Doanh nghiệp xuất khẩu cạnh tranh sau WTO

Thứ Tư, 18/07/2007, 17:16
Có 82% doanh nghiệp cho rằng, cơ hội xuất khẩu sau khi Việt Nam gia nhập WTO là rất lớn… Tuy nhiên, cũng có 68,5% doanh nghiệp cho rằng áp lực cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài tại thị trường EU rất lớn…

Nhóm tác giả thuộc Ban Nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế quốc tế của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW (CIEM) vừa tiến hành khảo sát 124 doanh nghiệp xuất khẩu thuộc các ngành: Giày dép, dệt may, thủy sản, nông sản, thủ công mỹ nghệ tại 4 địa phương: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và Hưng Yên (các doanh nghiệp này hoạt động năm 2005 có lãi chiếm 87%).

Kết quả cho thấy, phần lớn doanh nghiệp còn thiếu thông tin tại thị trường xuất khẩu.

Hoạt động xây dựng thương hiệu đối với sản phẩm xuất khẩu sang EU chưa được doanh nghiệp chú trọng: Có 49% doanh nghiệp qua khảo sát sử dụng nhãn hiệu của EU và khoảng 44,3% doanh nghiệp sử dụng nhãn hiệu riêng. Số doanh nghiệp có nhãn hiệu riêng đăng ký bảo hộ rất ít (chiếm khoảng 23,6%).

Chi phí để xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp năm 2005 thấp dưới 5% kim ngạch xuất khẩu (chiếm 76,8% tổng số doanh nghiệp), chi phí từ 5-10% kim ngạch xuất khẩu (chiếm 16,1%) và chi phí 10-15% kim ngạch xuất khẩu (chiếm 7,1% tổng số doanh nghiệp). Các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều lý do vì sao doanh nghiệp không mặn mà trong việc xây dựng thương hiệu.

Đó là tình trạng vi phạm thương hiệu chưa được xử lý nghiêm, kinh phí và nhân lực doanh nghiệp hạn chế, chính sách, quy định, thủ tục còn rườm rà… Trong đó, có 25% doanh nghiệp cho rằng, doanh nghiệp thiếu thông tin về xây dựng thương hiệu. Trong khi đó, trên thực tế, việc xây dựng thương hiệu là một trong những yếu tố sống còn trong quá trình cạnh tranh của doanh nghiệp.

Những quy định của EU liên quan đến kiện chống bán phá giá thì có 12,90% doanh nghiệp không hề biết các thông tin liên quan này và 50,81% doanh nghiệp thì cho rằng biết chút ít. Thực tế đó cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam chỉ tìm hiểu các quy định của EU khi có vấn đề xảy ra với hàng xuất khẩu.

Có 82% doanh nghiệp cho rằng, cơ hội xuất khẩu sau khi Việt Nam gia nhập WTO là rất lớn… Tuy nhiên, cũng có 68,5% doanh nghiệp cho rằng áp lực cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài tại thị trường EU rất lớn…

Trước những thách thức đó, các doanh nghiệp đã đề xuất tập trung vào 4 vấn đề chính. Đó là tăng cường tư vấn, cung cấp thông tin, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại và nghiên cứu thị trường (95%); tăng cường cầu nối trung gian giữa doanh nghiệp và Chính phủ, đại diện cho doanh nghiệp kiến nghị với Chính phủ về nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp (93,75%); Hiệp hội tham gia tích cực hơn trong việc kiến nghị chính sách, hoạch định và điều chỉnh chính sách (83,75%); hỗ trợ đào tạo cán bộ quản lý, đào tạo lao động (81,25%)

T.Hà
.
.
.