Đồng bằng sông Cửu Long liên kết trong phát triển nông nghiệp để tăng lợi nhuận

Thứ Năm, 15/04/2021, 05:23
Sản xuất manh mún, chạy theo phong trào khiến nông sản đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rơi vào cảnh trúng mùa rớt giá. Vì vậy, việc liên kết với nhau và liên kết 4 nhà (nhà nước-nhà khoa học-nhà nông-nhà doanh nghiệp) là đầu ra cho sản phẩm nông sản và tăng lợi nhuận cho nông dân.

Khoảng một tuần nay, ổi Nữ Hoàng tại huyện Kế Sách (Sóc Trăng) rớt giá thể thảm, thậm chí không có thương lái đến mua, ổi chín rụng đầy vườn. Chị Trần Bích Thuỷ (ngụ xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách) than: “Ngày trước, ở đây toàn trồng ổi lê nhưng sau đó thấy ổi Nữ Hoàng có giá nên đã đốn ổi lê, trồng ổi Nữ Hoàng. Nhà tôi trồng 7 công (1.000m2/công), ổi Nữ Hoàng được thương lái mua tại vườn từ 9.000-12.000 đồng/kg. Nhưng từ trước Tết Nguyên đán đến nay, do ảnh hưởng dịch bệnh, thương lái không đến mua nên giá giảm chỉ còn 3.500-4.000 đồng/kg”.

Nông dân liên kết trồng dưa lưới ở Vĩnh Long.

Trong các cuộc hội nghị, GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, luôn nhắc đi nhắc lại việc khó khăn của người nông dân là đầu ra sản phẩm. “Phải giải quyết đầu ra và không để thương lái hoành hành thì mới đem lại hiệu quả thực sự. Tới đây, tôi nghĩ rằng chúng ta cần định hướng tư duy từng vùng, vùng nào trồng cây gì? Từ định hướng đó, chúng ta mới kết hợp nông dân với nông dân thành những hợp tác xã và liên kết với doanh nghiệp. Không thể giúp nông dân bằng cách giải cứu”, GS-TS Võ Tòng Xuân nói.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) lưu ý: “Dù gạo bán được giá tốt, nông dân có thu nhập cao nhưng để không bị động, không “ăn may”, đảm bảo có tính bền vững thì cần tiếp tục đi sâu vào liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân để khi hết dịch COVID-19, khi thị trường có biến động thì xuất khẩu gạo vẫn ổn định”. Vấn đề liên kết 4 nhà từ lâu đã được khuyến khích phát triển.

Tuy nhiên trên thực tế sự liên kết này vẫn còn lỏng lẻo, đặc biệt là giữa nhà nông và doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, trong vụ đông xuân 2020-2021, vùng ĐBSCL có hơn 1,5 triệu hecta sản xuất lúa nhưng diện tích cánh đồng lớn chỉ khoảng 160.000 hecta. Trong khi đó, tham gia vào cánh đồng lớn thì chi phí sản xuất của nông dân giảm từ 10-15%, giá trị sản lượng có thể tăng từ 20-25%, thu lãi thêm từ 2,2-7,5 triệu đồng/hecta so với những diện tích không được doanh nghiệp bao tiêu.

Thực tế hiện nay thấy được lợi ích của việc liên kết, nhiều nông dân đã bắt tay cùng nhau để sản xuất. Điển hình như tại HTX Mekong Green (xã Mỹ Hoà, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long), 11 xã viên đã hùn vốn, góp đất để có được diện tích lớn để trồng dưa lưới trong nhà kính. “Mỹ Hoà là “vương quốc” của bưởi Năm Roi nhưng những năm gần đây ảnh hưởng bởi hạn, mặn, thời tiết nên năng suất thấp.

Thấy vậy, vào năm 2019, tôi đã huy động nhiều bà con nông dân để hùn vốn, hùn đất để làm dưa lưới trong nhà kính. Để nông dân quen với cách làm nông sản sạch, tôi đã liên hệ trên tỉnh, thị xã và nhờ giảng viên chuyên về nông nghiệp tập huấn cho xã viên về cách trồng”, anh Nguyễn Trọng Nghĩa, Giám đốc HTX Mekong Green cho biết. Hiện nay, HTX thu hoạch trung bình 1 tấn dưa lưới/tuần và bán cho các siêu thị, chợ với giá 50.000 đồng/kg.

Trong khi đó, giá bưởi Năm Roi vào ngày thường chưa bao giờ có giá bán tới 40.000 đồng/kg. Anh Nghĩa nhận định: “Nông dân có tập quán hay sản xuất manh mún, thiếu liên kết nên việc tập hợp nông dân vào HTX, có diện tích đủ lớn để làm nông nghiệp sạch mới có đủ sản lượng lớn. Như vậy mới có nhiều khách hàng và kênh tiêu thụ lớn”.

Theo TS Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (Trường Đại học Cần Thơ), đối với tất cả ngành hàng nông sản, hầu hết nông dân sản xuất quy mô nhỏ và cá thể, không đủ năng lực để liên kết với doanh nghiệp.

Thành ra, có ba vấn đề mấu chốt để liên kết thành công: thứ nhất là cải tiến tư duy và năng lực (kỹ thuật canh tác, quản lý sản xuất và kinh doanh) của nông dân, thứ hai liên kết nông dân với nhau thành tổ hợp tác, HTX để tạo vùng nguyên liệu lớn đáp ứng nhu cầu và thứ ba là nâng cấp năng lực quản lý sản xuất, chế biến và kinh doanh của hợp tác xã.

“Ngoài liên kết trong tiểu vùng, các tỉnh cũng liên kết với TP Hồ Chí Minh để phát triển du lịch và hạ tầng giao thông nối kết phát triển kinh tế. Có thể nói, hợp tác sâu giữa các tỉnh là nền tảng để phát triển các gắn kết khác giữa Trung ương với địa phương trong vùng, giữa tổ chức, nhà đầu tư quốc tế với các tỉnh, giữa doanh nghiệp và người dân”, TS Đặng Kiều Nhân nhận định.

Như Anh
.
.
.