Giả mạo chứng từ nhập lậu gần 58 tấn sơn móng tay, chân

Thứ Năm, 11/05/2006, 08:07

Vụ việc xảy ra khiến dư luận tại An Giang thật sự bất ngờ vì từ trước đến nay, Công ty Tuấn Anh được biết đến tại ĐBSCL như là một "đại gia" về chế biến, xuất nhập khẩu thủy sản, nay lại "dính" vào một phi vụ buôn lậu nghiêm trọng và loại hàng lậu cũng lại hết sức "tréo ngoe" so với lĩnh vực thủy sản.

Ngày 9/3, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã ra quyết định khởi tố vụ án buôn lậu xảy ra tại Công ty TNHH Tuấn Anh (gọi tắt là Công ty Tuấn Anh) số 99 đường Hùng Vương, phường Mỹ Quý, TP Long Xuyên (An Giang), đồng thời chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án cho Công an tỉnh An Giang điều tra theo thẩm quyền.

Lật lại hồ sơ

Ngày 21/2/2005, Công ty Tuấn Anh (do ông Nguyễn Tuấn Anh làm Tổng Giám đốc) đã đến Chi cục Hải quan cảng Mỹ Thới (An Giang), mở tờ khai số 44/NKD/CMT tiếp nhận lô hàng gồm: 57.850kg sơn công nghiệp, 62.400 vỏ chai, 102.500 nắp chai, cùng 2 máy trộn sơn (1 máy trộn 5HP và 1 máy 10HP) và 6 thùng phi rỗng. Đây là số hàng hóa được Công ty Tuấn Anh ký hợp đồng (qua fax) với Công ty Golden Decree Enterprise (trụ sở đóng tại Đài Loan) vào ngày 1/2/2005. Tổng trị giá hợp đồng này là 21.568 USD, số thuế mà chủ hàng phải nộp là 186 triệu đồng.

Ngày 26/2/2005, tiến hành kiểm tra theo tỉ lệ 10% lô hàng, kiểm hóa viên của Hải quan cảng Mỹ Thới đã phát hiện các chai thủy tinh có hiệu "USA", sai xuất xứ so với tờ khai hàng hóa nhập khẩu và nước sơn không rõ nhãn hiệu. Từ kết quả này, Hải quan cửa khẩu cảng Mỹ Thới đã lập biên bản, tiến hành lấy mẫu nước sơn để gửi đến Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng III tại TP HCM (sau đây xin gọi tắt là Trung tâm III - PV).

Đến ngày 24/3, Trung tâm III có kết quả thẩm định cho biết, thành phần và tên gọi của mẫu nước sơn là vecni có thể chịu nhiệt trên 100 độ C và sơn phủ, nhưng không ghi rõ công dụng của chất này dùng để làm gì. Đối chiếu với lời khai của ông Tống Hoàng Liêm - Phó Giám đốc Công ty Tuấn Anh thì lô hàng được khẳng định là sơn công nghiệp này có 18.577kg nguyên liệu làm sơn móng tay, Hải quan cảng Mỹ Thới không khỏi nghi vấn nên ngày 25/3, đã có văn bản đề nghị Trung tâm III giám định bổ sung.

Ngày 11/4/2005, Trung tâm III đã có thông báo, xác định các mẫu sản phẩm đã giám định "thuộc loại vecni, sơn móng tay, móng chân. Các mẫu này có tên gọi theo biểu thuế 2005 và HS là chế phẩm trang điểm móng tay, móng chân".

Sau khi xác định Công ty Tuấn Anh đã khai gian tên hàng để trốn thuế số tiền 14.476.923.021 đồng, ngày 6/7/2005, ông Đinh Văn Tươi - Cục phó Cục Hải quan An Giang đã ký Quyết định số 10 xử lý hành chính và buộc phạt một lần số thuế gian lận (tổng cộng 28.953.846.042 đồng) đối với Công ty Tuấn Anh. Công ty Tuấn Anh ngay sau đó đã có đơn "kêu oan", gửi đến UBND tỉnh, Tổng cục Hải quan… nên Cục Hải quan An Giang đã hủy quyết định xử phạt hành chính kể trên; đồng thời chuyển toàn bộ hồ sơ "nghi án" đến Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan xem xét lại từ đầu. Và nhiều tình tiết bất ngờ liên quan hành vi buôn lậu của Công ty Tuấn Anh được phanh phui.

Hành vi giả mạo chứng từ để buôn lậu bị lật tẩy

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy: Lô hàng mà Công ty Tuấn Anh nhập khẩu ngày 21/2/2005, được kết luận không phải từ Công ty Golden Decree Enterprise do ông Peter Chang làm Giám đốc "gửi nhầm" mà là do ông Nguyễn John Trung Ngọc - Việt kiều Mỹ, anh họ của Giám đốc Công ty Tuấn Anh. Và chính ông Ngọc là người nhờ Công ty Du lịch Không gian Việt (có trụ sở tại TP HCM) làm thủ tục cho Peter Chang vào Việt Nam gặp và làm việc với Hải quan An Giang để "xin" lại lô hàng trót "gửi nhầm" cho Công ty Tuấn Anh. Tuy nhiên, cho đến hết buổi làm việc với Hải quan An Giang vào ngày 22/6/2005, Peter Chang đã không chứng minh được nguồn gốc lô hàng "sơn công nghiệp" đã "gửi nhầm" cho Công ty Tuấn Anh.

Căn cứ kết quả xác minh thông qua cơ quan Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan cho biết: Ông Nguyễn John Trung Ngọc là Giám đốc Công ty Larosa ở bang California. Đây là một công ty chuyên kinh doanh mặt hàng mỹ phẩm nhưng vào ngày 24/11/2003, đã làm thủ tục xin phá sản và được chính quyền sở tại chấp nhận. Do vậy, sau khoảng thời gian này, Ngọc lấy tên Công ty Larosa ký kết hợp đồng và làm chứng từ xuất hàng là hoàn toàn giả mạo. Cũng với "chiêu này", cuối năm 2004, công ty "dởm" của Ngọc cũng đã làm thủ tục nhập khẩu trót lọt vào cảng Mỹ Thới 9.830kg sơn công nghiệp, có giá trị (qua khai báo) là 3.440 USD bán cho Công ty Tuấn Anh, trốn thuế khoảng 1,7 tỷ đồng.

Trở lại lô hàng "nước sơn công nghiệp" nặng 57.850kg, để đối phó với các cơ quan chức năng, ông Giám đốc và Phó Giám đốc Công ty Tuấn Anh vào các ngày 7/3 và 10/3/2005 đã có thư cùng nội dung (yêu cầu "đối tác" giải thích về hàng chai thủy tinh có chữ "USA" và loại nước sơn dường như không giống nước sơn công nghiệp đặt mua), gửi cho đối tác. Đáp lại các thư này, phía Công ty Golden Decree Enterprise vào ngày 15/3/2005 có thư trả lời hứa "sẽ tiến hành kiểm kho" và đến ngày 22/4/2005, xác nhận hàng hóa trong những container đã được đóng và gửi đi hoàn toàn sai, do giao nhầm và xin nhận lại, xin chịu toàn bộ phí vận chuyển, lưu kho; đồng thời cam kết sẽ chuyển giao hàng hóa đúng như miêu tả trong hợp đồng.

Sau đó, phía "đối tác" còn có thêm 2 thư (đề ngày 12 và 19/5/2005) yêu cầu Công ty Tuấn Anh trả gấp lại hàng hóa trên (kèm theo lời dọa nếu không thì phải chịu trách nhiệm về toàn bộ rủi ro phát sinh và sẽ bị kiện ra VIAC - tức Trung tâm Trọng tài quốc tế) và "Đề nghị khẩn cấp" (đề ngày 25/5/2005) gửi Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhờ sự trợ giúp giải quyết sớm vụ việc. Nhưng có mấy ai biết rằng, tất cả những "tác phẩm" này đều do Giám đốc Công ty Tuấn Anh và Việt kiều Ngọc "đẻ" ra để đối phó các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Kết quả giám định cho thấy: Chữ ký trên hợp đồng cũng như các chứng từ của lô hàng sơn móng tay, móng chân mà Công ty Tuấn Anh mua từ Công ty Larosa trong năm 2004, với chữ ký của Ngọc trên tờ khai xuất nhập cảnh vào Việt Nam ngày 21/2/2005 là một. Cùng với nhiều chứng cứ quan trọng khác, Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan xác định: Giám đốc Công ty Tuấn Anh đã cấu kết với Nguyễn John Trung Ngọc giả mạo chứng từ để nhập 2 lô hàng sơn móng tay, móng chân trị giá trên 1 triệu USD vào Việt Nam, trốn thuế trên 16 tỷ đồng.

Sáng 10/5, một lãnh đạo của VKSND tỉnh An Giang cho biết: Sau khi tiếp nhận hồ sơ vụ án từ Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan chuyển đến, cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh An Giang cũng đang khẩn trương điều tra, làm rõ hành vi buôn lậu của Giám đốc Công ty Tuấn Anh và đồng bọn. Các cơ quan tiến hành tố tụng tại tỉnh An Giang cũng sẽ làm rõ chi tiết: Vì sao Trung tâm III lại có kết quả giám định mập mờ. Và chính từ kết quả mập mờ này mà VKSND tỉnh An Giang vào ngày 10/6/2005 đã có văn bản "từ chối" truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Giám đốc Công ty Tuấn Anh.

Theo chúng tôi, cơ quan điều tra cũng cần làm rõ trách nhiệm của những nhân viên kiểm hóa vì sao dễ dàng cho thông quan lô hàng thứ nhất (là 9.830kg nước sơn) mà Công ty Tuấn Anh kê khai, tiếp nhận ngày 3/12/2004 tại cảng Mỹ Thới

Nhóm PV&CTV ĐBSCL
.
.
.