn thách thức rất lớn, nhưng tôi cho rằng định hướng và mục tiêu của Chính phủ rất rõ ràng. 

Chúng ta đang tiến tới xây dựng một nền tảng cho nền công nghiệp ôtô đảm bảo yêu cầu nội địa hoá, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, của người tiêu dùng, đồng thời cũng phù hợp với các cam kết của hội nhập quốc tế. 

Để thực hiện chiến lược này, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan, các doanh nghiệp và Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam để có thể tiếp tục xây dựng những chính sách, cơ chế cụ thể trong thời gian tới...

PV: Thứ trưởng nghĩ sao về việc các doanh nghiệp sản xuất ôtô trong nước “kêu” rằng quy hoạch lớn đã có, nhưng không có những chính sách hỗ trợ cụ thể cho họ phát triển sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh? Do đó, bao nhiêu năm nay ngành công nghiệp ôtô Việt Nam vẫn phát triển theo hướng gia công, lắp ráp, không nâng cao được tỷ lệ nội địa hoá?

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Khi chúng ta nói về chiến lược và quy hoạch, thì đây là những thông tin mang tính định hướng lớn, còn để quy hoạch thực sự trở thành những hoạt động cụ thể, cần có các văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng và các cơ chế chính sách cụ thể để văn bản được thực hiện. Đây là quá trình Bộ Công Thương đang cùng các bộ, ngành triển khai thực hiện. 

Nói về gia công, chúng ta biết rằng khi một nền công nghiệp chưa có được cơ sở bước đầu quan trọng thì phải qua những bước phát triển cần thiết, kể cả hướng tới gia công để tiếp cận trình độ công nghệ, kỹ năng quản lý, điều kiện về nhân lực để tiếp tục đầu tư phát triển, nâng dần tỷ lệ nội địa hoá, từng bước làm chủ công nghệ, trong đó có công nghiệp ôtô.

PV: Thưa Thứ trưởng, Chiến lược về phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam đến 2025, tầm nhìn 2030 đã được Chính phủ phê duyệt từ tháng 7 năm ngoái, đến nay đã gần 1 năm vẫn chưa có chính sách cụ thể nào được ban hành. Tại sao lại có sự chậm trễ này?

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Chúng tôi đang trong quá trình thực hiện. Tiến trình này đòi hỏi sự thận trọng, trao đổi lấy ý kiến đầy đủ của các bộ ngành, đồng thời đây không chỉ là chính sách quốc gia về công nghiệp ôtô, mà còn liên quan đến các khung khổ lớn của đất nước trong quá trình hội nhập. Vì vậy, đòi hỏi một quy trình làm việc đồng bộ với sự tham gia của các bộ ngành và các thành phần khác.

PV: Thưa Thứ trưởng, liệu sau 2018 khi thuế nhập khẩu ôtô về 0%, người tiêu dùng có thực sự được mua ôtô giá rẻ hay giảm thuế thì tăng phí?

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Chúng ta đã có những nguyên tắc rất rõ trong việc điều hành kinh tế theo nguyên tắc của thị trường và việc ban hành thuế, phí cũng sẽ có luật, nên không có chuyện chúng ta sẽ quản lý bằng biện pháp hành chính. Các chính sách sẽ được ban hành rất đồng bộ theo các quy định chung của luật pháp. Còn việc có thực sự rẻ hay không, rẻ đến đâu phụ thuộc vào các chính sách cụ thể của các bộ, ngành. Tôi không có đủ thẩm quyền để tuyên bố về vấn đề này.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Nam Phương
.
.
.