Đường sắt cao tốc chỉ nên xây từng đoạn

Thứ Tư, 16/09/2009, 14:09
JICA đề xuất xây dựng Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam theo từng đoạn tuyến, đặc biệt ưu tiên những đoạn tuyến có lượng hành khác đông, như vậy, dự án mới có không bị lỗ.

Ngày 15/9, tại Hà Nội, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Xuất khẩu đầu máy toa xe Nhật Bản (JORSA) tổ chức Hội thảo đường sắt cao tốc Bắc - Nam lần thứ 4.

Theo nghiên cứu của tổ chức cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) về phát triển bền vững hệ thống giao thông vận tải Việt Nam, việc phát triển hệ thống đường sắt cao tốc Bắc - Nam là điều hết sức quan trọng. Tuy nhiên, đánh giá chỉ ra rằng, nếu mức đầu tư lên tới 38 tỷ USD (chưa kể đến chi phí mua đầu máy, toa xe, chi phí dự phòng và thuế) thì việc đưa vào sử dụng tuyến cao tốc này sẽ thiếu tính khả thi.

Bởi theo JICA, xét trên góc độ thu nhập thì nếu hành khách đi từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh mất 5h30' (thay bằng mất khoảng 30 giờ như hiện nay) thì giá vé cho tàu cao tốc cũng đắt tương đương với vé máy bay (trong khi đó, máy bay chỉ mất khoảng 1h45). Điều này cho thấy, đường sắt cao tốc có thể cạnh tranh trong cự ly trung bình, còn cự ly 1.500km thì hàng không có ưu thế hơn. Như vậy, việc xây dựng đồng bộ và đưa vào vận hành ngay tuyến đường này sẽ không hiệu quả.

Vì thế, JICA đã đề xuất xây dựng Dự án theo từng đoạn tuyến, đặc biệt ưu tiên những đoạn tuyến có lượng hành khác đông, như vậy, dự án mới có không bị lỗ. Tại hội thảo, ý kiến của các chuyên gia cho rằng, việc lùi thời hạn khai thông tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam cũng là phương án tốt, bởi lẽ, nếu tốc độ đô thị chưa phát triển phù hợp, dự án sẽ lỗ do mức đầu tư vào cơ sở hạ tầng, máy móc, dịch vụ quá cao.

Bước đầu, vào năm 2020 việc thí điểm tại 5 tuyến trên là hợp lý, giá vé thường của loại tàu cao tốc chỉ bằng 1/2 so với giá vé máy bay là khả thi.

Dự kiến, để thực hiện dự án đường sắt cao tốc dài 1.570km nối Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần đầu tư từ 30 tỷ USD đến 50 tỷ USD. Trên tuyến sẽ có 26 ga, cự ly trung bình khoảng 60 km/ga. Về mặt kỹ thuật, công nghệ đường sắt Shinkansen (Nhật Bản) sẽ được chọn. Đây là công nghệ đường sắt thuộc loại hiện đại nhất thế giới hiện nay và trong hơn 40 năm vận hành tại Nhật Bản chưa từng xảy ra sự cố.

Áp dụng công nghệ này, tốc độ đường sắt được nâng lên tới 300km/h, nhờ đó rút ngắn hành trình Hà Nội - TP Hồ Chí Minh từ 30h hiện nay xuống còn chừng 5h30' (nếu chỉ dừng ở 6 ga ưu tiên)

T.Huyền
.
.
.