Dự án TTTM tại cửa khẩu Tân Thanh: Tỉnh phớt lờ chỉ đạo?

Thứ Năm, 21/07/2011, 15:00
Dù Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng đã yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn báo cáo vụ khiếu nại dự án TTTM tại cửa khẩu Tân Thanh lên Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2011, nhưng đến nay đã quá hạn mà Chủ tịch UBND tỉnh vẫn chưa có hồi âm...

Thực hiện chủ trương kêu gọi vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Công ty Good Wishes Development Ltd - Hông Kông (gọi tắt là Công ty Good Wishes) và Công ty cổ phần Chữ thập đỏ Việt Nam (Vinareco) đã ký hợp đồng liên doanh thực hiện dự án tại Trung tâm Thương mại cửa khẩu Tân Thanh.

Trong khi liên doanh này đang chờ tỉnh quyết định thì Công ty Good Wishes lại đơn phương gửi công văn đề nghị chấm dứt liên doanh với Vinareco để thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Việc làm trên đã làm Công ty CP Chữ thập đỏ Việt Nam gửi đơn thư khiếu nại đến nhiều cấp. Nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết. Để làm rõ vấn đề này, PV Báo CAND đã có buổi làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh Lạng Sơn.

Hai lần xin chấm dứt liên doanh, vì sao?

Được biết, Công ty Good Wishes là một doanh nghiệp tham gia đầu tư dự án "Trung tâm Thương mại và cửa hàng miễn thuế", còn gọi là "Trung tâm Thương mại Hông Kông". Năm 1999, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép đầu tư liên doanh cho Công ty Good Wishes và Công ty TNHH Phương Hồng thực hiện dự án trên với tổng vốn đầu tư là 5 triệu USD, trên diện tích 3.254m2 đất tại cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng. Từ sự liên doanh giữa Good Wishes - Phương Hồng đã xuất hiện Công ty liên doanh Phát triển thương mại và du lịch Lạng Sơn.

Do liên doanh Good Wishes - Phương Hồng liên tục phát sinh mâu thuẫn trong quá trình hoạt động, theo phân cấp về đầu tư, năm 2008, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ra quyết định chấm dứt liên doanh Good Wishes - Phương Hồng và thu hồi giấy phép đầu tư của liên doanh này. Sau khi Công ty liên doanh Phát triển thương mại và du lịch Lạng Sơn giải thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký thành lập Công ty TNHH Phát triển thương mại Lạng Sơn (liên doanh giữa Công ty Good Wishes và Vinareco) để thực hiện dự án tại cửa khẩu Tân Thanh. Trong khi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn đang xem xét hồ sơ của liên doanh này để trình cấp phép thì tháng 5/2009, Công ty Good Wishes đơn phương gửi văn thư đề nghị ngừng liên doanh với Vinareco để thực hiện dự án với hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài.

Trung tâm thương mại Hồng Kông.

Ngay khi nhận được văn thư, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn Lý Vinh Quang đã có văn bản gửi Công ty Good Wishes, nêu rõ: "Văn bản này không có dấu nên không được coi là văn bản chính thức của Công ty Good Wishes trong giao dịch hành chính với cơ quan quản lý Nhà nước của Việt Nam. Mặt khác, Sở chưa nhận được ý kiến của Vinareco (là một bên ký thỏa thuận thực hiện hợp đồng liên doanh) về việc thay đổi hình thức đầu tư. Vì vậy, Sở vẫn coi hồ sơ liên doanh thành lập Công ty TNHH Phát triển thương mại Lạng Sơn đã được ký giữa liên doanh Good Wishes - Vinareco có giá trị pháp lý".

Tiếp đó, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức cuộc họp với các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh để giải quyết vấn đề này. Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Văn Bình kết luận: "Các nhà đầu tư dự án tại vị trí này đều có quyền đề xuất nhu cầu đầu tư nếu dự án phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Trong trường hợp nhiều hồ sơ đề xuất đầu tư, UBND tỉnh sẽ đưa ra các tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư và tiến hành thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định".

Với kết luận của lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, các doanh nghiệp trong nước đang tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư thì cuối năm 2010, Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng đã cấp phép cho Công ty TNHH Đầu tư thương mại Lạng Sơn hoạt động (theo đề xuất của Công ty Good Wishes) với danh nghĩa doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Sự việc này đã tạo ra nhiều thắc mắc trong dư luận, bởi trước đó, liên doanh Good Wishes - Phương Hồng đã có những vấn đề trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Cụ thể là khi Cục Thuế tỉnh Lạng Sơn tiến hành thanh tra về thuế thì doanh nghiệp này đã đề nghị hoãn thanh tra. Sau đó, doanh nghiệp này còn tự ý tăng tiền thuê kiốt của các tiểu thương lên cao gấp nhiều lần so với giá cũ, gây phản ứng mạnh trong dư luận.

Cần sớm làm rõ hàng tỉ đồng thu nhập không nộp thuế

Theo phản ánh của bà V.T.M, tiểu thương kinh doanh trong Trung tâm Thương mại Hông Kông, bà thuê kiốt từ năm 2005 với mức giá 3 triệu đồng một tháng, thời gian hợp đồng 5 năm. Khi hết hợp đồng, trung tâm thông báo với các tiểu thương về việc thay đổi mức giá thuê kiốt. Nếu như hợp đồng cũ là 3 triệu đồng một tháng thì nay tăng lên từ 6 - 9 triệu đồng một tháng, thậm chí có kiốt còn bị tăng giá tới hơn 10 triệu đồng một tháng.

Cũng theo bà V.T.M., khi các tiểu thương trong công ty thắc mắc và phản ánh sự việc này tới Ban quản lý Trung tâm Thương mại Hông Kông thì ông Đặng Quốc Bình (đại diện công ty) trả lời rằng: miễn thắc mắc. Bất bình về sự việc trên, ngày 14/4/2011, trên 60 quầy bán hàng tại tầng 1, Trung tâm Thương mại Hông Kông đồng loạt đóng cửa, tiểu thương bỏ bán hàng.

Điều đáng nói nữa là trong khoảng thời gian từ giữa năm 2008 đến cuối năm 2010 (thời điểm công ty liên doanh giải thể), về mặt pháp lý đã không có một đơn vị nào có tư cách pháp nhân được phép đứng ra quản lý, tiến hành hoạt động kinh doanh tại Trung tâm Thương mại Hông Kông. Thế nhưng, các tiểu thương nơi đây vẫn phải nộp tiền thuê kiốt (khoảng 120 kiốt) cho nhân viên của liên doanh cũ (thay vì việc phải làm hợp đồng với các tiểu thương để thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước thì các tiểu thương chỉ nhận được phiếu thu tiền).

Tạm tính trung bình 120 kiốt x 3.000.000 đồng x gần 24 tháng (khi liên doanh đã giải thể) với số tiền khoảng 8 tỷ đồng các tiểu thương đã phải nộp. Câu hỏi đặt ra là: "Ai là người thụ hưởng số tiền cho thuê kiốt trong gần 24 tháng tại Trung tâm Thương mại Hông Kông, khi UBND tỉnh Lạng Sơn đã ra quyết định giải thể và thu hồi con dấu của Công ty Phát triển thương mại và du lịch Lạng Sơn (?)".

"Thời điểm này, Cục Thuế tỉnh Lạng Sơn đang tiến hành thanh tra thuế tại Công ty TNHH Đầu tư thương mại Lạng Sơn để xác định rõ nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp với Nhà nước. Trước khi chuyển đổi sang doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, ngày 8/12/2009, Cục Thuế tỉnh cũng đã ra quyết định về việc thanh tra thuế tại Công ty Phát triển thương mại và du lịch Lạng Sơn" - ông Nguyễn Tiến Đạt, Trưởng phòng Kê khai và kế toán thuế, Cục Thuế tỉnh Lạng Sơn khẳng định với chúng tôi như vậy.

Trong buổi làm việc với phóng viên Báo CAND, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lạng Sơn Đặng Quốc Chính cho biết, sau khi nhận được đơn của Công ty cổ phần Chữ thập đỏ Việt Nam phản ánh về việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp đang có vấn đề về thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước là Công ty Good Wishes, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã giao Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng nghiên cứu, báo cáo UBND tỉnh.

Cũng theo ông Bình thì hiện tại, UBND tỉnh đã nhận được báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng. Tuy nhiên, đến nay đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh vẫn chưa kết luận sự việc này.

Nhóm phóng viên chúng tôi đề nghị được trao đổi trực tiếp với đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn để làm rõ về vấn đề này thì ông Đặng Quốc Chính từ chối với lý do: Khi chưa kết luận vấn đề gì thì Chủ tịch UBND tỉnh không trả lời báo chí. Điều đáng nói nữa là dù Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng đã yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn báo cáo sự việc này lên Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2011, nhưng đến nay đã quá hạn mà Chủ tịch UBND tỉnh vẫn chưa có hồi âm

Nguyễn Hưng - Trần Huy
.
.
.