Dự án điện “rùa bò”, đội giá hàng trăm nghìn tỷ đồng

Thứ Hai, 26/12/2011, 15:56
Tại mọi thời điểm, lý do mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vin vào để tăng giá luôn là giá điện bán thấp hơn giá sản xuất; nguyên nhân của lỗ và nợ đầm đìa luôn là vì họ "gánh lỗ cho xã hội". Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều dự án do EVN làm chủ đầu tư bị chậm tiến độ, đội giá hàng trăm nghìn tỷ đồng và nhiều "căn bệnh" khác là một phần câu trả lời vì sao giá điện cao, vì sao cứ liên tục phải tăng giá để bù lỗ.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng là khách hàng lớn của EVN đều thừa nhận: Giá điện phải tăng là hợp lý, bởi hiện chúng ta đang thấp nhất khu vực. Nhưng thế không có nghĩa EVN bảo tăng bao nhiêu là cần tăng bấy nhiêu.

Có thể ví dụ, chỉ bằng tính toán trên sổ sách giấy tờ chính EVN đưa ra, Kiểm toán Nhà nước đã thấy giá điện không thực sự cao như EVN tính. Cụ thể, năm 2010, hạch toán của Tập đoàn này cho rằng giá điện phải là 1.187,76 đồng/kWh mới hợp lý, tức là phải tăng thêm gần 9% nữa. Tuy nhiên, kết quả kiểm toán đã chỉ ra, giá có thể giảm thêm 8,3 đồng/kWh  nếu EVN tính thêm các khoản thu khác như tiền cho thuê cột điện để treo cáp viễn thông, tiền thanh lý vật tư... vào giá điện. Vậy còn những thiệt hại khác không thể hiện rõ ràng thì sao?

Nhiều dự án điện chậm tiến độ.

Đầu tiên phải kể đến việc chậm tiến độ các nhà máy điện theo quy hoạch, dẫn đến hậu quả đội giá rất lớn do tiền đầu tư vào dự án tăng, và thiếu điện phải chạy nguồn giá cao.

Theo qui hoạch điện VI, EVN được giao làm chủ đầu tư 42 dự án, với tổng mức đầu tư hơn 370 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, có đến 18 dự án trong số này phải tăng tiền đầu tư thêm gần 83 nghìn tỷ đồng, bằng 48,19% so với dự kiến ban đầu. 13 dự án truyền tải điện khác cũng phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư thêm gần 1,147 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 25,14%. Bội chi hàng trăm nghìn tỷ, giá điện đương nhiên bị đẩy lên cao.

Thêm vào đó, có 13 dự án công suất 2.682 MW, tổng mức đầu tư 64.136 tỷ đồng chậm tiến độ từ 1 năm trở lên. 19 dự án khác với công suất 5.175 MW thực hiện chậm tiến độ so với quyết định ban đầu. Thử tưởng tượng, mỗi năm phải dùng điện dầu giá cao gấp 3, 4 lần để phát bù cho gần 8.000 MW chậm tiến độ đó, giá điện sẽ đội thêm bao nhiêu?

Trong quản lý xây dựng cơ bản, EVN cũng mắc nhiều lỗi, gây nhiều thiệt hại. Đơn cử 2 dự án thủy điện Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4, EVN chưa chiết giảm 197,3 tỷ đồng, tạm ứng vượt cho nhà thầu 19,7 tỷ đồng và chưa xử phạt được nhà thầu dù họ chậm tiến độ. Dự án nhiệt điện Uông Bí mở rộng: EVN ký hợp đồng với tổng thầu nhiều hơn 50,34 triệu USD  so với giá trị gói thầu được duyệt trong kế hoạch.

Ngoài ra còn ký một khoản gần 7 triệu USD khác không hề được phê duyệt trong tổng dự toán như: hơn 5,5 triệu USD cho công việc tư vấn của Tổng thầu EPC, 1 triệu USD cho chi phí ban quản lý dự án... Chưa kể đến các nhà máy như nhiệt điện Quảng Ninh 1, 2; nhiệt điện Hải Phòng 1, 2 không chỉ chậm tiến độ, mà khi xong cũng vận hành không ổn định, liên tục bị sự cố nhưng chậm được khắc phục, gây thiệt hại lớn cho EVN. Dù vậy, do cách mà EVN ký hợp đồng với tổng thầu, đến giờ hầu như chưa nhà thầu nào bị phạt chậm tiến độ, phạt sự cố, dù thiệt hại gây ra là rất lớn.

Kiểm toán Nhà nước đã nhận định dù Nhà nước đã có nhiều cơ chế đặc thù cho ngành điện để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Việc chậm đưa công trình hòa lưới điện quốc gia trong bối cảnh thiếu điện làm ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của nền kinh tế... nhưng chưa ai đề cập đến việc sẽ xử lý những lỗi đó ra sao? Vừa gây thất thoát tiền của, vừa ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế của đất nước, đó chắc chắn không phải là những lỗi nhỏ, có thể bỏ qua.

Tuy nhiên, trong nhiều cuộc họp với Bộ Công Thương, các PV đặt ra vấn đề chỉ nhận được câu trả lời: "từ nay về sau sẽ rút kinh nghiệm". Ngay cả Kiểm toán Nhà nước cũng chưa bóc tách những thiệt hại do lỗi điều hành này. Có vẻ như nó sẽ được gom vào thành một cục "lỗ" do "bán điện dưới giá thành" và phân bổ dần vào đầu người dân

Vũ Hân
.
.
.