EU bất công với hàng giày da Việt Nam – Trung Quốc

Thứ Năm, 06/04/2006, 13:30

Bắt đầu từ ngày mai (7/4/2006) mức thuế chống phá giá tạm thời mà Liên minh châu Âu (EU) áp đặt cho hàng giày da Việt Nam và Trung Quốc sẽ có hiệu lực. Mức thuế ban đầu cho Trung Quốc là 4,8% và tiếp tục nâng lên 19,4%; và cho Việt Nam là 4,2% rồi tiếp tục nâng lên 16,8%.

Mức thuế tạm thời (xem như đòn đầu tiên) sẽ được thay bằng thuế chống phá giá chính thức (thường kéo dài 5 năm), nếu các thành viên EU xác quyết rằng ngành giày da Việt Nam và Trung Quốc bán phá giá.

Nguyên tắc của đòn trừng phạt chống phá giá là xử một bên chơi không đẹp. “Chơi không đẹp” ở đây hàm nghĩa ngành công nghiệp đó được “mớm sữa” từ nhà nước, tức không đáp ứng yêu cầu luật chơi trong nền kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, như lời ông Nguyễn Gia Thảo – Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam (Vietnam Leather and Footwear Association - LEFASO) – khoảng 100.000 công nhân Việt Nam tạm thời bị mất việc trước quyết định của EU. Chỉ riêng chi tiết trên đã cho thấy công nghiệp giày da Việt Nam thật ra chẳng được ai nuôi mà phải tự thân vận động.

Trong thực tế, quy kết phá giá EU nhằm vào Việt Nam và Trung Quốc chỉ bắt đầu khi hàng giày da từ Trung Quốc - Việt Nam thâm nhập thành công thị trường EU. Từ năm 2001 đến 2005, nhập khẩu giày, Trung Quốc vào EU tăng hơn 1.000% và từ Việt Nam tăng 95% (năm 2005, hàng giày da Trung Quốc tăng đột biến lên 450% so với 2004 trong khi nhập khẩu giày da Việt Nam thật ra giảm 1% trong năm 2005).

EU cho rằng việc hàng giày da Việt Nam - Trung Quốc tấn công ào ạt vào thị trường họ là bởi hành vi phá giá. Cụ thể, các công ty giày Việt Nam - Trung Quốc được chính phủ tài trợ bằng chính sách giảm thuế và nhờ giá thuê đất rẻ...

EU cho biết hàng giày Việt Nam - Trung Quốc đã đánh gục công nghiệp giày của họ, khiến sản xuất giày EU giảm 30% và 40.000 công nhân mất việc. Trong thực tế, theo tác giả Duncan Freeman viết trên Asia Times (30/3/2006), các nhà sản xuất giày EU đã chuyển phân xưởng ra nước ngoài (hầu hết đến châu Á).

Tháng 7/2005, Hội đồng châu Âu (EC) từng kết luận sản phẩm xe đạp Việt Nam nhập vào thị trường EU cũng bán phá giá và cuối cùng họ áp mức thuế nhập khẩu 34,5%. Trong vụ giày da này, EU cho rằng Việt Nam không theo nền kinh tế thị trường nên họ đã lấy Brazil làm nước thứ ba đối chiếu. So với sản phẩm Brazil cùng chất lượng, sản phẩm Việt Nam rẻ hơn 23% và như vậy đích thị Việt Nam bán phá giá.

Tuy nhiên, việc so ngành công nghiệp da giày Việt Nam với Brazil có phần khập khiễng, bởi chi phí nhân công cũng như nguyên liệu Việt Nam thấp hơn Brazil – như phân tích của LEFASO. Thu nhập bình quân đầu người Brazil khoảng 2.700 USD so với 400 USD tại Việt Nam là yếu tố nữa cho thấy hai nền kinh tế này không thể tương đồng và do đó không thể làm quy chiếu cho nhau.

Thật ra,  vấn đề ở chỗ công nghiệp giày da EU đã mất tính cạnh tranh so với công nghiệp giày da Việt Nam - Trung Quốc. Xuất khẩu giày EU liên tục giảm vài năm gần đây. Năm 1998, EU xuất khẩu 234,2 triệu đôi giày; năm 2004, họ xuất khẩu 166,7 triệu đôi giày. Con số chính thức từ công nghiệp giày EU cho thấy xuất khẩu của họ từ năm 2002-2004 giảm 22% sang Mỹ; giảm 31% sang Canada; và giảm 15% sang Nhật. Tổng quát, xuất khẩu giày EU ra thị trường thế giới giảm 14% trong cùng thời gian. Vài con số thống kê trên cho thấy giày EU thật ra mất dần tính cạnh tranh và chịu lép vế ngay trên thị trường nội địa cũng như nước ngoài.

Vụ giày hiện tại cũng như vụ cá basa Việt Nam bị đánh thuế chống phá giá tại Mỹ cho thấy vấn đề chơi công bằng và luật bảo hộ có một ranh giới rất không rõ ràng. Muốn “hét” thế nào cũng được. Mà sự thiệt thòi thường rơi vào các nước nghèo. Trong vài trường hợp, tính chất vụ việc trở nên phức tạp hơn khi hàng rào thuế được bổ sung bằng quota.

Cách đây vài năm, EU tuyên bố cho nhập 650.000 m3 gỗ dán được miễn thuế vào thị trường mình với điều kiện anh nào nhanh chân trước thì được hưởng (first-come, first-served). Do khác biệt mùa giữa Bắc bán cầu và Nam bán cầu (ảnh hưởng việc khai thác gỗ dán) và tất cả hợp đồng phải nộp EU duyệt vào tháng 5 nên cuối cùng chỉ có Brazil là đến trước tiên. Đến chậm nên bị “khứa” 10% thuế, giới xuất khẩu gỗ dán Mỹ bất bình cho rằng chế độ quota này là “tội phạm”. Tuy nhiên, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chưa có luật cụ thể về “vụ án” tương tự nên công nghiệp gỗ Mỹ không thể kiện tụng!

Với Trung Quốc, đây không là lần đầu tiên EU làm khó dễ và hai bên cũng từng nhiều lần “nắn gân” nhau. Từ ngày 16/3/2002, EU cấm nhập mật ong và nhiều mặt hàng thực phẩm Trung Quốc. Trước đó, ngày 13/3/2002, Trung Quốc tuyên bố ngưng nhập các loại mỹ phẩm chứa nguyên liệu lấy từ não, tế bào thần kinh, ruột, nhau, máu động vật..., từ 18 quốc gia trong đó có 13 thành viên thuộc EU. Mọi quyết định trả đũa nhau trong các vụ tranh chấp thương mại, thiệt thòi nhất còn là các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Thực tế nhiều năm gần đây, mậu dịch tự do chỉ là một khái niệm, dù trong các hội nghị toàn cầu, vấn đề này luôn nằm trang nhất chương trình nghị sự – kể cả trong các tuyên bố hoa mỹ của Tổng thống George W. Bush.

Cách đây vài năm, khi tuyên bố tháo bỏ hàng rào thuế cho 48 nước nghèo nhất thế giới, EU đồng thời lập chính sách bảo hộ nhằm cản bớt các chuyến tàu chuối, gạo và đường ào ạt cập cảng thị trường mình. Chính xác hơn, EU chỉ ưu đãi vài nước thuộc khối ACP (châu Phi, Caribê và Thái Bình Dương – phần lớn là thuộc địa cũ của họ).

Tương tự, khi gia hạn chính sách miễn thuế cho các nước thuộc Hạ Sahara (châu Phi) hồi tháng 5/2000, Mỹ cũng lập hàng rào chặn bớt hàng dệt và may mặc châu Phi... Bước vào cuộc cạnh tranh thương mại toàn cầu khốc liệt, am hiểu luật chơi là một bắt buộc quan trọng hàng đầu nhưng chưa là yếu tố duy nhất đem lại thành công.

Châu Âu và Nhật có lẽ “rành” Mỹ hơn ai hết trong các cuộc "so găng" mậu dịch và Mỹ cũng “đi guốc trong bụng” hai đối thủ đáng sợ nhất này của họ. Hai bên thậm chí có thể đoán trước khi “bên mình” đẩy quân cờ này lên thì “bên kia” kéo quân nào xuống. Điều cần nhấn mạnh là luật chơi chỉ có thể phát huy tối đa hiệu quả khi nó song hành với chính sách ngoại giao khéo léo và một sách lược phát triển kinh tế vững vàng, ổn định và lâu dài

Kim Nguyên
.
.
.