Công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam năm 2013:

Doanh nghiệp quan ngại cạnh tranh không bình đẳng

Thứ Sáu, 21/03/2014, 09:45
Ngày 20/3, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2013. Đây là năm thứ 9 báo cáo tập hợp “tiếng nói” của 8.093 doanh nghiệp (DN) dân doanh tại 63 tỉnh thành và 1.609 DN có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Điểm nổi bật của báo cáo PCI năm 2013 là chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố Việt Nam đã có chuyển biến tích cực khi mà các chỉ số PCI đều có xu hướng tăng dần và năm 2013 đạt giá trị cao nhất từ trước đến nay với 47 điểm. Tuy nhiên, cộng đồng DN vẫn còn quan ngại về sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Theo kết quả Báo cáo nghiên cứu PCI 2013, điểm tích cực và khá nổi bật trong bảng xếp hạng (BXH) PCI năm nay là việc các trung tâm kinh tế vốn được xem là “đầu tàu” của cả nước đều tăng hạng. Đơn cử như TP Hồ Chí Minh tăng 3 hạng, lần đầu tiên nằm trong top 10 tỉnh, thành có PCI cao nhất cả nước. Thủ đô Hà Nội cũng tăng 18 hạng trong bảng chỉ số, từ vị trí 51 của năm 2012 vươn lên vị trí thứ 33 trong năm 2013. Đặc biệt là sự “trỗi dậy” của Đà Nẵng, bất ngờ lội ngược dòng, vươn lên vị trí thứ nhất BXH sau 3 năm tụt hạng. Và với sự trở lại này, Đà Nẵng hiện là địa phương duy nhất 4 lần đứng đầu BXH PCI. Với số điểm trên 65, lần đầu tiên Thừa Thiên - Huế đứng vị trí thứ hai. Bên cạnh những dấu hiệu lạc quan, báo cáo PCI 2013 cũng đã chỉ ra những tồn tại khiến cộng đồng DN quan ngại sâu sắc. Và một trong những mối quan ngại lớn của DN đó là sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Theo kết quả PCI 2013, tình trạng hoạt động kém hiệu quả của DN và cảm nhận ngày càng tiêu cực về chất lượng điều hành kinh tế của địa phương xuất phát từ môi trường cạnh tranh thiếu bình đẳng. Nói cụ thể hơn, gần 30% DN dân doanh tham gia khảo sát cho rằng, họ đang bị DN Nhà nước (DNNN) vốn được ưu ái tước đi nhiều cơ hội kinh doanh. Trong đó, ưu đãi cho DNNN rõ rệt nhất ở lĩnh vực mua sắm công với 35%; tiếp cận đất đai với 27% và thủ tục hành chính nhanh chóng, đơn giản chiếm 26%. “Tỷ lệ DN cho rằng, tỉnh ưu ái cho DN lớn gây khó khăn cho hoạt động của họ tuy giảm so với các năm trước đó song đây tiếp tục vẫn là vấn đề đáng lo ngại. Hơn nữa tình trạng cạnh tranh thiếu bình đẳng hiển diện trên khắp các địa phương trên toàn quốc với mức độ khác nhau. Tại một số tỉnh, quá 50% DN tham gia khảo sát đồng ý với nhận định, chính quyền tỉnh tạo thuận lợi hơn cho DNNN trong tiếp cận đất đai và tín dụng”.

Báo cáo phân tích. Ngoài sự ưu ái cho DNNN, báo cáo PCI 2013 cũng chỉ ra 2 đối tượng DN được chính quyền địa phương ưu ái, đó là DN tiền thân là DNNN và chủ DN có mối quan hệ với chính quyền và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI)

H.Thanh
.
.
.