Đừng để hoa quả ngoại mạo nhận nguồn gốc Việt

Chủ Nhật, 26/10/2014, 19:00
Cam, quýt, nho, táo, đào, mắc cọp, dâu Tây… Trung Quốc nhưng người bán cứ một, hai khẳng định đó là của Việt Nam. Điều này cho thấy, uy tín của hoa quả gốc Việt đối với người tiêu dùng song cũng phản ánh rõ tình trạng cơ quan quản lý đã không làm tốt công tác quản lý xuất xứ hàng hoá.

Mùa này, cam sành miền Nam cùng quýt hôi có xuất xứ từ phương Nam đang vào mùa nên giá khá thấp. Trước đây, 1kg cam sành loại thường, giá không dưới 40.000đ thì này chỉ khoảng 20.000 – 30.000đ. Hay quýt hôi cũng vậy, giá đã giảm đến một nửa. Thế nhưng, cũng ở thời điểm này, quýt nhỏ màu vàng của Trung Quốc đang vào vụ bắt đầu xuất hiện trên thị trường. Ưu điểm của loại quýt này là quả nhỏ, dễ bóc, ngọt, rất hợp cho trẻ nhỏ ăn nên thường được các bà mẹ lựa chọn. Cũng bởi sự tươi, đẹp về màu sắc và thường còn cả lá lên một số người tiêu dùng tin, đó là loại trái cây của mấy tỉnh miền núi nước ta.

Chiều 24/10, có mặt tại chợ Long Biên, Hà Nội, tôi tận mắt thấy các chị bán hàng mở những thùng cát tông có in chữ Trung Quốc để bốc những quả quýt này lên bày bán. Hay trước đây khoảng 1 tháng, trên thị trường xuất hiện loại cam vỏ mỏng, ruột vàng, không có hạt được người bán giới thiệu là cam Hoà Bình. Thế nhưng, thực chất đây là loại quýt có tên quýt Ôn Châu có xuất xứ từ Trung Quốc. Với giá thành chỉ 18.000đ – 20.000đ, loại “cam Hoà Bình” được nhiều người tiêu dùng lựa chọn và họ đâu có ngờ, nguồn gốc của nó ở bên kia biên giới.

Bưởi là trái cây của Việt Nam không bị mạo nhận nguồn gốc.

Cam quýt, loại trái cây được trồng nhiều ở nước ta nên người tiêu dùng mới có thể dễ dàng bị nhầm lẫn về nguồn gốc. Nhưng với táo (trừ táo ta), người tiêu dùng vẫn bị người bán hàng thuyết phục, đó là … táo mèo. Rõ ràng, quả táo mèo của ta là thứ trái cây khác hẳn. Thế mà, người bán giới thiệu, người mua vẫn tin. Ở chợ Long Biên chiều 24/10, tôi hỏi loại táo này thì người bán cho biết, nó có giá 20.000đ/kg; còn loại táo cùng chủng loại nhưng quả to thì giá bán 30.000 – 40.000đ. Riêng đối với táo này, theo số liệu thống kê của Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, nước ta đã nhập gần 40.000 tấn. Trong số đó, táo có nguồn gốc từ các nước như Mỹ, Úc… chỉ chiếm khoảng 40%, còn lại từ Trung Quốc.

Đã có thời kỳ, người tiêu dùng Việt rất sính ngoại. Nay, người tiêu dùng đang có xu hướng quay về dùng hàng Việt, đặc biệt là hoa quả cho thấy dấu hiệu tích cực. Có được điều này là bởi, những con số được công bố vì dư lượng chất bảo vệ thực vật, chất bảo quản vượt ngưỡng được tìm thấy trong hoa quả ngoại nhập đã tác động rất lớn. Khi người tiêu dùng quay về với hoa quả Việt thì những kẻ trục lợi lại mạo nhận thứ mà mình bán là hàng Việt. Ngoài việc mỗi người tiêu dùng phải là khách hàng thông thái, cơ quan quản lý Nhà nước cần phải có trách nhiệm để xuất xứ hàng hoá được công khai, minh bạch. Việc này được kiểm soát tốt từ cửa khẩu, chợ đầu mối thì khi đến tay người tiêu dùng, nó cũng sẽ được công khai. Khi đó, hoa quả Việt càng nâng cao giá trị và người tiêu dùng cũng được đảm bảo quyền lợi của mình

Cao Hồng
.
.
.