Gánh nặng thuế, phí vẫn tiếp tục "đè" xăng dầu

Thứ Tư, 23/12/2015, 08:01
Đã từ lâu, cơ cấu thuế, phí trong giá xăng dầu luôn là vấn đề được dư luận đặt ra dấu hỏi. Hiện thuế, phí của Việt Nam chiếm khoảng 51% giá xăng dầu trong nước, cộng với chi phí quỹ bình ổn khiến giá xăng dầu bán ra trong nước không phản ánh mức giá thực của mặt hàng này.

Việc giá dầu thô liên tiếp giảm sâu xuống mức thấp nhất trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây, nhưng giá xăng dầu trong nước không “giảm tương ứng” một lần nữa lại khiến dư luận băn khoăn. Với việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo lộ trình cam kết với ASEAN, thuế đã giảm khá mạnh, từ 35% xuống 20% đối với xăng; diesel, dầu hỏa, madut, xăng Jet A1 cũng ở quanh mức trên dưới 10%, phần nào làm giảm gánh nặng giá. Tuy nhiên, việc tăng phí môi trường lên 3.000 đồng/lít đối với xăng, áp dụng ngay khi giảm thuế nhập khẩu khiến mức tăng phí còn cao hơn mức giảm thuế. 

Theo ông Phan Thế Ruệ, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, hiện thuế phí chiếm khoảng 51% giá xăng dầu. Tuy nhiên, ông Phan Thế Ruệ khẳng định, không quốc gia nào giữ thuế, phí xăng dầu thấp, trừ những quốc gia xuất khẩu 100% xăng dầu như Venezuela, Nga hay các nước OPEC. 

“Đối với nước nhập khẩu, thuế, phí là một nguồn thu ngân sách quan trọng, không thể nói giảm là giảm ngay được. Nếu tính đủ cả xăng dầu, dịch vụ, dầu thô… chiếm đến 15-17% ngân sách, nếu giảm, không biết lấy nguồn nào bù vào. Mức thuế, phí ở Lào, Campuchia đang ở mức 57%, Trung Quốc thấp hơn, khoảng 48%. Việt Nam đang thu ở mức trung bình so với thế giới”. 

Bày tỏ quan điểm ủng hộ mức thu tuyệt đối đối với phí môi trường, nhưng Hiệp hội Xăng dầu cho rằng nên giảm phí xuống 2.000 đồng/lít, để tạo khả năng cạnh tranh của E5 so với xăng khoáng truyền thống. Mặt khác, bản thân E5 cũng là một loại xăng thân thiện với môi trường nên thu phí tương đương có phần không hợp lý.

Hiệp hội Xăng dầu kiến nghị nên bỏ Quỹ bình ổn giá. 

Ông Phan Thế Ruệ nhận định, thuế, phí đối với xăng dầu chắc chắn sẽ giảm, bởi áp lực cắt giảm thuế theo cam kết và việc Quốc hội xây dựng luật về phí và lệ phí, quy định Bộ Tài chính không được đặt ra các loại phí mà phải đưa hết vào luật. Tuy nhiên, tương lai này sẽ không xảy ra sớm, mà phải vào khoảng năm 2020. 

Trước mắt, bắt đầu từ ngày 1-1-2016, thuế của dầu diesel, dầu hỏa, madut và xăng máy bay Jet A1 sẽ về 0%. Giá các mặt hàng này trên thị trường Việt Nam chắc chắn sẽ giảm vào đợt điều hành tới. Với các mặt hàng khác, lộ trình cuối cùng sẽ là năm 2024, thị trường xăng dầu Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn. Lúc đó sẽ không còn là Nhà nước điều hành xăng dầu nữa, giá cũng không do các đầu mối điều chỉnh mà sẽ do các cửa hàng bán lẻ quyết định. 

Từ nay đến lúc đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Bộ Tài chính phải có tính toán lộ trình thuế phù hợp để tránh “sốc” cho cả ngân sách và thị trường.

Trở lại vấn đề cơ chế điều hành xăng dầu theo Nghị định 83, dù vận hành khá “trơn tru” trong năm nay, các chuyên gia vẫn cho rằng, chủ yếu do giá xăng dầu giảm liên tục nên cơ quan quản lý Nhà nước điều hành đỡ lúng túng, người dân đỡ bức xúc và doanh nghiệp cũng đỡ “kêu” khổ. 

Tuy nhiên, khi giá xăng dầu tăng trở lại thì Nghị định 83 cũng vẫn sẽ gặp những vấn đề tương tự như Nghị định trước. 

Thứ nhất, chu kỳ 15 ngày khiến giá trong nước không phản ánh đúng giá thế giới, vẫn tiếp tục tình trạng tăng giảm lệch pha và tình trạng bị dồn ép giá. 

Mặt khác, việc tồn tại Quỹ bình ổn xăng dầu cũng lại khiến giá xăng dầu bị “bóp méo” so với giá thực. Đáng lý ra được mua xăng dầu ở mức này thì người dân lại phải rút túi thêm 300 đồng, chi phí đó cũng cộng dồn vào các hàng hoá khác, khiến các hàng hoá đó cũng không phản ánh đúng giá thị trường. Đây là một lựa chọn theo nhiều chuyên gia là không hợp lý. Hiệp hội Xăng dầu đã kiến nghị nên bỏ quỹ này, tiến thêm một bước để dần dần giảm bớt quy định hành chính, để giá xăng dầu “hội nhập” tự nhiên với giá thế giới.

Nam Phương
.
.
.