Bô xít Lâm Đồng lãi 50 tỷ sau 3 năm liên tục thua lỗ

Thứ Hai, 19/06/2017, 11:30
Sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Than, Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có bước tiến bộ rất lớn so với các năm trước đây. Đặc biệt, dự án sản xuất alumin tại Lâm Đồng đã có lãi 50 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2017, sau 3 năm liền bị lỗ.


Sáng 19-6, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ dẫn đầu đã có buổi làm việc tại Tập đoàn Than, Khoáng sản Việt Nam (TKV). TKV đang chịu sức ép của tồn kho 9 triệu tấn than, trong khi giá thành khai thác một số chủng loại than của tập đoàn này đang cao hơn khoảng 25% so với giá than nhập khẩu.

Theo Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm, TKV đã sản xuất 18,3 triệu tấn than, đạt 54% kế hoạch năm, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2016. Lượng than tiêu thụ là 18,03 triệu tấn, đạt 50% kế hoạch năm và tăng 2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lượng tồn kho than thương phẩm lên tới 9,3 triệu tấn.

Doanh thu toàn Tập đoàn ước khoảng 53.300 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Nộp ngân sách Nhà nước 6.300 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 1.000 tỷ đồng. Dự kiến cả năm, lợi nhuận của Tập đoàn đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, tăng 1.000 tỷ đồng so với năm 2016.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá: Những kết quả về sản xuất, doanh thu, nộp ngân sách, lợi nhuận trong những tháng đầu năm là rất đáng mừng. Mặt khác, theo báo cáo của Bộ Tài chính, thì hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn đã có bước tiến bộ rất lớn so với các năm trước đây. Đặc biệt đáng chú ý là thông tin dự án sản xuất alumin tại Lâm Đồng đã có lãi 50 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2017, sau 3 năm liền bị lỗ.

Cũng tại buổi kiểm tra, Tổ trưởng Tổ công tác đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu TKV cần quan tâm 5 nội dung liên quan mật thiết đến hoạt động của TKV và mục tiêu tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Thứ nhất, Thủ tướng yêu cầu TKV quan tâm xử lý giải quyết sản phẩm tồn đọng. Trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu - khoáng sản tăng trưởng cao nhất trong các nhóm hàng, trong đó riêng than đá tháng 5 xuất khẩu tới 877.000 tấn, tăng 150% so với cùng kỳ, một kỷ lục từ 2010 tới nay. 

Tồn kho đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động của TKV

Nhấn mạnh tồn kho “là trở ngại lớn nhất cho tăng trưởng và hiệu quả kinh doanh của TKV”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn nghiên cứu các giải pháp, đề xuất các cơ chế, chính sách để góp phần giảm giá thành sản phẩm than để có thể cạnh tranh với than nhập khẩu, giảm tồn kho. Hiện nay, TKV đang tồn kho khoảng 9 triệu tấn, mặc dù đã giảm mạnh so với mức 12 triệu tấn cuối năm 2016, nhưng vẫn là mức tồn kho rất cao.

Vấn đề thứ hai, Thủ tướng yêu cầu TKV đẩy nhanh tiến độ phát huy hiệu quả các dự án đầu tư, rà soát các dự án, đốc thúc các dự án chậm tiến độ vì điều này ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả đầu tư. Với các dự án phải dừng thì phải bảo đảm không thất thoát vốn.

Vấn đề thứ ba, TKV được lãnh đạo Chính phủ yêu cầu tiếp tục giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Hiện, giá than 4B nhập khẩu chỉ khoảng 1,5-1,6 triệu đồng/tấn, nhưng giá than của Việt Nam lên khoảng 2 triệu đồng/tấn.

“Nếu ta không xử lý tốt thì sẽ bị áp lực cạnh tranh rất lớn với than nhập khẩu, đòi hỏi TKV phải nỗ lực hơn nữa trong tái cấu trúc, đổi mới quản trị, hạ giá thành. Kinh tế thị trường nhưng cũng phải bảo đảm ổn định sản xuất trong nước”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng dẫn ý kiến Thủ tướng cho biết: Việc giảm chi phí sản xuất, giảm giá than là sức ép rất lớn với TKV do lượng lao động lên tới 110.000 người, nếu không đưa công nghệ tiên tiến, đổi mới quản trị, phân cấp chứ không thể giao chỉ tiêu pháp lệnh như thời bao cấp. Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng để phát triển bền vững, lâu dài.

Vấn đề thứ tư, Thủ tướng yêu cầu TKV chủ động làm việc với các cấp chính quyền địa phương để xử lý các điểm khai thác than trái phép, chống than lậu.

Cuối cùng, Thủ tướng rất quan tâm tới tái cơ cấu TKV. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu quan điểm của Thủ tướng là “Không đánh giá tăng trưởng thông qua sản lượng khai thác. Sản lượng tăng nhưng phải hiệu quả, cần quan tâm tới tới chế biến sâu”. 


Vũ Hân
.
.
.