Đồng bằng sông Cửu Long: Mùa mưa lũ…lại lo sạt lở

Thứ Năm, 21/08/2008, 14:57
Toàn tỉnh An Giang hiện có 42 điểm sạt lở nguy hiểm trên sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao. Ngay trước mùa lũ, các ngành chức năng và chính quyền địa phương đã tổ chức di dời gần 1.300 hộ dân sống trong vành đai sạt lở nguy hiểm ven sông Tiền ở xã đầu nguồn Vĩnh Hòa, huyện Tân Châu vào nơi an toàn.

Tỉnh Đồng Tháp hiện có gần 100km bờ sông Tiền và sông Hậu chạy qua 39 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị, thành phố bị sạt lở nặng nề. Nghiêm trọng nhất là huyện đầu nguồn Hồng Ngự, từ tháng 5 đến nay xảy ra 3 vụ sạt lở, cuốn trôi hàng trăm mét đường giao thông liên xã và phải di dời khẩn cấp 15 nhà dân. Điểm nóng nhất về sạt lở hiện nay là các xã Long Thuận, Long Khánh A và Phú Thuận.

Chủ tịch UBND xã Long Thuận Lê Văn Nhân cho biết: Xã Long Thuận có 3 ấp dọc theo bờ sông Tiền với tổng chiều dài 6,5km nằm trong vành đai sạt lở ăn sâu vào bờ từ 2-15m, khối lượng đất sụt xuống sông khoảng 32.500m3. Hiện có 779 hộ dân sống trong vùng nguy hiểm của sạt lở (trong đó có 100 thuộc diện khẩn cấp) nhưng chỉ có 132 hộ có đất di dời trong khi địa phương không còn quỹ đất…

Được biết, huyện Hồng Ngự đang xây dựng thêm 3 cụm tuyến dân cư để bố trí 1.000 hộ dân sống trong phạm vi bị sạt lở vào ổn định cuộc sống nhưng mọi việc mới ở giai đoạn bồi hoàn, đấu thầu xây dựng…

Vừa qua, mưa lớn kèm theo triều cường làm cho nước sông Giao Hòa - An Hóa (thuộc huyện Bình Đại và Châu Thành, tỉnh Bến Tre) chảy xiết, cuốn trôi toàn bộ trụ sở Công ty TNHH Phước Sang (ấp Long Hòa 1, xã Long Định, huyện Bình Đại) có diện tích 350m2 và 700 tấn than, thiệt hại hơn 1 tỷ đồng.

Gần đây, tình trạng sạt lở trên đoạn sông Giao Hòa - An Hóa ngày một nguy hiểm. Từ năm 2003 đến nay, có hơn 110 hộ dân phải di dời để tránh nguy hiểm. Vào mùa mưa, nước lớn, người dân ven sông này luôn thấp thỏm vì sợ nhà bị cuốn xuống sông. Nguy hiểm hơn, sạt lở ngày càng tiến dần về khu vực móng cầu An Hóa (nằm trên tỉnh lộ 883 đi huyện Bình Đại).

Tỉnh Bến Tre phải đầu tư gần 20 tỷ đồng để gia cố móng cầu. Ngoài ra, Nhà máy Nước An Hóa vừa mới xây dựng hàng chục tỷ đồng, đưa vào sử dụng chưa đầy 3 năm đã nằm trong vành đai sạt lở sông Giao Hòa - An Hóa…

Tuyến đê biển Tây đoạn qua tỉnh Cà Mau dài 92,7km (từ Rạch Chèo, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển đến phần giáp ranh giữa Cà Mau và Kiên Giang thuộc xã Khánh Tiến, huyện U Minh) đang bị sạt lở nặng nề, tác động trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân. Hiện cao trình của tuyến đê chỉ còn từ 1,7-2,0 (cao trình kỹ thuật cao 2,5m) làm giảm hiệu quả trong việc chắn sóng, ngăn mặn, bảo vệ dân và mùa màng.

Trên tuyến đê hiện có 12 điểm sạt lở lớn với tổng chiều dài gần 3km, gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Lo ngại nhất là có 2.800 hộ dân (hơn 12.000 nhân khẩu) đang bao chiếm, cất nhà, sinh sống trong phạm vi bảo vệ đê.

Theo Chi cục Thủy Lợi tỉnh Cà Mau, để nâng cấp, sửa chữa, chống sạt lở và di dời dân bao chiếm trên toàn tuyến đê biển Tây cần 90 tỷ đồng… Trong khi đó, tuyến đê biển Đông dài 125km từ sông Bảy Háp đến giáp sông Gành Hào (Cà Mau) cũng đang sạt lở khá nghiêm trọng.

Có mặt tại đê biển Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh vào những ngày giữa tháng 8, chúng tôi chứng kiến cảnh nước biển cuốn hàng chục cây phi lao bật gốc, nằm trơ trọi.

Bờ kè bằng rọ đá được gia cố chân thân đê bị sóng biển đánh rách toạc, quăng những hòn đá to đi xa hàng chục mét. Con đê trở nên mong manh và nhiều đoạn mặt đê còn chưa đầy 2m.

Ông Tư, người có phần đất ngay đoạn đê sạt lở, nói: "Mùa chướng năm ngoái, chỉ trong một con nước lớn đã cuốn trôi đoạn đê 30m này, nước tràn vào rẫy hoa màu của dân. Thấy vậy, huyện cho xe cạp đất gia cố. Một đống đất cao ngồn ngộn vậy mà đêm sau sóng đánh mất tích luôn…".

Gia đình chị Nguyễn Thị The đã mấy chục năm ở đây, cho biết: Trước năm 1997, ngoài thân đê là hàng phi lao dài ra biển 100-200m, người dân còn cất nhà ở. Xa hơn là 3/4 động cát dài 400-500m mới tới nước biển. Nhưng nay nước đã cuốn gần đứt con đê vào sát vách nhà".

Theo ông Lê Văn Nhớ, Chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh, tình hình sạt lở đê biển Hiệp Thạnh đang nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Tuyến đê dài 2km, mặt đê rộng hơn 5m, được xây dựng từ năm 1997, bảo vệ gần 1.000 hộ dân và 2.200ha đất sản xuất nhưng giờ đang bị nước biển tàn phá.

Năm 2005 và 2007, trước tình hình sạt lở ngày một nhiều, tỉnh Trà Vinh đã 2 lần cho gia cố đê bằng rọ đá, bảo vệ phía ngoài nhưng đến nay, sóng biển đã phá vỡ các rọ đá, gây xói lở thân đê. Trước tình hình này, người dân địa phương rất lo lắng và không dám đầu tư làm ăn, sản xuất quy mô lớn…

Nam Thơ
.
.
.