Đường dây buôn lậu hàng điện tử từ Australia về Việt Nam

Thứ Sáu, 18/06/2010, 16:14
Thông qua Vũ, Hoàng nhận hàng điện tử không rõ xuất xứ nguồn gốc do Lâm chuyển từ Australia về TP HCM để tiêu thụ. Theo đó, Vũ có nhiệm vụ móc nối với các cán bộ Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất, chuyển hàng lậu ra khỏi sân bay giao cho Hoàng, Hoàng sẽ đi giao hàng và nhận tiền cho các đối tượng do Lâm chỉ định sẵn và bán cho các đối tượng khác.

Ngày 12/6, cơ quan CSĐT, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về buôn lậu xảy ra tại Cảng sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM, đồng thời ra lệnh bắt và khám xét khẩn cấp đối với 2 đối tượng liên quan là: Nguyễn Minh Hoàng (47 tuổi), ngụ tại Lô J, cư xá Thanh Đa, phường 27, quận Bình Thạnh, TP HCM và Nguyễn Đức Vũ (35 tuổi), nhân viên Phòng dịch vụ khách hàng - Trung tâm khai thác sân bay Tân Sơn Nhất, thường trú tại số 378 Nguyễn Thị Thập, phường Tân Phong, quận 7, TP HCM đang tạm trú tại số 5P2/E đường Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TP HCM. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an còn ra lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở, nơi làm việc của hai đối tượng Mai Phú Phong và Phạm Tiến Trung.

Khi bắt khám xét đối với Nguyễn Minh Hoàng, cơ quan CSĐT, Bộ Công an thu giữ 70 triệu đồng, 2 ĐTDĐ mà Hoàng dùng để liên hệ với các đối tượng có liên quan, các chứng từ thể hiện việc Hoàng mua đĩa nhạc từ Bến Thành Audio chuyển sang Australia cho Đỗ Thanh Lâm, đại diện của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam tại Australia; là em vợ của Hoàng.

Tại cơ quan điều tra, Hoàng khai nhận: Từ đầu năm 2007, Hoàng nhận đôla Australia (AUD) do Lâm chuyển về từ Australia để đưa cho các đối tượng theo yêu cầu của Lâm. Trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 12/2009, số tiền được chuyển lên tới khoảng 1 triệu AUD. Ngoài ra, thông qua Vũ, Hoàng nhận hàng điện tử không rõ xuất xứ nguồn gốc do Lâm chuyển từ Australia về TP HCM để tiêu thụ. Theo đó, Vũ có nhiệm vụ móc nối với các cán bộ Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất, chuyển hàng lậu ra khỏi sân bay giao cho Hoàng, Hoàng sẽ đi giao hàng và nhận tiền cho các đối tượng do Lâm chỉ định sẵn và bán cho các đối tượng khác.

Cụ thể, Hoàng đã liên hệ với Phạm Tiến Trung để bán và được hưởng chênh lệch 47,5 triệu đồng. Việc bán hàng lậu của Hoàng diễn ra từ tháng 3 đến tháng 5/2010 với 810 đơn vị hàng; mỗi tháng Hoàng được trả công 10 triệu đồng nên trong cả quá trình, Hoàng đã thu lợi bất chính khoảng 70 triệu đồng.

Đối với Nguyễn Đức Vũ, cơ quan CSĐT, Bộ Công an đã phát hiện và thu giữ 20.000 USD, ĐTDĐ mà Vũ đã sử dụng để liên lạc với Đỗ Thanh Lâm, Lê Đức Tố Yên (là đại diện của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam tại Australia).

Quá trình điều tra cho thấy, từ tháng 8/2002 đến ngày 30/5/2010, Vũ đã nhận vận chuyển hàng lậu cho Lâm với số lượng lớn từ khu hành lý khách quốc tế ra ngoài sân bay. Để đi qua khu vực máy soi của Hải quan và An ninh sân bay mà không bị kiểm soát bắt giữ, mỗi lần vận chuyển, Vũ đều đưa tiền hối lộ cho một số cán bộ Hải quan sân bay đang làm nhiệm vụ từ 1 đến 2 triệu đồng/kiện hàng hóa (mỗi lần Vũ vận chuyển từ 5-9 kiện hàng), có lần Vũ đưa hối lộ tới 12 triệu đồng.

Theo Vũ khai nhận, việc đưa hối lộ cho Hải quan sân bay đều do Lâm sắp đặt và có quy ước riêng và diễn ra liên tục từ 2 đến 3 lần/tuần. Bước đầu, Vũ khai nhận, tổng số tiền công vận chuyển hàng lậu nhận được từ Lâm là trên 200 triệu đồng.

 Đây là vụ án rất phức tạp, có liên quan đến nhiều đối tượng trong, ngoài nước và một số cán bộ công tác trong hai ngành Hàng không, Hải quan… Hiện tại, Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm chỉ đạo cơ quan CSĐT cùng các đơn vị nghiệp vụ liên quan tập trung điều tra mở rộng vụ án, truy tìm vật chứng để sớm đưa các bị can ra xét xử

Phương Nam
.
.
.