Giá lúa tăng mạnh, nông dân ĐBSCL phấn khởi

Thứ Bảy, 18/02/2017, 09:13
Hiện các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang vào đợt thu hoạch chính vụ lúa Đông Xuân. Mặc dù năng suất lúa có phần giảm nhưng đổi lại giá lúa vào thời điểm này tăng mạnh, nhà nông phấn khởi.


Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), vụ Đông Xuân 2016-2017 toàn vùng ĐBSCL xuống giống ước khoảng 1,53 triệu hécta, tính đến nay đã thu hoạch khoảng 300.000ha, với năng suất trung bình đạt 5,9 tấn/ha. 

Ghi nhận tại nhiều cánh đồng lúa thuộc các tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long, TP Cần Thơ, bà con nông dân đang tất bật thu hoạch lúa Đông Xuân. Mặc dù, vụ mùa năm nay, năng suất có phần sụt giảm do những cơn mưa trái vụ làm lúa sập và dịch bệnh, tuy nhiên trong những ngày gần đây giá lúa liên tục tăng cao. 

Bà con nông dân vùng ĐBSCL đang vào đợt thu hoạch chính của vụ lúa Đông Xuân.

Theo đó, giá lúa tươi IR50404 được thương lái thu mua giá từ 4.400 - 4.450đ/kg, OM5451 từ 5.200 - 5.300đ/kg; lúa Jasmine 85 có giá 5.300 - 5.400đ/kg. Riêng giá lúa OM4900 tăng khá cao lên đến 5.300 - 5.400đ/kg... Tại Cần Thơ và Hậu Giang, giá lúa trước Tết Nguyên đán chỉ trung bình từ 4.000đ/kg, nhưng sau đó giá lúa đã có chiều hướng tăng dần cho đến nay. 

Ông Tuấn Khanh (ngụ huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) cho biết: “Gia đình tôi vừa thu hoạch xong 1,5ha lúa. Vụ lúa này gia đình làm đạt năng suất 1,1 tấn/công (1.000m2), thấp hơn so với năm ngoái. Nhưng đổi lại giá lúa cao, lại hút hàng nên vừa thu hoạch xong đã có thương lái đến thu mua. Vụ này gia đình tôi thu lãi trên 15 triệu đồng”. 

Theo một số bà con nông dân tỉnh Vĩnh Long, năm trước giá các giống lúa được trồng phổ biến tại địa phương như: OM5451, OM4900, OM7347 chỉ có giá trung bình khoảng 4.700đ/kg, hiện giờ giá lúa tăng lên 5.500đ/kg. 

Ông Nguyễn Văn Hùng (xã Tân Phú, Tam Bình, Vĩnh Long) vui mừng cho biết: “Năng suất lúa giảm khoảng 20% do yếu tố thời tiết, cũng như dịch bệnh. Nhưng những ngày qua giá lúa tăng lên nên tôi lãi hơn 2,5 triệu đồng/công, cao hơn 20% so với vụ Đông Xuân năm trước”.

Giá lúa liên tục tăng cao, tuy nhiên một số hộ dân lại tiếc hùi hụi vì đã nhận tiền cọc của thương lái với mức giá rẻ hơn hiện tại.

Đang thu hoạch hơn 3 công lúa MO5451 của gia đình để giao cho thương lái nhưng ông Phạm Văn Sáu (ấp Phú Hòa Yên, xã Song Phú, huyện Tam Bình, Vĩnh Long) tỏ ra hối tiếc: “Thấy giá lúa năm trước chỉ có 92.000đ/giạ nên năm nay khi lúa vừa trổ đồng đã có thương lái bỏ cọc với giá 98.000đ/giạ, thấy được nên tôi đã lấy cọc. Nay giá lúa tăng đến 108.000đ/giạ. Tính ra, tôi mất khoảng 1.000đ/kg”. 

AnhLê Quốc Trung (ở xã Long Phú, huyện Tam Bình) chia sẻ: “Năm nay gia đình tôi sản xuất lúa vụ Đông Xuân trên 4ha đất. Thấy giá lúa trước Tết thấp nên khi thương lái bỏ cọc giá 5.100đ/kg (cao hơn 400đ/kg so với cùng kỳ năm trước), tôi đã nhận lời. 

Ước tính với sản lượng khoảng 34 tấn lúa, gia đình tôi mất khoảng 16 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi trừ chi phí, vẫn còn lời khoảng 100 triệu đồng, cao hơn 30 triệu đồng so với vụ Đông Xuân trước”. 

Cũng theo anh Trung, nếu như gia đình anh “bẻ kèo” bán lúa cho thương lái khác với mức giá hiện tại và chấp nhận “thường cọc” 200.000đ/công thì vẫn thu khoản lợi nhuận cao hơn. “Tuy nhiên, bà con nông dân mình phải giữ chữ tín. Giá lúa giảm thương lái có thể bỏ mình, nhưng giá lúa tăng mình vẫn bán bằng giá đã nhận cọc”, anh Trung quả quyết.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Đồng Tháp cho biết: Năm nay năng suất lúa trên địa bàn đạt trung bình từ 5,8-5,9 tấn/ha, đối với những địa phương có diện tích thu hoạch Đông Xuân sớm trước Tết năng suất giảm, chỉ đạt từ 5,6-5,7 tấn/ha. 

Sau Tết, giá lúa có tăng thêm 200-400đ/kg. Vấn đề năng suất giảm là một trong những yếu tố khiến giá lúa gạo gia tăng hiện nay. Ngoài ra, việc thu gom hàng để kịp giao hơn 200.000 tấn cho thương nhân Philippines cũng góp phần giúp giá nội địa tăng lên.

Trần Lĩnh
.
.
.