Gà thải từ nước ngoài tràn lan khắp các chợ

Thứ Tư, 18/07/2012, 10:25
Trong khi nguồn gia cầm trong nước sản xuất còn đang trong tình trạng ế ẩm, từ bên kia biên giới, gia cầm nhập lậu ùn ùn khắp mọi ngóc ngách tràn về các tỉnh miền Bắc và được các thương lái buôn bán tấp nập bởi gà thải từ Trung Quốc có giá siêu rẻ...

Trong lúc người chăn nuôi đang lao đao vì giá gia cầm sụt giảm nghiêm trọng, giá thu mua tại trang trại chỉ 27.000 – 28.000 đồng/kg gà ta, tại các chợ đầu mối, đặc biệt là tại chợ gia cầm Hà Vỹ (Thường Tín, Hà Nội), tình trạng xe ôtô chở hàng tấn gà thải loại của Trung Quốc vẫn ngày ngày ùn ùn kéo về. Không chỉ kéo giá gia cầm nội tụt xuống thảm hại, gà lậu và gà thải còn ẩn chứa nhiều nguy cơ nhiễm các bệnh dịch bởi phần lớn, chúng được nhập lậu từ biên giới và không qua kiểm dịch.

Khó phân biệt gà thải và gà ta

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), tăng trưởng đàn trong 6 tháng đầu năm đã lên tới gần 6% so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng thịt gia cầm đạt gần 430.000 tấn, tăng hơn 13%. Trên thị trường, giá gà trong tháng 6 và những ngày đầu tháng 7 chỉ ở mức 25.000 đồng/kg gà lông. Trong khi nguồn gia cầm trong nước sản xuất còn đang trong tình trạng ế ẩm, từ bên kia biên giới, gia cầm nhập lậu ùn ùn từ mọi ngóc ngách tràn về các tỉnh miền Bắc và được các thương lái buôn bán tấp nập bởi gà thải có giá siêu rẻ.

Chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã bắt giữ 17 tấn gà lậu. Phần lớn các chủ xe sau khi bị lập biên bản đều khai, số gà lậu đang trên đường vận chuyển về chợ gia cầm Hà Vỹ (Thường Tín) và từ đó, tỏa đi các chợ bán lẻ trên địa bàn TP. Trao đổi với báo chí, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Cấn Xuân Bình thừa nhận, có hiện tượng gà thải từ Trung Quốc ồ ạt nhập lậu và được tiêu thụ nhiều ở Hà Nội.

Lực lượng thú y trên địa bàn TP đã bắt và tiêu hủy trên 80 tấn gà lậu có xuất xứ từ Trung Quốc. Trong đó, chiếm khoảng 30 tấn trên đường vận chuyển về chợ Hà Vỹ, chợ đầu mối cung ứng gia cầm lớn nhất Thủ đô. Gà thải (nhiều nơi gọi là gà mía) có giá rẻ chỉ bằng một nửa giá gà được nuôi trong nước, gà sống chỉ ở mức 15.000-16.000 đồng/kg nên rất nhiều nhà hàng, khách sạn và chủ các quán ăn lựa chọn để chế biến và bán với giá gà ta.

Gà thải loại bán kèm với gà ta, chuyên gia cũng không phân biệt được.

Có một thực tế đáng lo ngại là rất khó phân biệt gà thải nhập lậu từ Trung Quốc và gà ta. Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, gà thải thực chất là gà công nghiệp đã đẻ nhiều lứa, gà già, bị loại ra khỏi trang trại chăn nuôi. Ở Việt Nam, người chăn nuôi cũng nuôi các giống gà Lương Phượng, Tam Hoàng nhập từ Trung Quốc về nên nếu chỉ nhìn bên ngoài, rất khó phân biệt được đâu là gà thải loại, đâu là gà ta.

Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cũng khẳng định, chỉ có thể xác định được nguồn gốc đâu là gà thải khi lực lượng chức năng bắt được gà chở lậu trên đường, còn đã về đến chợ Hà Vỹ thì không thể xác định được đâu là gà ta, đâu là thải loại bởi chúng giống hệt nhau. Chính vì thế, dù biết có tình trạng bán gà thải loại tràn lan tại các chợ, nhưng để có con số chính xác phần trăm tiêu thụ loại gà này thì chính các cơ quan chức năng cũng không thể đưa ra con số.

Nguy cơ lan truyền dịch bệnh và phá sản chăn nuôi gia cầm trong nước

Theo ông Vang, gia cầm nhập lậu với mức giá siêu rẻ có thể làm ngành chăn nuôi gia cầm trong nước phá sản bởi người nông dân nếu muốn bán được gà từ trang trại, hiện đang phải chịu lỗ từ 6.000-7.000 đồng/kg. Cạnh tranh không lại với gà lậu, nguy cơ phải bỏ chuồng đang hiện hữu trước mắt nhiều người chăn nuôi. Còn theo ông Hoàng Văn Năm, quyền Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT): “Gia cầm thải loại của Trung Quốc nhập lậu, đưa sâu vào nội địa Việt Nam là cực kỳ nguy hiểm. Nếu không kiểm soát chặt, nguy cơ bùng phát, lây lan dịch bệnh rất cao và nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng”.

Nhận định của Bộ NN&PTNT về thực trạng gà thải loại đang chèn ép gà trong nước là điều bất thường. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần cho biết, khi Trung Quốc tạm dừng nhập gia súc, gia cầm của Việt Nam, thì một con lợn của mình cũng không chui qua được biên giới.

“Trong khi ngược lại, chúng ta đã ra sức cấm, ra sức xiết chặt, huy động các lực lượng, địa phương vào cuộc mà gà Trung Quốc siêu rẻ vẫn tràn vào Việt Nam, do giá gà Trung Quốc rẻ chỉ bằng hơn nửa giá gà trong nước. Hiện người chăn nuôi lao đao bởi đầu tư tiền mua gà, vịt giống giá cao, thức ăn chăn nuôi liên tục tăng giá, song đến khi xuất chuồng, gà vịt khó bán, giá lại thấp khiến họ chịu lỗ quá nhiều”, ông Tần bức xúc.

Ngăn chặn gà lậu không chỉ lấy lại công bằng cho người chăn nuôi trong nước mà còn là hành động thiết thực bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, cũng như dẹp đi nỗi lo bùng phát dịch bệnh. Trách nhiệm này thuộc về các cơ quan chức năng như Hải quan, Quản lý thị trường, Thú y. Tuy nhiên, rõ ràng, cả 3 cơ quan chức năng trên đều chưa làm tốt nhiệm vụ của mình, thậm chí vẫn bất lực trước tình trạng gà lậu tràn vào các địa phương.

Theo các tiểu thương kinh doanh gia cầm tại các chợ bán lẻ, phân biệt là gà thải, gà ta dựa vào đặc điểm, sau khi giết mổ, da của gà thải có màu trắng nhợt, hoặc tái trong khi da gà ta thường có màu hơi vàng, tươi. Thịt gà thải khi sờ vào thường gầy, thịt săn hơn gà ta. Khi luộc hoặc sơ chế, thịt gà thải không thơm, dai và không ngọt thịt, thậm chí, nhiều con gà thải sau khi luộc vẫn còn thoang thoảng mùi thuốc kháng sinh.

Chi Linh
.
.
.