EC áp thuế chống bán phá giá, người lao động Việt Nam chịu thiệt

Thứ Ba, 09/05/2006, 13:10

Ngành Da giày Việt Nam đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề, hàng loạt doanh nghiệp trong cả nước đã phải ngừng sản xuất, công nhân phải nghỉ làm. Nguyên do của tình trạng này là việc áp dụng thuế chống phá giá giày của Uỷ ban châu Âu (EC).

Cuối tháng 3/2006, EC công bố phán quyết áp thuế chống phá giá giày, mũ da Việt Nam. Theo đó, từ ngày 17/4 đến 1/6 áp thuế 4,2%, ngày 2/6 đến 13/7 áp thuế 8,4%, ngày 14/7 đến ngày 14/9 là 12,6% và từ ngày 15/9 trở đi mức áp thuế sẽ là 16,8%.

Hiện nay mới chỉ là bước đầu của lộ trình nhưng Công ty cổ phần Da giày Hải Dương đã rơi vào tình trạng khủng hoảng. Giám đốc Nguyễn Văn Vinh cho biết thêm: Ngay từ tháng 11/2005, sau vụ kiện của EC về bán phá giá giày, mũ da Việt Nam là thời điểm bắt đầu các đơn đặt hàng châu Âu giảm mạnh. Hàng năm Công ty cổ phần Da giày Hải Dương chủ yếu làm hàng giày thể thao xuất khẩu và 80% xuất sang thị trường châu Âu. Kim ngạch xuất khẩu thường đạt trên 10 triệu USD/năm. Với gần 2.000 công nhân, nếu duy trì sản xuất bình thường, lương bình quân của người lao động thường đạt từ 800.000đ/tháng trở lên.

Nhưng chỉ trong 5 tháng (tháng 11/2005 đến tháng 3/2006), sản lượng tụt đi 70% so với trước, 30% còn lại chỉ là hợp đồng thuê gia công của thời hạn còn hiệu lực. Đặc biệt, không hề có hợp đồng mới. Như vậy, công ty không thể duy trì việc làm cho 100% công nhân như trước đây. Chỉ tính riêng trong tháng 3/2006, dù cố gắng hết sức chỉ có thể giải quyết việc làm cho 650-700 công nhân, 2/3 số người còn lại phải nghỉ việc. Lương bình quân của người lao động tụt xuống mức tối thiểu (gần 500.000đ/tháng). Tình hình chắc chắn sẽ còn tồi tệ hơn khi EC tiếp tục áp thuế mức 8,4% vào thời điểm tháng 6 và nửa đầu tháng 7 tới.

Theo phòng kinh doanh thị trường phân tích, ở mức áp thuế đầu vào một đôi giày thấp nhất tăng từ 1-2 USD, có loại tăng 4 USD. Từ thời điểm tháng 9/2006 (áp thuế 16,8%) đôi giày bình thường sẽ tăng 3-4 USD, có loại giày tăng 14 USD. Như vậy các nhà phân phối thị trường sẽ không chịu nổi và tự rút lui khỏi thị trường Việt Nam chuyển hướng sang đặt hàng ở các nước khác như Ấn Độ, Indonesia và cả Campuchia. Chưa kể, Công ty cổ phần Da giày Hải Dương chủ yếu làm gia công (90% các doanh nghiệp giày Việt Nam) nên các nhà phân phối nước ngoài cho hưởng chiết khấu vô cùng nhỏ. Bởi thế, trong các đơn đặt hàng, khách luôn yêu cầu doanh nghiệp phải sản xuất đủ chủng loại giày như giày da, thể thao, giày trẻ em… mới tăng thu lợi nhuận.

Người lao động trong ngành Da giày Hải Dương chủ yếu là phụ nữ ở vùng nông thôn của 11 huyện. Khi có nhu cầu việc làm, Công ty tạo điều kiện cho học nghề và mong muốn được gắn bó với doanh nghiệp. Vào thời điểm này, họ hoàn toàn thất vọng.

Chị Nguyễn Thị Q., quê ở Gia Lộc, đại diện cho những công nhân Phân xưởng Đế giày không khỏi lo lắng phát biểu: "Vụ kiện của EC có khác gì "tàn phá" cuộc sống gia đình chúng tôi. Cứ như thế này, mất việc làm chúng tôi biết dựa vào ai. Cả thế giới đang đấu tranh vì người nghèo, sao không đấu tranh cho chúng tôi, hỏi ra chỉ có người lao động nghèo chúng tôi chịu thiệt thòi thôi à…". Còn Giám đốc Nguyễn Văn Vinh nhắc đi nhắc lại: "Chúng tôi làm gì có bán phá giá, tất cả là đơn đặt hàng của khách được thỏa thuận bằng hợp đồng đấy chứ? Cứ như cách áp đặt của EC có khác nào "đánh" vào người lao động nghèo nói chung và phụ nữ và trẻ em Việt Nam nói riêng mà thôi…".

Theo thông tin từ Hiệp hội Da giày Việt Nam, không chỉ có riêng Công ty cổ phần Da giày Hải Dương mà hàng loạt doanh nghiệp ngành Da giày trong cả nước đã phải ngừng sản xuất, công nhân phải nghỉ làm việc. Ngành Da giày Việt Nam đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất và nạn nhân không phải ai khác chính lại là những người lao động nghèo

Mạnh Hừng
.
.
.