Đồng bằng sông Cửu Long: Thêm nhiều cơ hội vươn lên

Thứ Hai, 04/01/2010, 08:44
Sự quan tâm đặc biệt của TW đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày càng thể hiện rõ nét. Chỉ riêng lĩnh vực GTVT, những ngày đầu năm 2010, cả vùng đất châu thổ "chín rồng", nhất là các tỉnh nghèo vùng duyên hải đang phấn khởi trước hàng loạt cơ hội lớn để thực hiện kỳ vọng "liền chị, liền anh" với các địa phương khác trong  khu vực và cả nước.

Phấn chấn vùng duyên hải

Người dân xứ dừa Bến Tre Anh hùng đang thật sự phấn khởi đón chào công trình mới vào giai đoạn sắp hoàn tất. Đó là công trình cầu Hàm Luông, dài 1.227,2m, rộng 16m, 4 làn xe,… nối liền đôi bờ Hàm Luông - một trong chín nhánh tạo nên dòng Cửu Long kỳ vĩ.

Lãnh đạo UBND tỉnh cho biết, cầu Hàm Luông sẽ được thông xe kỹ thuật vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày Bến Tre Đồng Khởi (17/1/1960 – 17/1/2010). Sau chiếc cầu Rạch Miễu đã nối liền đôi bờ sông Tiền, thì Hàm Luông là chiếc cầu thứ hai giữ vai trò đặc biệt quan trọng trên QL60 (dài 110km, bắt đầu Tiền Giang qua Bến Tre, Trà Vinh kết thúc tại Sóc Trăng) được TW quan tâm đầu tư.

Còn nhớ vào chiều tối 26/12 vừa qua, làm việc với lãnh đạo tỉnh Trà Vinh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết TW sẽ tiếp tục tạo điều kiện để Trà Vinh phát triển cơ sở hạ tầng. Chính phủ đang tích cực tìm nguồn vốn để sớm khởi công cầu Cổ Chiên - đi tới chấm dứt gây cách trở giao thông giữa Bến Tre - Trà Vinh.

Khi có cầu Cổ Chiên, thế cô lập của Trà Vinh sẽ không còn, khoảng cách giao thông giữa Trà Vinh với TP Hồ Chí Minh được rút ngắn xuống chỉ còn 120km, thay vì 200km do phải đi theo QL53 và QL1A như bấy lâu nay.

Theo Bộ GTVT, dự kiến cầu Cổ Chiên sẽ được xây dựng kiểu dây văng, dài khoảng 1.574m, tổng kinh phí đầu tư khoảng 3.437 tỷ đồng. Các đơn vị khảo sát thiết kế đang khẩn trương hoàn thành các khâu kỹ thuật để sớm có thể khởi công công trình này trong năm 2010.

Tỉnh duyên hải Sóc Trăng cũng sẽ có điều kiện để liên kết, phát triển kinh tế với Trà Vinh, Bến Tre khi QL60 được thông suốt. Từ Sóc Trăng sang Trà Vinh sẽ không còn cách trở bởi chuyến phà, đò ngang giản đơn, tròng trành vượt qua đoạn hạ lưu của sông Hậu như hiện nay. Các tỉnh vùng duyên hải ĐBSCL trong năm 2010 còn đang phấn khởi chờ ngày thông xe toàn tuyến quốc lộ Nam sông Hậu, trị giá đầu tư trên 3.000 tỷ đồng.

Ven biển Đông là vậy, với hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau, có bờ biển Tây dài gần 280km, ngoài việc được TW đầu tư hoàn thiện dần việc nâng cấp, mở rộng QL 63, hiện đang tiếp tục đầu tư thực hiện dự án đường hành lang ven biển phía Nam. 

Những công trình trên sông Hậu 

Lãnh đạo UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, gần 2 tuần trước khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh khởi công dự án trọng điểm quốc gia - Luồng tàu biển sông Hậu, tỉnh cũng thống nhất thông qua đề án Cụm cảng Long Toàn (Duyên Hải) do nhà đầu tư Trầm Bê và Công ty TNHH xây dựng Hàm Giang (Trà Cú) làm chủ đầu tư; Công ty TNHH Xây dựng Golden Lotus đảm trách tư vấn thiết kế.

Theo đó, Cụm cảng có vốn đầu tư ước khoảng 1.700 tỷ đồng trên diện tích 170ha; cách cầu Long Toàn hiện hữu 400 mét, khi hoàn tất sẽ giải quyết việc làm khoảng 1.000 lao động; góp phần rất lớn vào việc rút ngắn khoảng cách vận chuyển hàng hóa đường thủy từ TP Hồ Chí Minh qua tuyến sông Hậu ra biển Đông như hiện nay và ngược lại.

Trở lại với Luồng tàu biển sông Hậu trị giá hơn 5.000 tỷ đồng, như lời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại lễ khởi công vào sáng 27/12 vừa qua: Dự án có ý nghĩa rất quan trọng trong tiến trình CNH, HĐH của ĐBSCL. Dự án không chỉ quan trọng đối với sự phát triển của ĐBSCL mà còn đánh dấu bước "mở đường ra biển" cho hàng hoá XNK của cả vùng Tây Nam Bộ...

Chính quyền và nhân dân các địa phương đất "chín rồng" kỳ vọng, trong năm 2010, khi cầu Cần Thơ nối liền đôi bờ sông Hậu, cùng hàng loạt cầu trên QL1A; công trình nâng cấp, mở rộng QL 50, 53, 54, 90, 91B, 80,… hoàn thành; sân bay quốc tế Cần Thơ sẽ hoàn tất giai đoạn II… các tỉnh ĐBSCL càng có thêm cơ hội để rút ngắn khoảng cách về phát triển kinh tế - xã hội so với các vùng kinh tế trọng điểm khác của cả nước

Thái Bình
.
.
.