EVN tăng giá thuê cột điện, DN dịch vụ viễn thông lúng túng

Thứ Năm, 15/10/2009, 10:45
Ngay sau khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chính thức công bố giá thuê cột điện mới, tăng từ 4-8 lần so với giá thuê cũ, các doanh nghiệp (DN) viễn thông đã đồng loạt gửi công văn đề nghị EVN xem xét lại giá thuê mới này trên cơ sở tính toán hợp lý. Tuy nhiên, đã hơn 7 tháng trôi qua, EVN và các DN viễn thông vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Và hậu quả là, các DN viễn thông đang gặp khó khăn trong việc phát triển thuê bao mới.  Điều này cũng đồng nghĩa với việc, người dân có nhu cầu khó có thể tiếp cận được dịch vụ lắp đặt Internet và điện thoại cố định.

Doanh nghiệp gặp khó, người dân không tiếp cận được dịch vụ

Gần 2 tháng nay, chị Hoàng Thị Nga, nhà số 2, ngách 64/40, Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng (Hà Nội) không thể lắp được mạng Internet mới. Gọi điện đến các công ty viễn thông, chị đều nhận được những lời xin thông cảm với lý do giá thuê cột điện của EVN tăng lên từ 4-8 lần nên DN không thể bù đắp được chi phí để lắp đặt cho gia đình chị.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, ngay sau khi EVN áp dụng giá thuê cột điện mới, không chỉ gia đình chị Nga mà rất nhiều hộ dân khác, đặc biệt là các gia đình ở trong các ngõ, xóm tại nhiều quận nội thành đã không thể tiếp cận được với loại dịch vụ này khi có nhu cầu lắp mới.

Đường phố sẽ rối rắm hơn khi tồn tại song song hai loại cột treo cáp điện và cột treo cáp viễn thông.

Còn đối với các gia đình đã ký hợp đồng lặp đặt mới với các DN viễn thông thì lại rơi vào tình trạng phải chờ đợi dài cổ suốt cả mấy tháng trời chỉ vì phía EVN không cho treo cáp hoặc gây khó dễ trong việc treo cáp.

Trao đổi với phóng viên báo CAND, đại diện của Viễn thông Hà Nội cho biết: Công ty Viễn thông Hà Nội hiện đang thuê khoảng 77.000 cột điện của EVN để treo cáp thông tin trên địa bàn Hà Nội. Theo mức giá thuê cột cũ, mỗi năm công ty mất 4,3 tỷ đồng nhưng với mức giá mới, con số này tăng lên khoảng hơn 20 tỷ đồng.

Việc Tập đoàn Điện lực (EVN) đột ngột tăng giá thuê cột cao gấp từ 4-8 lần so với giá hiện tại đã khiến cho Viễn thông Hà Nội gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc phát triển các thuê bao điện thoại cố định và Internet mới tại các khu vực ngoại thành, nơi số lượng thuê bao còn thưa thớt.

Tại các quận nội thành, để đảm bảo quyền lợi của khách hàng và giữ uy tín của DN, công ty đã chấp nhận mức giá thuê cột mà EVN đưa ra nhưng vẫn bị gây khó dễ về mặt thủ tục. Thậm chí, tại nhiều khu vực, EVN còn không cho treo cáp... Các DN viễn thông khác như FPT Telecom, Công ty Viễn thông Viettel, Viễn thông Sài Gòn… cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Ông Nguyễn Thăng Long, Phó Giám đốc Công ty Viễn thông Viettel cho biết: Gần 7 tháng nay, Viettel rất khó phát triển được khách hàng ở các khu vực có nhiều hộ dân theo kiểu ngõ, xóm mà cần phải thuê cột của EVN. Trước tình thế đó, Viettel một mặt, phải chuyển hướng phát triển thuê bao mới sang các khu đô thị lớn. Mặt khác, lên kế hoạch xây dựng hệ thống cột riêng tại các tỉnh, thành.

Bộ chủ quản cần sớm phát huy trách nhiệm và vai trò quản lý

Trước quyết định tăng giá đột ngột của EVN, nhiều chuyên gia cho rằng: Nếu hai bên vẫn không thỏa thuận được một mức giá hợp lý, nhiều khả năng các DN viễn thông sẽ liên minh lại với nhau để xây dựng một hệ thống cột riêng. Và lúc đó, trên các đường phố sẽ có hai hệ thống cột song song tồn tại, một treo cáp điện và một treo cáp thông tin, vừa mất mỹ quan đô thị, vừa lãng phí.

Đó là chưa nói đến chuyện, quyền lợi của người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng khi phải gánh chi phí đầu tư này vào giá thành. Điều này đang đi ngược lại với chủ trương của Nhà nước là các DN nên dùng chung hạ tầng để tiết kiệm chi phí, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay.

Theo ông Bùi Quốc Việt, người phát ngôn của Tập đoàn VNPT, gần đây, VNPT đã chủ động đầu tư nhiều cho hệ thống đường cột riêng của mình, vì một số lý do, có một số nơi không xây được nên VNPT đã đàm phán để thuê cột của EVN.

Thiết nghĩ, việc EVN và các DN viễn thông chưa thể tìm được tiếng nói chung, có một phần trách nhiệm của các bộ chủ quản. Lãnh đạo Bộ Công Thương và Bộ Thông tin & Truyền thông cần thể hiện trách nhiệm và phát huy vai trò quản lý nhà nước của mình, phải đứng ra làm trung gian, tổ chức đối thoại, giúp các bên ngồi lại với nhau để tính toán và đưa ra một lộ trình tăng giá hợp lý; tạo điều kiện để DN bình đẳng, phát triển và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Và về lâu dài, cần tính đến việc ngầm hóa các loại đường dây để đảm bảo mỹ quan đô thị

Hoàng Mai
.
.
.