Được cho, tặng ngoại tệ - quyết định hợp lòng dân

Thứ Sáu, 25/07/2014, 13:02
Thông tin người dân vẫn được tặng, cho ngoại tệ mà không bắt buộc phải đổi sang VND vừa được ban hành tại Nghị định số 70/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối đang tạo sự đồng thuận từ dư luận.

Câu chuyện đột nhiên bị cấm tặng, cho ngoại tệ tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước đã gây nhiều dư luận phản đối từ năm 2013. Ban đầu, với mục đích chống đôla hóa, cơ quan soạn thảo cho rằng cần phải hạn chế giao dịch bằng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam. Mọi giao dịch phải thực hiện bằng đồng Việt Nam, trừ một số trường hợp được phép giao dịch bằng ngoại hối. Theo đó, việc biếu, tặng, cho lẫn nhau bằng ngoại tệ là không được phép bởi việc cho, tặng được xem là một giao dịch. Như vậy, nếu muốn cho, tặng ngoại tệ thì người dân sẽ phải đổi sang tiền Việt Nam. Quy định này ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ phía người dân cũng như các chuyên gia.

Trước những góp ý hợp lý của dư luận, đến tháng 11/2013, tổ biên tập dự thảo nhận thấy trong điều kiện các quy định của Pháp lệnh Ngoại hối cho phép cá nhân có ngoại tệ tiền mặt được gửi tiết kiệm, nhận gốc, lãi bằng ngoại tệ thì việc sử dụng ngoại tệ để cho, tặng là hợp lý. Do vậy, dự thảo đã được chỉnh sửa theo hướng không cấm đối với việc cho, tặng bằng ngoại tệ. Và đến ngày 17/7/2014, Nghị định số 70/2014/NĐ-CP đã chính thức cho phép cá nhân có ngoại tệ tiền mặt được quyền cất giữ, mang theo người, cho, tặng, thừa kế, bán cho ngân hàng hoặc chuyển, mang ra nước ngoài và thanh toán cho các đối tượng được phép thu ngoại tệ tiền mặt. Ngoài ra, cá nhân còn được phép sử dụng ngoại tệ tiền mặt để gửi tiết kiệm và được rút tiền gốc, lãi bằng đồng tiền đã gửi. Nghị định cũng quy định việc chuyển tiền từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài.

Theo đó, cá nhân được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài cho mục đích học tập, chữa bệnh ở nước ngoài, đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài, trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài, trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài, chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài, chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài, chuyển tiền một chiều cho các nhu cầu hợp pháp khác. Đồng thời, người nước ngoài có ngoại tệ trên tài khoản hoặc các nguồn thu ngoại tệ hợp pháp cũng được chuyển, mang ra nước ngoài. Trường hợp có nguồn thu hợp pháp bằng đồng Việt Nam thì được mua ngoại tệ để chuyển, mang ra nước ngoài...

Quy định mới này vừa ban hành đã nhận được sự đồng tình của nhiều người. Thực tế hiện nay nhu cầu về ngoại tệ của người dân cho việc đi du lịch, khám chữa bệnh hay du học là rất nhiều. Có những thời điểm ngân hàng khan USD nên việc mua, dù chứng minh được mục đích, vẫn khá khó khăn. Nếu người dân có ngoại tệ, gửi vào ngân hàng và rút ra bằng ngoại tệ sẽ tránh được tình trạng khó mua USD. Ngay cả chính các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cũng cho rằng nếu cho người dân giữ ngoại tệ như một tài sản hay gửi vào tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng thì cũng phải cho phép người dân sử dụng tài sản đó... Bên cạnh đó, Pháp lệnh Ngoại hối đã quy định rõ trên lãnh thổ Việt Nam chỉ được sử dụng tiền đồng trong thanh toán. Như vậy ngoại tệ được xem là hàng hóa, người dân có quyền sở hữu thì cũng nên có quyền quyết định cho, tặng…

Lệ Thúy
.
.
.